Pháp nhắm đến các thương vụ bạc tỉ với Ấn Độ, UAE sau 'cú phản bội' AUKUS

04/10/2022 19:50 GMT+7

Quan hệ đối tác hình thành giữa lúc 3 nước tìm cách duy trì "quyền tự chủ chiến lược" trước cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường, và sau khi Úc gạt các tàu ngầm Pháp sang một bên để bắt tay với Anh và Mỹ.

Các nhà phân tích cho biết Pháp có thể sớm nhận được các đơn đặt hàng quân sự mới trị giá hàng tỉ USD nhờ việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ba bên với Ấn Độ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gần đây.

Quan hệ đối tác ba bên giữa các đồng minh lâu đời, được khởi động tại cuộc họp của ngoại trưởng ba nước ở New York vào ngày 20.9, hướng đến việc tăng cường an ninh hàng hải, kinh tế biển và kết nối khu vực, cũng như an ninh lương thực và năng lượng ở Ấn Độ Dương, theo South China Morning Post.

Tự chủ chiến lược

Theo giới phân tích, Pháp, Ấn Độ và UAE có động lực để bắt tay nhau bảo vệ "quyền tự chủ chiến lược" của mình trong bối cảnh ba nước chịu áp lực ngoại giao phải đứng về phía Mỹ chống lại Trung Quốc.

"Những cường quốc tầm trung này muốn bảo vệ không gian chiến lược của riêng họ để hành động trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng gay gắt", ông Harsh V. Pant, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học King's College London, bình luận với South China Morning Post.

Ông nói: "Họ không muốn trở thành thành viên của bất kỳ khối nào, vì vậy việc tăng cường quan hệ giữa họ là một lựa chọn tốt để duy trì quyền tự chủ chiến lược".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuẩn bị bước ra từ buồng lái một chiếc Rafael

chụp màn hình scmp

Theo báo Economic Times của Ấn Độ, sau khi bán một số lượng lớn chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale cho Ấn Độ và UAE, Pháp đã đề xuất xây dựng một chương trình chung cho loại máy bay này trong khuôn khổ quan hệ đối tác ba bên mới của họ.

Ông Jean-Loup Samaan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói việc Pháp bán Rafale cho Ấn Độ và UAE lâu nay có thể "mở đường cho hợp tác chặt chẽ hơn giữa ba nước về huấn luyện và tập trận chung trên không".

Các nhà phân tích cho biết quan hệ đối tác ba bên hình thành sau khi Paris cảm thấy bị phản bội suốt một thời gian dài vì Úc xé bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá 35 tỉ euro từ Pháp vào tháng 9.2021, để quay sang hợp tác với Mỹ và Anh trong liên minh AUKUS.

Diễn biến này đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ nhượng bộ trong việc bán máy bay Rafale cho UAE, và hai bên bất ngờ ký hợp đồng trị giá 17 tỉ euro để chuyển giao 80 chiến đấu cơ này vào tháng 12 năm ngoái.

Rafale, chiến đấu cơ chủ lực Pháp từng đến thăm Việt Nam, có gì đặc biệt?

Vài ngày sau, UAE đóng băng các cuộc đàm phán mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao phát sinh một phần do Mỹ gây áp lực buộc Abu Dhabi thu hẹp quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai sau Ấn Độ.

Các quan chức của UAE đã bác bỏ tuyên bố của Washington rằng Mỹ đã buộc UAE phải dừng việc xây dựng một cơ sở quân sự bị nghi là của Trung Quốc tại cảng Khalifa.

"Khủng hoảng AUKUS và việc đóng băng các cuộc đàm phán mua bán F-35 đã củng cố lập luận ban đầu rằng Pháp, Ấn Độ và UAE cần phải xây dựng khuôn khổ chính sách đối ngoại của riêng họ", chuyên gia Samaan nói.

Mỹ vẫn là tay chơi quan trọng

Ấn Độ đang đánh giá các mẫu chiến đấu cơ - bao gồm Rafale của Dassault Aviation, biến thể F-21 của dòng máy bay F-16 do Lockheed Martin sản xuất và Saab FAS39 Gripen của Thụy Điển - cho hợp đồng mua 36 máy bay chiến đấu mới. Việc này sẽ nâng quy mô lực lượng không quân của Ấn Độ lên 35 phi đội - vẫn còn thiếu 7 phi đội so với mục tiêu.

Máy bay chiến đấu của Ấn Độ trên một tàu sân bay trong cuộc tập trận Malabar năm 2020

afp

Ấn Độ đã mua 36 chiếc Rafale từ năm 2019 đến tháng 7.2022 theo hợp đồng trị giá 7,87 tỉ euro được ký vào năm 2016. Số máy bay này đã được triển khai tới các căn cứ không quân của Ấn Độ dọc đoạn biên giới dài 3.488 km đang có những tranh chấp với Trung Quốc, sau khi lực lượng hai bên đụng độ ở Ladakh giữa năm 2020.

Ấn Độ cũng đang thử nghiệm biến thể hải quân của Rafale cạnh tranh với F/A-18F Super Hornet của Boeing, trong bối cảnh New Delhi có kế hoạch mua 30 máy bay để triển khai trên tàu sân bay INS Vikrant - hàng không mẫu hạm đầu tiên được sản xuất hoàn toàn trong nước, đi vào hoạt động hồi tháng 8.

Giáo sư Pant của Đại học King's College London nhận định Pháp, Ấn Độ và UAE sẽ "cực kỳ chú trọng" đến việc đồng phát triển các chương trình Rafale của họ.

Ông cho rằng đối với Ấn Độ, Pháp là một "lựa chọn ít phức tạp hơn nhiều" nếu so với Mỹ, nhưng phạm vi sản xuất quốc phòng của Mỹ vượt xa Pháp. "Vì vậy, bất cứ khi nào có thể, Ấn Độ sẽ tìm đến Pháp, nhưng Mỹ cũng sẽ vẫn là một tay chơi đóng vai trò quan trọng", ông nói.

Pháp điều hành một căn cứ hải quân ở Abu Dhabi, nơi một lực lượng đặc nhiệm của EU tuần tra trên các tuyến hàng hải chuyên chở phần lớn lượng dầu xuất khẩu của thế giới, cũng như phục vụ hoạt động thương mại giữa châu Á và châu Âu.

Pháp cũng là cường quốc phương Tây duy nhất thực hiện các cuộc tuần tra hải quân chung với Ấn Độ.

Mỹ đã đóng vai trò là điểm tựa cho các quan hệ đối tác đa phương hình thành trong những năm gần đây ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Đông.

Ấn Độ là một phần của Đối thoại An ninh Bốn bên (Bộ Tứ) cùng với Mỹ, Úc và Nhật Bản, trong khi UAE là thành viên của khối Hiệp ước Abraham cùng với Mỹ, Israel, Bahrain và Maroc.

Pháp, Ấn Độ và UAE vẫn sẽ là những đối tác quan trọng của Mỹ, nhưng "quan hệ đối tác chặt chẽ giữa 3 nước sẽ giúp họ quản lý tốt hơn mối quan hệ với Washington", ông Pant nói.

Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của Pháp trong việc đảm bảo các thỏa thuận quân sự tiếp theo với Ấn Độ và UAE có thể chỉ là thoáng qua, theo các nhà phân tích.

"Những vụ mua bán kiểu này có thể cực kỳ biến động. Nếu ngày mai, căng thẳng với Trung Quốc leo thang, các quốc gia như UAE và Ấn Độ có thể đánh giá rằng vì lý do vận hành và ngoại giao, tốt hơn là họ nên trang bị các nền tảng của Mỹ", ông Samaan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.