Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo

05/11/2023 06:35 GMT+7

Sau Hà Nội, ngày 31.10 vừa qua, TP.Đà Lạt và Hội An đã được UNESCO công nhận tham gia vào 'mạng lưới thành phố sáng tạo' của tổ chức này, mở ra những cơ hội để phát triển văn hóa, du lịch và hợp tác.

Năm 2022, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL) và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) đã soạn thảo Đề án phát triển mạng lưới thành phố (TP) sáng tạo VN tham gia vào Mạng lưới TP sáng tạo của UNESCO (UCCN). Đây là đề án dựa trên nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất một lộ trình cho các TP. Tuy nhiên, để thực hiện được phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của chính quyền các TP liên quan.

Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo - Ảnh 1.

Hội An, TP sáng tạo về thủ công và nghệ thuật dân gian

ĐỘC LẬP

Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo - Ảnh 2.

Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng (Hội An) chế tác sản phẩm từ gỗ

NAM THỊNH

ĐƯỜNG ĐẾN DANH HIỆU "THÀNH PHỐ SÁNG TẠO"

Bà Trần Thị Vũ Loan, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết trên cơ sở đánh giá sơ bộ, Đà Lạt được Bộ VH-TT-DL lựa chọn là một trong 8 TP cùng với Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Hải Phòng, TP.HCM tham gia phối hợp thực hiện việc xây dựng đề án.

Tháng 5.2022, đội ngũ các chuyên gia tư vấn của đề án thực hiện các đợt nghiên cứu đánh giá tiền khả thi đối với Đà Lạt và nhận định âm nhạc là lĩnh vực mà TP có lịch sử phát triển, có thành tựu và tiềm năng mang lại nhiều tác động kinh tế - văn hóa - xã hội trong thời gian tới.

Được sự hỗ trợ của Cục Hợp tác quốc tế, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, TP.Đà Lạt đã xây dựng hồ sơ "Đà Lạt - TP sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc" đề cử tham gia UCCN và ngay sau đó đã có những hoạt động tích cực để hoàn thiện hồ sơ.

Tháng 6.2023, TP.Đà Lạt tổ chức Hội thảo tham vấn hồ sơ tham gia ứng cử với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, người làm công tác giáo dục và đào tạo, nhà sản xuất âm nhạc, các nhạc sĩ và người thực hành âm nhạc cùng cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo trẻ như: nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung; Phố Bên Đồi Creative Studio… Đặc biệt, có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn quốc tế đến từ các TP sáng tạo khác như Daegu (Hàn Quốc), Belfast (Bắc Ireland), Vương quốc Anh… cùng sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp.

Trong các chuyến công tác nước ngoài, lãnh đạo TP.Đà Lạt cũng đã kết nối, quảng bá về Đà Lạt và tạo dựng mối quan hệ hợp tác với các TP sáng tạo khác để học hỏi kinh nghiệm… Tất cả những nỗ lực trên đưa đến kết quả tốt đẹp là hồ sơ của Đà Lạt đã được UNESCO xét duyệt.

Trong khi Đà Lạt là TP trẻ chỉ mới có 130 năm hình thành và phát triển, thì phố cổ Hội An (Quảng Nam) với tuổi đời gần 500 năm từ lâu đã gìn giữ hơn 100 nghề thủ công cùng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như hô hát bài chòi, hát bả trạo… Nơi đây có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm VH-TT và Truyền thanh - Truyền hình TP.Hội An, cho biết khi Bộ VH-TT-DL có quyết định về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng đề án phát triển mạng lưới TP sáng tạo nằm trong hệ thống các TP sáng tạo của UNESCO, địa phương đã rất chủ động trong việc hoàn tất hồ sơ. Cụ thể, khi đoàn công tác của Bộ VH-TT-DL đến Hội An khảo sát xây dựng báo cáo, chính quyền TP.Hội An nhanh chóng chuẩn bị hồ sơ báo cáo đánh giá tiền khả thi, tổ chức tọa đàm để tranh thủ ý kiến, tư vấn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu… để xác định lựa chọn lĩnh vực văn hóa sáng tạo là thủ công và nghệ thuật dân gian. Tính chủ động này nhờ vào việc kế thừa nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu trước đây. "Thủ công và nghệ thuật dân gian là lĩnh vực mà Hội An có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh, đồng thời cũng là lĩnh vực có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương", bà Cẩm nói.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng hồ sơ, Hội An đã nhận được sự tư vấn hỗ trợ nhiệt tình từ Sở VH-TT TP.Hà Nội, TP đầu tiên của VN xây dựng hồ sơ và được UNESCO ghi nhận; sự hỗ trợ của Cục Hợp tác quốc tế, Ủy ban quốc gia UNESCO VN, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Hội An cũng nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước và quốc tế tham vấn xây dựng hồ sơ... Chính những điều này đã giúp hồ sơ của Hội An được xét duyệt.

Kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ từ 2 TP mới được công nhận là TP sáng tạo chắc chắn sẽ rất hữu ích với các TP tiếp theo. Cục Hợp tác quốc tế cho biết, theo quy định, 2 năm các quốc gia mới được đệ trình hồ sơ một lần, với tối đa 2 TP và ở lĩnh vực khác nhau. Hiện tại, theo lộ trình, năm 2025 VN sẽ đề xuất 2 TP là Huế và TP.HCM. Hướng làm hồ sơ dự kiến của Huế là TP sáng tạo lĩnh vực ẩm thực hoặc thủ công và nghệ thuật dân gian; còn TP.HCM là TP sáng tạo lĩnh vực điện ảnh. Đà Nẵng cũng đang xem xét khả năng thực hiện hồ sơ TP sáng tạo ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thông.

Sáng tạo, yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm cho rằng việc Hội An tham gia UCCN là cơ hội tốt để TP quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo. Đồng thời, truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức cộng đồng, tiếp nhận sáng kiến và kinh nghiệm từ các quốc gia trong mạng lưới để đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn văn hóa, con người và các nguồn tài nguyên khác của Hội An.

Khi trở thành TP sáng tạo, lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian sẽ mở ra cơ hội cho người dân tiếp cận công nghệ hiện đại, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, các loại hình nghệ thuật dân gian được duy trì và phát triển, các nghệ sĩ, nghệ nhân có đất để thực hành sáng tạo... Chính điều này sẽ góp phần tăng cường sinh kế và cải thiện đời sống của cộng đồng.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm (Giám đốc Trung tâm VH-TT và Truyền thanh - Truyền hình TP.Hội An)

"TP sẽ thực hiện các sáng kiến và cam kết như đã nêu trong hồ sơ đăng ký với UNESCO và đặt mục tiêu tiếp theo là hình mẫu thực hành tốt trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Cùng với đó, chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường", bà Cẩm nói.

Khi được hỏi người dân sẽ hưởng lợi gì từ việc Hội An trở thành TP sáng tạo, bà Cẩm cho biết: "Khi trở thành TP sáng tạo, lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian sẽ mở ra cơ hội cho người dân tiếp cận công nghệ hiện đại, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, các loại hình nghệ thuật dân gian được duy trì và phát triển, các nghệ sĩ, nghệ nhân có đất để thực hành sáng tạo... Chính điều này sẽ góp phần tăng cường sinh kế và cải thiện đời sống của cộng đồng. Dựa trên các chất liệu của thủ công và nghệ thuật dân gian, TP sẽ thu hút và tổ chức nhiều sự kiện địa phương, quốc gia và quốc tế, mở ra cơ hội giao lưu, sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian".

Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt cho rằng việc Đà Lạt được gia nhập UCCN trong lĩnh vực âm nhạc là sự kiện đặc biệt trong năm kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 - 2023). Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Đà Lạt, đưa thương hiệu Đà Lạt đến với toàn cầu thông qua âm nhạc.

Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo - Ảnh 4.

Đà Lạt là TP sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc

ĐỘC LẬP

Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo - Ảnh 5.

Biểu diễn cồng chiêng giữa thiên nhiên Đà Lạt

TƯ LIỆU

Cũng theo ông Tú, việc được gia nhập đã khó, nay phải làm sao cho xứng đáng với danh hiệu càng khó hơn. Do đó, Đà Lạt phải triển khai thực hiện ngay các cam kết với UNESCO nhằm đạt được các mục tiêu của mạng lưới cấp địa phương và quốc tế. 

Với cấp địa phương phải thực hiện 3 sáng kiến: di sản âm nhạc của tương lai; giáo dục âm nhạc vì cộng đồng; củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo.

Đặc biệt, với mạng lưới ở cấp quốc tế, Đà Lạt sẽ tổ chức 3 chương trình, gồm: Hòa âm cồng chiêng Đông Nam Á hằng năm diễn ra trong 4 ngày, với sự tham gia của các đội cồng chiêng đến từ các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Lào, Campuchia…

Chương trình Thanh âm của đại ngàn là dự án hợp tác giữa Đà Lạt và các TP âm nhạc trong mạng lưới UCCN, đặc biệt là các thành phố khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Adelaide (Úc), Daegu (Hàn Quốc), Ambon (Indonesia) và các TP châu Phi. Người tham gia là các nhà thực hành âm nhạc quốc gia và quốc tế ở tất cả các loại hình âm nhạc với cam kết thực hành lối sống bền vững, với sự hỗ trợ của các chuyên gia và cộng đồng địa phương.

Chương trình Festival âm nhạc quốc tế LangBiang, tổ chức hai năm một lần, kéo dài 1 - 2 tuần tại các không gian trong TP với sự hợp tác của chính quyền địa phương, tư nhân, nghệ sĩ quốc gia và quốc tế, và cộng đồng. Nội dung bao gồm trình diễn âm nhạc và các triển lãm nghệ thuật đa lĩnh vực để gây quỹ và hỗ trợ nghệ sĩ trẻ nghiệp dư có được sự hiện diện tốt hơn. Các hoạt động trải nghiệm văn hóa sáng tạo như tour âm nhạc và hoạt động sáng tạo âm nhạc cộng đồng, đặc biệt hướng đến trẻ em và thanh niên; hội thảo, tọa đàm, đối thoại nghệ sĩ với khán giả, về phát triển hệ sinh thái âm nhạc kết nối khu vực. 

Theo VICAS, UCCN là sáng kiến được UNESCO khởi xướng năm 2004, với mục tiêu lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để bảo vệ, phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, thúc đẩy sự hợp tác giữa các TP, đáp ứng các yêu cầu về phát triển đô thị bền vững.

Từ năm 2015 đến nay, UCCN nhấn mạnh việc mỗi thành viên tham gia tại các quốc gia cần đáp ứng 17 mục tiêu đã đặt ra trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã được LHQ thông qua.

Sau gần 20 năm hình thành, mạng lưới các TP sáng tạo với 7 lĩnh vực (thiết kế, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông, âm nhạc, điện ảnh, thủ công và nghệ thuật dân gian) đã lan tỏa đến 301 TP tại 90 quốc gia trên toàn cầu. Để gia nhập UCCN, các TP sẽ phải chứng minh lựa chọn tiên quyết đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa qua 3 sáng kiến địa phương, 3 sáng kiến quốc tế ở lĩnh vực đăng ký.

Chuyên gia cho rằng những sáng kiến này sau đó đều giúp cho phần lớn các TP củng cố và mở rộng kinh tế, thúc đẩy KH-CN, cung cấp cơ hội phát triển nguồn nhân lực, hiện thực hóa các ý tưởng và đầu tư cho sự đổi mới theo hướng bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.