Phát triển tư tưởng Marx trong thời đại công nghiệp 4.0

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/05/2018 10:59 GMT+7

Cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là một trong những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra, đòi hỏi tư tưởng của Karl Marx phải tiếp tục được bổ sung, phát triển.

Sáng nay, 4.5, nhân kỷ niệm 200 ngày sinh của Karl Marx, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư đã tổ chức hội thảo "Di sản tư tưởng của Karl Marx và ý nghĩa thời đại", với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Tại hội nghị, các nhà khoa học một lần nữa khẳng định những giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại sâu sắc của tư tưởng Karl Marx, đồng thời nhấn mạnh đến sự vận dụng và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Marx ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nhận định, hiện nay, cách mạng khoa học công nghệ và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, chủ nghĩa tư bản đã và đang tự điều chỉnh, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Do đó, cần phải tiếp tục bổ sung, phát triển tư tưởng của Karl Marx trong thời đại ngày nay.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định những vấn đề mới đang đặt ra trong thực tiễn như cách mạng công nghiệp 4.0 cần được soi sáng bằng tư tưởng của Karl Marx.
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học quốc tế sáng 4.5 Ảnh Lê Hiệp
Theo ông Thắng, có ý kiến cho rằng, trong nền kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0, sứ mệnh lịch sử hiện nay không còn thuộc về giai cấp công nhân mà là thuộc về một số tầng lớp, giai cấp khác, thậm chí là thuộc về người máy... Tuy nhiên, nhờ lý luật K.Marx, chúng ta thấy rõ, dù nền sản xuất hiện đại được tự động hóa, nhưng xét về nội dung kinh tế, thì giai cấp công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội.
Xét về khía cạnh tư tưởng - chính trị thì chỉ có giai cấp công nhân mới tập hợp được các giai tầng lao động khác do Đảng cộng sản lãnh đạo để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do dân, vì dân. Do đó, chỉ có giai cấp công nhân mới giải quyết được các vấn đề chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng xã hội mới.
Xét về nội dung văn hóa - tư tưởng, chỉ có giai cấp công nhân mới là lực lượng xác lập được các hệ giá trị mới như lao động, công bằng, dân chủ, bình đẳng, tự do... để thay thế cho hệ giá trị tư sản cũ.
Từ đó, ông Thắng cho rằng, học thuyết K.Marx và chủ nghĩa Marx-Lenin về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời đại hiện nay vẫn còn nguyên giá trị; đồng thời, sự phát triển hiện nay của lực lượng sản xuất dựa trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ đang đưa nhân loại tới những mô hình phát triển rất mới như công nghiệp 4.0, xã hội siêu thông minh 5.0, là phù hợp với học thuyết về sự thay thế, phát triển các hình thái kinh tế - xã hội của K.Marx.
"Những mục tiêu mà các mô hình này đặt ra như mang đến cho con người một cuộc sống tiện nghi, không phân biệt về tuổi tác, sức khỏe, giới tính, địa lý, ngôn ngữ; đảm bảo phát triển bao trùm và bền vững, không để một ai bị tụt lại phía sau; giải phóng và phát triển con người... cũng chính là luận điểm căn bản mà K.Marx đã tiên lượng trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản cách đây 170 năm, phù hợp với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội", ông Thắng phân tích.
Từ đó, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư khẳng định ý nghĩa thời đại của học thuyết Marx với những tiên lượng và giá trị trường tồn của nó, là luận cứ khoa học đầy sức thuyết phục, luôn thôi thúc chúng ta xây dựng khát vọng và tầm nhìn phát triển hướng tới xã hội hiện đại, nhân văn, bao trùm và bền vững, vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người như một giá trị cốt lõi, phổ quát nhất của nhân loại.
Chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, thực tiễn
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, chủ nghĩa tư bản hiện đại mặc dù tiến bộ hơn so với chính nó vào thời điểm K.Marx nghiên cứu, nhưng vẫn có những khiếm khuyết nội tại không thể tự mình khắc phục.
Bất bình đẳng xã hội vẫn tồn tại và ngày càng gay gắt ở ngay các nước tư bản giàu có; chênh lệch giàu nghèo giữa các nước phát triển và đa số các nước đang phát triển ngày càng trầm trọng. Xung đột khủng bố, bạo lực và bất ổn xã hội vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn của nhân loại.
Dẫn lại lời của học giả Allen W.Wood, ông Thắng cho hay, phần lớn mọi người đều cho rằng, Mỹ là quốc gia giàu có nhất thế giới, nhưng đó cũng là quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới: 400 người giàu nhất nước Mỹ sở hữu khối lượng tài sản cao hơn tổng số tài sản của 150 triệu nghèo nhất. Những người giàu nhất chiếm 1% dân số nhưng lại sở hữu hơn 1/3 tổng lượng tài sản của toàn xã hội, vượt quá tổng lượng tài sản của những người có thu nhập thấp nhất nước Mỹ - đối tượng chiếm 95% dân số.
"Điều đó chứng tỏ lý luận của chủ nghĩa Marx về xã hội tư bản chủ nghĩa vẫn luôn đúng và lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, thực tiễn", ông Thắng khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.