Phát hiện xác ướp 4.300 năm tuổi phủ vàng ở Ai Cập

29/01/2023 08:30 GMT+7

“Đây có thể là xác ướp lâu đời nhất và hoàn chỉnh nhất được tìm thấy ở Ai Cập tính cho đến nay”, một nhà khảo cổ học nói về hài cốt của người đàn ông tên Heka-shepes.

Các nhà khảo cổ phát hiện ra xác ướp lâu đời nhất và hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy ở Ai Cập trong cuộc khai quật gần đây tại một địa điểm ở Saqqara, cách Cairo khoảng 32 km.

Tiến sĩ Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng cổ vật của Ai Cập cùng nhóm của ông đã phát hiện ra xác ướp, được bao phủ bởi vàng lá, bên trong một chiếc quách bằng đá vôi hình chữ nhật lớn. Xác ướp được xác định là người đàn ông tên là Heka-shepes.

Địa điểm khảo cổ Saqqara

People

Tiến sĩ Hawass cho biết trên Facebook hôm 26.1: “Quách được niêm phong bằng vữa, giống như cách người Ai Cập cổ đại đã làm cách đây 4.300 năm. Xác ướp này có thể là xác ướp lâu đời nhất và hoàn chỉnh nhất được tìm thấy ở Ai Cập tính cho đến nay”.

Phát hiện này là một phần của “nhóm các ngôi mộ của Vương quốc Cổ đại”, bao gồm những nơi an nghỉ của Khnum-djed-ef, "một thầy tu trong khu phức hợp kim tự tháp của Unas" và "một quan chức trong cung điện hoàng gia", theo tuyên bố của nhóm khảo cổ.

Một ngôi mộ khác chứa "chín bức tượng đẹp". Tiến sĩ Hawass cho biết vị thầy tu có thể tên là Messi, dựa trên một "cánh cửa giả được phát hiện gần các bức tượng".

Tiến sĩ Hawass xác nhận có một đường hầm khác sâu khoảng 10 m, chứa bộ sưu tập tượng gỗ. Ngoài ra, ba bức tượng đá đại diện cho một người tên là Fetek đã được khai quật, bên cạnh "một bàn cúng dường và một chiếc quách bằng đá chứa xác ướp của ông ta".

Các nhà khảo cổ công bố việc phát hiện ra một nghĩa trang lớn gần Cairo, Ai Cập

people

Tiến sĩ Hawass nói khám phá này cũng bao gồm "nhiều bùa hộ mệnh, bình đá, công cụ sinh hoạt hằng ngày và tượng các vị thần, cùng với đồ gốm".

Theo BBC, tất cả các vật phẩm được nhóm nghiên cứu phát hiện đều có niên đại từ thế kỷ 25 đến thế kỷ 22 trước Công nguyên.

Xác ướp Ai Cập đầu tiên trên thế giới đang mang thai

Trước đó vào tháng 5.2021, các nhà khoa học đã phát hiện xác ướp một phụ nữ ở độ tuổi từ 20 đến 30 khi qua đời và thai nhi khoảng 26 đến 30 tuần tuổi.

Kể từ năm 2015, Ejsmond và một nhóm các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu hơn 40 xác ướp tại Bảo tàng Quốc gia ở Warsaw, Ba Lan, theo Times.

Báo cáo cho biết xác ướp đặc biệt này đã được tìm thấy trong các ngôi mộ hoàng gia ở Thebes, Thượng Ai Cập. Vào thời điểm đó, nó được “ướp xác cẩn thận, bọc trong vải và trang bị một bộ bùa hộ mệnh phong phú”, bài báo viết.

Năm 1826, xác ướp được tặng cho Đại học Warsaw, sau đó được đặt tại Bảo tàng Quốc gia ở Warsaw, tờ Times đưa tin.

Xác ướp mang thai

people

Gần 2 thế kỷ sau, các cuộc kiểm tra X quang đã được tiến hành, khiến các nhà nghiên cứu tin rằng xác ướp là nam giới. Các chữ tượng hình trên quan tài cũng được dịch vào khoảng thời gian đó để tiết lộ tên của một linh mục Ai Cập, Hor-Djehuty.

Ejsmond nói với tờ Times rằng trong thời gian qua, nhóm của ông đã kiểm tra lại xác ướp và phát hiện ra đó không phải là nam giới như suy nghĩ ban đầu.

“Điều đó hoàn toàn bất ngờ. Các nhà nhân chủng học đã kiểm tra kỹ khu vực xương chậu để xác định giới tính của xác ướp và kiểm tra mọi thứ. Họ phát hiện điểm kỳ lạ ở xương chậu”, Ejsmond giải thích.

Hình ảnh kỳ lạ đó ở vùng xương chậu hóa ra là một chiếc chân nhỏ xíu của thai nhi, theo Times. Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục tiến hành scan và chụp X-quang bổ sung để xác định độ tuổi gần đúng của xác ướp và thai nhi vào thời điểm qua đời, theo nguồn tin.

Theo báo cáo của các nhà khoa học thì họ tin rằng thi thể có từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

“Xác ướp này cung cấp khả năng mới cho các nghiên cứu về thai nghén thời cổ đại, có thể so sánh và liên quan đến các trường hợp hiện tại. Hơn nữa, mẫu xác ướp này làm sáng tỏ một khía cạnh chưa được nghiên cứu về phong tục chôn cất của người Ai Cập cổ đại và cách giải thích về việc mang thai trong bối cảnh tôn giáo thời Ai Cập cổ đại”, báo cáo nêu rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.