Phát hiện hóa thạch loài thằn lằn bay khổng lồ ở Argentina

24/05/2022 09:40 GMT+7

Các nhà khoa học Argentina khai quật hóa thạch được xác định là loài thằn lằn bay mới, được đặt biệt danh “rồng tử thần”, với chiều dài của cá thể trưởng thành vào khoảng 9 m.

Xương hóa thạch khổng lồ của loài thằn lằn bay mới được phát hiện

reuters

“Rồng tử thần” là loài thằn lằn bay khổng lồ sống cách đây 86 triệu năm. Phát hiện này cũng mang đến cái nhìn mới mẻ về loài sinh vật có chiều dài cỡ xe buýt này, theo Reuters hôm 23.5.

Loài thằn lằn bay vừa được tìm thấy ở Argentina nằm trong số các sinh vật đầu tiên của trái đất sử dụng cánh để săn đuổi con mồi trên không.

Đội ngũ các nhà cổ sinh vật đã khai quật hóa thạch của loài được đặt tên là Thanatosdrakon amaru trên dãy Andes thuộc tỉnh Mendoza, miền tây Argentina. Kết quả phân tích đá bảo tồn hóa thạch có niên đại từ kỷ Phấn Trắng.

Hình ảnh mô phỏng kích thước của thằn lằn bay Thanatosdrakon amaru so với con người

reuters

Dựa trên ước tính về niên đại, loài thằn lằn bay này đã sống ít nhất 20 triệu năm trước khi tiểu hành tinh lao xuống khu vực hiện giờ là bán đảo Yucatan của Mexico, quét sạch khoảng ¾ sự sống trên hành tinh chúng ta cách đây khoảng 66 triệu năm.

Trưởng nhóm dự án Leonardo Ortiz cho hay những đặc điểm chưa từng thấy trên hóa thạch buộc giới khoa học phải đặt tên chi và loài mới. Kết quả là cái tên Thanatosdrakon amaru ra đời, kết hợp những từ Hy Lạp cổ đại là tử thần (thanatos) và rồng (drakon).

“Cái tên này hoàn toàn phù hợp với chúng. Chúng là những con rồng gieo rắc sự chết chóc”, ông Ortiz nhận xét. Báo cáo của nhóm ông đã được đăng tải trên chuyên san Cretaceous Research.

Khai quật hóa thạch khủng long kỷ Jura lớn nhất thế giới

Loài thằn lằn bay mới phát hiện được cho có bề ngoài đáng sợ. Kích thước xương của chúng cho thấy Thanatosdrakon amaru là loài thằn lằn bay lớn nhất từng được phát hiện ở Nam Mỹ, và nằm trong số những loài lớn nhất trên toàn thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.