Pháp sắp tung chương trình ID dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt

Thu Thảo
Thu Thảo
04/10/2019 14:36 GMT+7

Pháp sắp trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để cung cấp cho công dân danh tính (ID) kỹ thuật số an toàn, bất kể họ có muốn hay không.

Theo Bloomberg, chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thúc đẩy kế hoạch tung chương trình ID có tên Alicem vào tháng 11, sớm hơn so với mục tiêu ban đầu là vào tháng 12 năm nay. Hệ thống nhằm giúp chính phủ hoạt động hiệu quả hơn.
Cơ quan quản lý dữ liệu của Pháp cho rằng chương trình vi phạm luật đồng thuận của châu Âu và cơ quan này sẵn sàng chống kế hoạch tại tòa án cao nhất ở Pháp. Năm nay, một tin tặc chỉ cần hơn một giờ để đột nhập vào ứng dụng nhắn tin "bảo mật" của chính phủ và điều này gây lo ngại về các tiêu chuẩn an ninh, bảo mật của đất nước châu Âu.
"Chính phủ muốn thúc đẩy người dân sử dụng Alicem và công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Chúng ta đang đi đến chỗ sử dụng rộng rãi công nghệ nhận dạng khuôn mặt và ít có sự quan tâm dành cho chuyện đồng thuận hay lựa chọn", Martin Drago, thành viên luật sư của nhóm La Quadrature du Net chống lại kế hoạch của chính phủ Pháp, cho hay.

Nhân dạng kỹ thuật số

Với động thái này, Pháp cùng nhiều nước khác trên thế giới đang tạo phiên bản "nhân dạng kỹ thuật số", cung cấp cho công dân quyền truy cập an toàn vào mọi thứ, từ thuế cho đến tài khoản ngân hàng của họ. Singapore đã dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong khi Anh thì rục rịch tung hệ thống ID riêng của mình. Ở Ấn Độ, người ta còn sử dụng công nghệ quét mống mắt.
Chính phủ Pháp tuyên bố hệ thống ID sẽ không được dùng để theo dõi người dân. Không như tại Trung Quốc hay Singapore, Pháp không tích hợp thông tin sinh trắc học nhận dạng khuôn mặt vào cơ sở dữ liệu nhân dạng của công dân. Trên thực tế, Bộ Nội vụ Pháp, nơi phát triển ứng dụng Alicem, cho biết dữ liệu nhận dạng khuôn mặt thu về sẽ được xóa ngay khi quá trình kiểm tra hay đăng ký kết thúc.
"Gấp rút sử dụng nhận dạng khuôn mặt lúc này là chuyện có rủi ro lớn vì sự thiếu chắc chắn của việc sử dụng thông tin cuối cùng", Didier Baichere, nhà lập pháp thuộc ủy ban công nghệ tương lai trong chính phủ Pháp, nhận định. Theo ông Baichere, việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt trên diện rộng, trước khi có sự kiểm tra và cân bằng thích hợp là "lố bịch".

Sự đồng ý từ người dân

Ứng dụng mà Pháp tính tung ra chạy trên hệ điều hành Android và sẽ là cách duy nhất để công dân Pháp tạo ID kỹ thuật số hợp pháp. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt là công cụ hỗ trợ duy nhất cho ứng dụng. ID được tạo bằng cách đăng ký một lần, so sánh ảnh của người dùng trong hộ chiếu sinh trắc học của họ với video selfie được ghi bằng ứng dụng. Video này sẽ ghi nhận biểu cảm, chuyển động và góc mặt. Điện thoại và hộ chiếu "liên lạc" với nhau thông qua chip được tích hợp trong đó.
Những người phản đối kế hoạch cho rằng nó có thể vi phạm Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR) của châu Âu, vốn bắt buộc hóa lựa chọn tự do của công dân. Yếu tố đáng ngại thứ nhì là bảo mật. Trong khi giới chức nói rằng độ bảo mật của Alicem "ở mức cao nhất", không ít người vẫn còn nhớ vụ hacker Robert Baptiste chỉ cần 75 phút để truy cập vào một trong các ứng dụng có "độ bảo mật rất cao" của chính phủ Pháp.
Vụ việc làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng bảo mật trực tuyến của quốc gia châu Âu. Ngoài ra, một số nhà lập pháp đối lập còn lo về việc tích hợp nhận dạng khuôn mặt vào luật pháp để theo dõi những người biểu tình bạo lực trong đợt biểu tình "áo khoác vàng" cách đây không lâu.
Trên thế giới, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang được ứng dụng và thử nghiệm ngày càng nhiều. Camera giám sát trực tuyến trên đường phố xứ Wales được tòa án London đánh giá là hợp pháp trong tuần này, trong khi Đức, Hà Lan và Ý cũng dùng nhận dạng khuôn mặt để kiểm tra nhanh biên giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.