Phát hiện mới về những gì não bộ con người trải qua khi cận kề cái chết

Khánh Như
Khánh Như
02/05/2023 10:50 GMT+7

Các nhà khoa học thuộc Đại học Michigan (Mỹ) đã phát hiện một số thay đổi trong não bộ con người khi sắp lìa đời.

Tờ Daily Mail ngày 2.5 dẫn một nghiên cứu do nhóm nhà khoa học tại Đại học Michigan (Mỹ) công bố cho cho rằng trước khi chết, con người sẽ trải qua một bước nhảy trong hoạt động của sóng gamma tại một vùng não bộ chịu trách nhiệm về ý thức, giấc mơ và ảo giác.

Theo các nhà nghiên cứu, những ảo giác này là nguyên nhân dẫn đến việc một số người cho biết họ nhìn thấy ánh sáng rực rỡ, nghe thấy giọng nói, tiếng hát hoặc thậm chí là hình ảnh của những người thân yêu khi cận kề cái chết.

Quá trình nghiên cứu

Cụ thể, để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã dùng điện não đồ (EEG) để theo dõi 4 bệnh nhân bị ngừng tim. Các bệnh nhân tham gia nghiên cứu đã hôn mê, không phản ứng, được các bác sĩ xác định là không còn hy vọng sống và được gia đình đồng ý gỡ các thiết bị duy trì sự sống, theo trang Futurism.

Phát hiện mới về não bộ con người khi cận kề cái chết - Ảnh 1.

Nghiên cứu tại Đại học Michigan đã phát hiện một số thay đổi trong não bộ của những người sắp lìa đời

SHUTTERSTOCK

Trước khi gỡ máy thở, các bác sĩ đã sử dụng một thiết bị gồm các điện cực để gắn vào da đầu bệnh nhân để đo hoạt động não của họ. Các thiết bị này sau đó đã phát hiện và ghi lại được các tín hiệu điện cực nhỏ từ não 4 bệnh nhân.

Theo đó, nhịp tim và hoạt động của sóng gamma ở 2 trong số 4 bệnh nhân đã gia tăng. Các nhà khoa học cho biết gamma là sóng nhanh nhất trong não và có liên quan hoạt động ý thức. Mức gamma cao thường liên quan đến suy nghĩ mãnh liệt và tăng cường tập trung.

Các nhiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng những người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường sẽ trải qua những đợt sóng gamma cao trong não bộ. Mức độ cao của sóng gamma cũng được ghi lại khi một người bị co giật. Nó cũng liên quan rối loạn tâm thần và một số hoạt động não có hại, chẳng hạn như ảo tưởng và ảo giác.

Từ đó, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng sóng gamma có thể là một trong những yếu tố khiến con người thấy được những điều kỳ lạ khi cận kề cái chết. Tuy nhiên, họ vẫn e dè vì 2 bệnh nhân còn lại không có biểu hiện tăng nhịp tim và hoạt động não.

Mở đường cho các nghiên cứu mới

Nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn đầu và chỉ mới được tiến hành trên 4 bệnh nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học hy vọng nó sẽ mở đường cho sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách não bộ phản ứng với cái chết.

Phát hiện mới về não bộ con người khi cận kề cái chết - Ảnh 2.

Phát hiện mới sẽ mở đường cho các nghiên cứu tiếp theo về não bộ con người khi cận kề cái chết

SHUTTERSTOCK

Nghiên cứu này theo sau một nghiên cứu trên động vật được thực hiện gần 10 năm trước. Thời điểm đó, sự thay đổi trong bước sóng gamma đã được ghi nhận trong não bộ sắp chết của cả động vật và con người do mất oxy sau khi tim ngừng đập.

Vì số mẫu thí nghiệm còn nhỏ, nhóm cảnh báo không nên đưa ra bất kỳ tuyên bố toàn cầu nào về ý nghĩa của những phát hiện này. Họ cũng lưu ý rằng không thể biết những gì bệnh nhân đã trải qua khi họ sắp qua đời.

Đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ George Mashour thuộc Trung tâm Khoa học Ý thức Michigan (Mỹ), cho biết: "Việc các trải nghiệm sống động có thể xuất hiện từ một bộ não bị rối loạn chức năng khi sắp chết vẫn là một nghịch lý trong khoa học thần kinh".

Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Jimo Borjigin thuộc Đại học Michigan, cho biết: "Trong nghiên cứu này, chúng tôi không thể tìm ra mối tương quan giữa các dấu hiệu thần kinh [mà chúng tôi] quan sát được với trải nghiệm tương ứng ở bệnh nhân".

"Tuy nhiên, những phát hiện quan sát được chắc chắn rất thú vị và cung cấp một bộ khung mới cho sự hiểu biết của chúng ta về ý thức tiềm ẩn ở những người sắp từ giã cõi đời", theo GS Borjigin.

Các chuyên gia cũng kêu gọi thực hiện các nghiên cứu lớn hơn để có thêm nguồn dữ liệu cần thiết nhằm xác định liệu những đợt bùng nổ hoạt động gamma này có phải là bằng chứng về ý thức tiềm ẩn ngay cả khi cận kề cái chết hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.