Phát triển kinh tế nhưng Đắk Nông phải giữ rừng, giữ lá phổi cho cả nước

23/03/2024 19:30 GMT+7

Đến dự và làm việc tại Đắk Nông, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý bên cạnh việc phát triển kinh tế, Đắk Nông phải giữ rừng, giữ lá phổi cho khu vực và cả nước.

Chiều 23.3, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức "Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024". Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, cùng lãnh đạo của nhiều bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tham dự hội nghị.

Phó thủ tướng nói gì khi lần đầu đến Đắk Nông?

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết đây là lần đầu ông đến Đắk Nông. Cảm nhận đầu tiên của ông về Đắk Nông thì đây là vùng đất còn mới mẻ và hoang sơ. 

Về khó khăn của Đắk Nông, Phó thủ tướng cho rằng ai khó cái gì thì… Đắk Nông có cái khó đó. Khó khăn lớn nhất là 2/3 diện tích đất tự nhiên của Đắk Nông là đất quy hoạch khoáng sản và rừng. "Đắk Nông chỉ còn 1/3 diện tích đất tự nhiên để phát triển kinh tế. Nhưng tiếc là phần diện tích này lại chủ yếu nằm ở khu vực phía bắc, nơi giáp với TP.Buôn Ma Thuộc của Đắk Lắk. Trong khi hướng phát triển trọng tâm lại ở khu vực phía nam của tỉnh. Cho nên, nếu không giải quyết được vấn đề này thì dư địa phát triển của Đắk Nông sẽ bị ảnh hưởng", Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định.

Phát triển kinh tế nhưng Đắk Nông phải giữ rừng, giữ lá phổi cho cả nước- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị

XUÂN LÂM

Là vùng đất được cho là ít chịu ảnh hưởng của thiên tai thì ngay trong năm 2023 vừa qua, Đắk Nông đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ lịch sử. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. "Thu ngân sách của Đắk Nông cũng thuộc dạng thấp so với các tỉnh thành khác trên cả nước. Vì vậy, việc đầu tư, làm cái gì tỉnh cũng phải hết sức cân nhắc, thận trọng", Phó thủ tướng lưu ý.

Phát triển kinh tế nhưng Đắk Nông phải giữ rừng, giữ lá phổi cho cả nước- Ảnh 2.

Phó thủ tướng nhắc lại về những thiệt hại của Đắk Nông do thiên tai trong năm 2023

XUÂN LÂM

Là tỉnh kết nối giữa khu vực Tây nguyên và các tỉnh Đông Nam bộ, giải quyết được câu chuyện giao thông (cụ thể là tuyến cao tốc nối TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông với H.Chơn Thành, Bình Phước), thì việc phát triển kinh tế sẽ rất thuận lợi.

Bên cạnh đó, việc nằm ở độ cao khoảng 700 mét so với mặt nước biển, lại gần TP.HCM và có thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù, Phó thủ tướng tin rằng Đắk Nông đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, du lịch.

Đáng chú ý, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý bên cạnh việc phát triển kinh tế, Đắk Nông phải giữ được tài nguyên, giữ được sự đa dạng sinh học, và đặc biệt phải giữ rừng, giữ lá phổi cho khu vực và cả nước.

Cam kết không tàn phá những cánh rừng, những ngọn đồi

Tại hội nghị, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, về cảnh quan thiên nhiên thì đến hiện tại, Đắk Nông vẫn còn hoang sơ, chưa bị tàn phá bởi hệ thống nhà kính hoặc những khối bê tông. "Chúng tôi cam kết làm gì cũng bảo đảm phải giữ nguyên theo mẹ thiên nhiên. Những cánh đồng, những cánh rừng hay là những ngọn đồi, đảm bảo phải giữ nguyên như vậy. Để từ đó Đắk Nông mãi mãi đẹp về thời tiết, khí hậu, thiên nhiên, địa hình", ông Mười nói.

Phát triển kinh tế nhưng Đắk Nông phải giữ rừng, giữ lá phổi cho cả nước- Ảnh 3.

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại hội nghị

XUÂN LÂM

Tại hội nghị, ông Lê Văn Chiến, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cũng công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030, Đắk Nông sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây nguyên và vùng Đông Nam bộ; trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng. Phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, môi trường, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Phát triển kinh tế nhưng Đắk Nông phải giữ rừng, giữ lá phổi cho cả nước- Ảnh 4.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông trao giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư

XUÂN LÂM

Đến năm 2050, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao. Là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng, trở thành "Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình".

Tại hội nghị, UBND tỉnh Đắk Nông đã trao giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng cho 4 nhà đầu tư. Gồm dự án tổ hợp khách sạn - thương mại cao nguyên của Công ty CP cà phê ARABICA Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 440 tỉ đồng; dự án khu dân cư tổ 5, P.Nghĩa Trung của Công ty CP BĐS Gia Nghĩa với tổng mức đầu tư hơn 880 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Gia Nghĩa của Công ty CP Đầu tư Bệnh viện Xuyên Á với tổng mức đầu tư hơn 260 tỉ đồng; dự án nhà máy chế biến khoai lang cắt lát đông lạnh của Công ty SEJIN F&S INC tại Khu công nghiệp Tâm Thắng với tổng mức đầu tư hơn 150 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Nông còn ký kết ghi nhớ hợp tác với 4 nhà đầu tư khác, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 8,4 tỉ USD.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.