Phát hiện cổng cung điện mới ở Hoàng thành Thăng Long?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
08/04/2020 08:00 GMT+7

Khai quật khảo cổ 2019 tại Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện cống nước gạch kiên cố thời Đại La, di vật tượng rồng đất nung kích cỡ lớn thời Lý và dấu vết nghi là cổng cung điện mới tại đây...

Một năm khai quật trên diện tích gần 1.000 m2 tại khu vực chính điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long (HTTL) đã kết thúc. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã hoàn thiện báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực này. Theo báo cáo, có 4 phát hiện mới về di sản sau đợt khai quật nói trên.
Thứ nhất, các nhà khoa học phát hiện cống nước gạch kiên cố thời Đại La. Điều này chứng minh cho giả thiết khu vực trung tâm của thành Đại La vẫn ở khu vực trung tâm HTTL và sẽ giúp tìm hiểu quy mô thành Đại La, từ đó có thể tìm hiểu quy mô thành Thăng Long thời Lý.
Thứ hai, di vật tượng rồng đất nung kích thước rất lớn thời Lý được phát hiện. Di vật này có phần lớn hơn tượng rồng ở khu 18 Hoàng Diệu. Điều này cho thấy có thể có kiến trúc quy mô lớn, quan trọng thời Lý ở đây.
Phát hiện cổng cung điện mới ở Hoàng thành Thăng Long?1

Một phần mào của tượng đầu rồng lớn bằng đất nung thời Lý, thế kỷ 11 - 13

Thứ ba, các dấu tích thời Lê Sơ, thời Lê Trung Hưng xuất lộ gợi lên nhiều giả thiết mới. Chẳng hạn, 2 dấu tích bó nền, 1 dấu tích kiến trúc có móng cột cho thấy thời Lê Sơ xây dựng ở đây nhiều công trình quan trọng. Kiến trúc có móng cột chạy theo hướng bắc nam có thể là kiến trúc kiểu hành lang tương tự dấu tích của kiến trúc hành lang ở phía tây Đoan Môn đã phát hiện năm 2013 - 2014. Điều này gợi ý về không gian kiến trúc chính điện Kính Thiên thời Lê Sơ ở phía sau nền điện Kính Thiên có phần thu hẹp hơn so với phần phía trước.
Cũng thời Lê Trung Hưng, các nhà khảo cổ thấy tổ hợp kiến trúc có móng cột lớn phía tây và kiến trúc sân vườn phía đông khá quy củ. Kiến trúc có móng cột có khả năng là kiến trúc 5 gian 2 chái nằm trên trục ngự đạo thẳng tới Đoan Môn - Kính Thiên. Rất có khả năng đây là kiến trúc “cổng” của một khu cung điện khác trong khu vực trung tâm. “Theo thư tịch cổ và bản đồ cổ thì sau khu chính điện Kính Thiên là khu điện Cần Chánh. Nếu đúng là kiến trúc cổng thì đây là di tích đánh dấu sự bắt đầu của khu vực kiến trúc quan trọng thứ hai trên trục trung tâm. Đó là khu vực điện Cần Chánh, nơi làm việc của hoàng đế và triều đình Lê Trung Hưng”, báo cáo đưa ra giả thuyết.
Phát hiện cổng cung điện mới ở Hoàng thành Thăng Long?2

Gạch thẻ trang trí thời Lê Sơ, thế kỷ 15 - 16

Tiến tới phục dựng điện Kính Thiên

GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa, cho rằng vị trí cung làm việc của các vị vua ở HTTL, nhiều khả năng ở trong không gian sau điện Kính Thiên và trước Hậu Lâu. Ông cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn các dấu tích cấu trúc sân vườn, bồn hoa, hồ ao thời Lê Trung Hưng. Trong khi đó, PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, đặt các kết quả nghiên cứu trong so sánh với các di tích kinh đô ở Trung Quốc, Nhật Bản. Ông cho rằng các dấu tích “bồn hoa” có thể là để trồng cây, không hẳn trồng hoa như ta hiểu thời bây giờ. “Mỗi ô vuông có thể là một cây. Điều này có thể nghiên cứu so sánh từ khuôn viên cung điện của Hòa đại nhân tại Cố cung Bắc Kinh, Trung Quốc”, ông Trí cho biết. Ông cũng nhận xét dấu tích móng tường lớn có thể cao hơn 2,7 m nếu theo công thức tính tường bao cổ của Nhật Bản.
TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nhắc tới việc cần mau chóng tiếp nhận bàn giao đất thuộc HTTL nhưng chưa thu hồi về được. “Cần quan tâm khâu tiếp nhận bàn giao đất và đặc biệt là bàn giao di vật (được tìm thấy tại nền Nhà Quốc hội và 18 Hoàng Diệu) để sớm triển khai nghiên cứu trưng bày Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long theo dự án đã trình duyệt”, ông nêu ý kiến. Còn PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, kiến nghị cần tiếp tục khai quật mở rộng để tiến tới phương án phục dựng không gian điện Kính Thiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.