Lớn bé không tranh ăn là bí quyết 'làm trùm' của khủng long bạo chúa?

14/12/2023 11:13 GMT+7

Nghiên cứu mới về hóa thạch 75 triệu năm tuổi của một con khủng long bạo chúa chưa trưởng thành giúp giải thích lý do tại sao những tay săn mồi đỉnh cao này từng thống trị chuỗi thức ăn.

Theo Business Insider, các nhà khoa học gần đây đã nghiên cứu hóa thạch của một con khủng long Gorgosaurus libratus - loài cùng họ với loài Tyrannosaurus rex (T. rex) nổi tiếng trong văn hóa đại chúng, sống cách đây 75 triệu năm - ở tỉnh bang Alberta của Canada. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 8.12.

Cả hai loài khủng long nói trên đều thuộc họ bạo long, hay khủng long bạo chúa, và họ này hầu như luôn là các sinh vật săn mồi lớn nhất hệ sinh thái, đứng đầu chuỗi thức ăn trong thời đại của chúng. Bằng chứng cho thấy những con khủng long bạo chúa trưởng thành thường ăn động vật ăn cỏ lớn.

Phát hiện lý do khủng long bạo chúa từng thống trị chuỗi thức ăn - Ảnh 1.

Bộ xương một con khủng long Gorgosaurus

CHỤP MÀN HÌNH BUSINESS INSIDER

Tuy nhiên, phát hiện về những gì còn sót lại ở dạng hóa thạch của hai con khủng long giống chim, nằm trong dạ dày của con khủng long bạo chúa được nghiên cứu, đã mang đến cái nhìn sâu sắc về cách săn mồi khác nhau giữa cá thể trưởng thành và cá thể chưa trưởng thành của loài này.

"Đây là lần đầu tiên những gì chứa trong dạ dày còn ở tình trạng tốt như vậy được tìm thấy bên trong bộ xương của một loài khủng long bạo chúa lớn", Darla Zelenitsky, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Sinh vật này ước tính nặng khoảng 320 kg - chỉ bằng khoảng 10% khối lượng của một con trưởng thành - và được cho là chết trẻ khi mới từ 5 đến 7 tuổi. Hóa thạch được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 2009 tại Công viên Khủng long ở Alberta (Canada).

Theo nghiên cứu, con trưởng thành và con chưa trưởng thành trong họ bạo long không tranh giành con mồi. Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi còn nhỏ, những con khủng long bạo chúa tìm kiếm con mồi nhỏ hơn do "hộp sọ hẹp, răng giống lưỡi dao và các chi sau dài mảnh". Tuy nhiên, những con trưởng thành có "hộp sọ lớn và những chiếc răng nanh to, có khả năng tạo ra những vết cắn nghiền nát xương" để săn con mồi lớn hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, vì con chưa trưởng thành không cạnh tranh với con trưởng thành nên điều này "cho phép khủng long bạo chúa trưởng thành và chưa trưởng thành cùng tồn tại trong một hệ sinh thái với ít xung đột" và đây có thể là lý do tại sao loài này thống trị chuỗi thức ăn.

"Khủng long bạo chúa là động vật ăn thịt đứng cả ở đầu và ở giữa chuỗi thức ăn trong vòng đời, một yếu tố có thể là chìa khóa cho sự thành công trong quá trình tiến hóa của chúng", nghiên cứu cho hay.

Phát hiện loài khủng long mới có cánh tay nhỏ xíu

Khi nhìn vào phần hóa thạch của con mồi nằm trong dạ dày của con khủng long bạo chúa trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy dấu vết chi sau của con mồi, cho thấy rằng khủng long bạo chúa có khả năng tập trung vào phần đùi nhiều thịt của con vật để ăn.

Việc kén chọn như vậy có thể liên quan đến mức độ thông minh cao. Ví dụ, cá voi sát thủ được coi là một trong những loài động vật biển thông minh nhất trên trái đất hiện nay và chúng nổi tiếng là loài kén ăn, đôi khi nhắm vào cá mập chỉ để lấy gan, để phần còn lại của cơ thể con mồi dạt vào bờ và thối rữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.