Phát triển nông nghiệp thuận thiên ở ĐBSCL

Gia Bách
Gia Bách
21/03/2024 19:53 GMT+7

13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần hiểu được giá trị của làm nông nghiệp thuận thiên và tại sao phải sản xuất nông nghiệp thuận thiên. Từ đó, khẳng định Việt Nam không chỉ biết cách phát triển nông nghiệp thuận thiên mà còn bảo tồn văn hóa, môi trường, xã hội của vùng đất này.

Ngày 2.3, tại Cà Mau, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL.

Hội nghị có sự tham gia của khoảng 300 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các cơ quan trong nước, tổ chức tài chính, đối tác phát triển quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế cùng các hiệp hội ngành hàng.

Thách thức tới đâu, người đồng bằng vươn lên tới đó

 Phát triển nông nghiệp thuận thiên ở ĐBSCL- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng thách thức tới đâu, người đồng bằng vươn lên tới đó

G.B

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, ĐBSCL là một trong những đồng bằng có nền kinh tế lúa gạo, thủy sản, trái cây… tiêu thụ khắp nơi trên thế giới. Con người đồng bằng chân chất, hào sảng, khí phách, mở cõi ngày nào, giờ đây đang tiếp tục con đường đưa đồng bằng "cất cánh".

Mặc dù chịu nhiều thách thức của biến đổi khí hậu nhưng người đồng bằng vẫn vượt lên giống như câu chuyện "cây lúa mùa nước nổi" - nước lên tới đâu, cây lúa lên tới đó; thách thức tới đâu, người đồng bằng vươn lên tới đó.

Với nhiều kỳ vọng về sự phát triển của ĐBSCL ở hiện tại và tương lai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; đồng thời bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.

Thông qua hội nghị lần này, người đứng đầu ngành nông nghiệp mong muốn các địa phương và đối tác cùng trăn trở về câu chuyện nông nghiệp thuận thiên. Từ đó, kích hoạt lại và lan tỏa giá trị của sản xuất thuận tự nhiên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng mong muốn 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiểu được giá trị của làm nông nghiệp thuận thiên và tại sao phải sản xuất nông nghiệp thuận thiên. Từ đó, khẳng định với bạn bè và người tiêu dùng quốc tế, Việt Nam không chỉ biết cách phát triển nông nghiệp thuận thiên mà còn bảo tồn văn hóa, môi trường, xã hội của những cư dân hơn 300 năm trước đến khai phá vùng đất này.

Nông nghiệp ĐBSCL đến năm 2030 với 3 tiểu vùng sinh thái

Tại hội nghị, đại diện 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã chia sẻ về thực trạng triển khai giải pháp thuận thiên của vùng. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước hỗ trợ ĐBSCL 266.000 tỉ đồng (tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020). Tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp ĐBSCL trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2022.

 Phát triển nông nghiệp thuận thiên ở ĐBSCL- Ảnh 2.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước hỗ trợ ĐBSCL 266.000 tỉ đồng

G.B

Bên cạnh những lợi thế, toàn vùng còn hơn 560 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài khoảng 810 km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 63 điểm với 204 km cần được xử lý với kinh phí hơn 13.600 tỉ đồng.

Theo các đại biểu, thực tế trên đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững vùng.

Theo đó, định hướng phát triển ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đến năm 2030 theo 3 tiểu vùng sinh thái: ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng; mặn - lợ ở vùng ven biển; chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng. Trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo các vùng sinh thái, bước đầu xác định các phân vùng sản xuất nông nghiệp, gồm vùng an toàn, chuyển đổi và linh hoạt. Ngoài ra, vùng cần tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các doanh nghiệp hợp tác xã, công nhân nông nghiệp, phát triển cộng đồng sản xuất nông sản chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, trên nền tảng tôn tạo, phát triển văn hóa, truyền thống của địa phương.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú thông tin, mô hình tôm - lúa là hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng ĐBSCL và khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng này.

 Phát triển nông nghiệp thuận thiên ở ĐBSCL- Ảnh 3.

Mô hình tôm - lúa

G.B

Vào mùa khô, với nguồn nước mặn từ biển đổ về phía trong đất liền, các vùng đồng bằng ven biển trở thành môi trường lý tưởng để nuôi tôm. Khi đến mùa mưa, nguồn nước ngọt về, các vùng đất phì nhiêu này lại thành cánh đồng lúa màu mỡ. Chu trình luân chuyển qua hai mùa nước, hai môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm - lúa.

"Mô hình tôm - lúa nếu như triển khai như hiện tại thì hầu như không cần vốn vì người nông dân chỉ dùng tiền mua lúa giống và tôm giống nên số tiền rất nhỏ thì đã đạt doanh thu từ 250-500 triệu đồng/ha/năm. Để đạt được 1- 2,5 tỉ đồng/ha/năm thì cần phải liên kết hợp tác lại thành thửa ruộng lớn, cánh đồng tôm - lúa lớn", ông Quang nói.

Hội nghị cũng diễn ra các cuộc tọa đàm giữa các doanh nghiệp, nhà tài trợ và các cơ quan trong nước, tổ chức tài chính, đối tác phát triển quốc tế về kế hoạch hỗ trợ, giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.