Phát triển xe máy điện - Giải pháp tiềm năng cải thiện chất lượng không khí

26/12/2022 11:29 GMT+7

Tiêu dùng xanh là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây hại cho sức khỏe con người và không tác động tiêu cực đến môi trường cùng các hệ sinh thái tự nhiên.

Vì sao nên loại bỏ xe xăng?

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2020, có 65,2 triệu xe máy đang lưu hành trong cả nước, tỷ lệ sở hữu xe máy là 670 xe trên 1.000 dân. Về doanh số bán hàng, theo MotorCycle Data, thị trường xe máy Việt Nam đứng thứ hai tại khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ tư trên thế giới sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020, tổng doanh xe máy bán ra giảm xuống còn 2,93 triệu chiếc, lần đầu tiên doanh số bán hàng giảm xuống dưới 3 triệu chiếc trong thập kỷ qua. Năm 2021, thị trường xe máy Việt Nam tiếp tục giảm, còn 2,8 triệu chiếc, mức mức thấp nhất trong 15 năm.

Việt Nam: quốc gia có 98 triệu dân cùng 65 triệu xe máy xăng đang là phương tiện chính chiếm hơn 80% nhu cầu đi lại tại các thành phố lớn, nhưng lại không phải tuân theo các quy định về kiểm tra và bảo trì. Với độ tuổi xe trung bình kéo dài khoảng 8-12 năm, xe càng cũ thì càng xả nhiều khí độc do không đốt hết nhiên liệu. Bình quân một chiếc xe máy xăng có thể phát thải lên tới 588 gram CO2. Do đó có thể nói rằng xe máy là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam.

Xe máy điện tuy chỉ mới xuất hiện trong vài năm gần đây nhưng đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng lên tới 10%/năm, thị trường xe điện Việt được dự đoán sẽ đạt 8 tỉ đô vào 2025.

Điện khí hóa đội xe 2W là một trong những giải pháp tiềm năng góp phần giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Cũng là một trong những giải pháp giúp Việt Nam đạt được cam kết giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050, như đã cam kết tại Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26).

ICCT “hiến kế” giải pháp thay thế bằng xe điện

Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (The International Council on Clean Transportation - ICCT) đã đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy việc sử dụng máy điện ở Việt Nam, nhằm hỗ trợ các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí. Một số khuyến nghị nổi bật bao gồm:

Thứ nhất: Xây dựng lộ trình áp dụng xe điện 2 bánh (E2W) với tầm nhìn và mục tiêu phát triển rõ ràng. Điều này có thể đẩy nhanh hiệu quả việc sử dụng E2W trong nước từ cả phía cung và cầu.

Thứ hai: Loại bỏ dần xe xăng cũ kém hiệu quả. Trên toàn cầu, nhiều quốc gia và thành phố đã thực hiện các chương trình thay thế phương tiện, bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc, Mexico và Ấn Độ. Chính phủ Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh địa phương.

Thứ ba: Ở cấp thành phố có thể triển khai vùng phát thải thấp/không phát thải (LEZ/ZEZ) hoặc vùng môi trường nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của các phương tiện gây ô nhiễm cao trong một khu vực xác định. Các phương tiện phải đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải nhất định để vào LEZ, các phương tiện khác bị cấm hoặc phải trả tiền để vào LEZ và các phương tiện gây ô nhiễm hơn phải trả nhiều tiền hơn. Việc thực hiện LEZ góp phần giảm ô nhiễm không khí ở một khu vực nhất định và cũng tạo điều kiện chuyển đổi sang các phương tiện sạch hơn.

Thứ tư: Xây dựng và triển khai quy chế kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ xe mô tô hai bánh. Những xe không đạt yêu cầu về khí thải phải nâng cấp mới cho phép hoạt động trở lại. Bằng cách tích hợp với chương trình thay thế phương tiện, các phương tiện gây ô nhiễm cao sẽ được thay thế bằng các phương tiện sạch hơn.

Thứ năm: cung cấp các ưu đãi trực tiếp cho người tiêu dùng để thúc đẩy nhu cầu: do chênh lệch giá lớn giữa các mẫu xe điện và xăng nên cần phải có động cơ khuyến khích trực tiếp để mua các mẫu xe điện.

Thứ sáu: Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện và hệ thống hoán đổi pin. Đặt mục tiêu rõ ràng và xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển mạng lưới sạc xe điện và hệ thống hoán đổi pin E2W. Xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật hài hòa về hạ tầng sạc, hệ thống hoán đổi ắc quy và vận hành các hạ tầng này nhằm đảm bảo tính an toàn và khả năng tương tác của các hệ thống.

Phát triển lưới điện và tăng tỷ lệ sản xuất năng lượng tái tạo để tối đa hóa tiềm năng của các phương tiện điện cũng là cách giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” đề ra vào năm 2050.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.