Phát huy hương ước trong xây dựng môi trường văn hóa

12/05/2022 06:00 GMT+7

Xây dựng môi trường văn hóa là xây dựng cả giá trị, chuẩn mực, đạo đức, lối sống ở các môi trường như gia đình, dòng họ, làng bản…

Trong xã hội truyền thống, các hương ước đóng vai trò như một nguyên tắc định hướng chung của cả cộng đồng. Đây cũng là văn bản thể hiện chuẩn mực, chế tài thực hiện mà cộng đồng thôn bản, buôn làng phải tuân theo.

Trong xã hội cổ truyền, hương ước thường ngắn gọn, đề cập đến những vấn đề thiết thân của thôn bản, buôn làng như giải quyết các tranh chấp lợi ích của các hộ gia đình trong thôn, vấn đề bảo vệ an ninh trật tự, vấn đề bảo vệ rừng... Các nội dung này đều được hội nghị chủ hộ gia đình chủ động đưa ra bàn bạc. Sau khi thảo luận dưới sự điều hành của trưởng thôn, sự góp ý của hội đồng già làng, bản hương ước được thông qua dưới hình thức truyền miệng là chủ yếu (một số dân tộc có chữ viết có ghi chép thành từng điều khoản ngắn gọn).

Cần chú trọng di sản hương ước xưa khi xây dựng và áp dụng vào các thôn bản, buôn làng của thời kỳ hiện đại

Hoàng Sơn

Hương ước được thông qua trong lễ cúng các vị thần chung của làng có các vị thần làng về chứng giám. Do đó, hương ước cũng mang tính thiêng. Hương ước như một lời thề thiêng của cả thôn bản, buôn làng.

Hiện nay, vấn đề xây dựng hương ước theo tiêu chuẩn danh hiệu làng văn hóa có biến đổi và nảy sinh nhiều điều bất cập. Trước hết, bản hương ước đều do cán bộ Tư pháp xã soạn thảo theo các nội dung chung chung, vận dụng vào thôn bản, buôn làng nào cũng được. Hầu hết các bản hương ước đều nhắc lại các văn bản luật một cách không cần thiết.

Hương ước xây dựng theo cách này cũng trở nên quá dài, quá nhiều điều. Khảo sát ở H.Sìn Hồ (Lai Châu) và H.Bắc Hà (Lào Cai), các bản hương ước có từ 28 - 35 điều khác nhau. Người soạn hương ước chọn lựa tất cả những yêu cầu của chính quyền đối với người dân để đưa vào hương ước, từ việc thực hiện chính sách, đóng nộp lệ phí đến việc phổ cập giáo dục tiểu học...

Bản hương ước thông qua hội nghị dân thôn bản, buôn làng một cách hình thức. Sau đó, Ban Tư pháp xã trình hương ước lên UBND huyện có quyết định phê chuẩn. Bản hương ước của thôn Giàng Lân, xã Tả Phìn (H.Sìn Hồ, Lai Châu) có nhiều điều mang thuật ngữ “phát triển bền vững”, “bình đẳng giới”. Khi chúng tôi phỏng vấn, trưởng thôn cho biết cũng không hiểu nghĩa của thuật ngữ đó là gì.

Hương ước trở thành hình thức, na ná giống nhau, không đề cập những vấn đề cơ bản của thôn bản, buôn làng dẫn đến tình trạng cộng đồng coi thường hương ước. Thậm chí, khảo sát ở xã Y Tý (H.Bát Xát, Lào Cai) và xã Thượng Hóa (H.Minh Hóa, Quảng Bình); xã Tả Ngảo và Tả Phìn (H.Sìn Hồ, Lai Châu) thì hầu hết các gia đình không nhớ hương ước đề cập đến vấn đề gì.

Dư luận thôn bản, buôn làng trở thành lực lượng hướng dẫn và cưỡng chế các thành viên ứng xử theo đúng chuẩn mực của hương ước và tập quán pháp. Khi hương ước bị hình thức hóa, chưa trở thành một cương lĩnh chung thì sẽ chưa tạo thành một tuyên ngôn của thôn bản, buôn làng để tạo cơ sở xây dựng dư luận thôn bản, buôn làng. Trong khi chính dư luận thôn bản, buôn làng này trước tới nay luôn khoanh vùng để xóa đi những ứng xử sai trái.

Đã đến lúc ngành tư pháp và cán bộ địa phương cần chú trọng hơn đến cách xây dựng hương ước xưa. Đó cũng là một di sản mà chúng ta có thể sử dụng trong thời kỳ hiện đại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.