Phan Thị Thanh Nhàn minh triết, lạc quan ‘Ta sống vui cùng những kỷ niệm buồn’

13/02/2022 16:30 GMT+7

Phan Thị Thanh Nhàn là thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngay từ khi bắt đầu cầm bút, thơ chị đã tạo được những dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Người ta biết và nhớ đến Phan Thị Thanh Nhàn, ấn tượng với chị từ khi bài thơ Hương thầm đoạt giải thưởng của Báo Văn Nghệ năm 1969 gây tiếng vang lớn và khẳng định chỗ đứng của chị trên thi đàn. Đúng 15 năm sau, Hương thầm được phổ nhạc và đã nhanh chóng lan tỏa trong đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà. Kể từ đó gương mặt thơ nữ Phan Thị Thanh Nhàn được rất nhiều người, nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến. Những vần thơ của chị có sức khơi gợi và lan tỏa bởi chị đã nói hộ cho biết bao con tim!

Nhẫn cỏ (NXB Hội Nhà văn, 2021) - cuốn sách mới ra mắt của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

n.v.h

Không chỉ làm thơ, Phan Thị Thanh Nhàn còn sáng tác văn xuôi, với lối viết riêng đầy duyên dáng qua các tập truyện thiếu nhi: Xóm đê ngày ấy (1977), Tuổi trăng rằm (1982), Bỏ trốn (1995)… Đặc biệt, năm 2010 chị cho ra mắt cuốn Sự cực đoan đáng yêu (thuộc thể loại chân dung văn học). Tập sách là tài liệu tham khảo quý báu cho những ai quan tâm đến nghiên cứu văn học đương thời.

Sau khoảng thời gian hơn 10 năm, tính từ tập Sự cực đoan đáng yêu, Phan Thị Thanh Nhàn mới cho ra mắt tập sách mới Nhẫn cỏ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021). Ngoài phần mở đầu và phụ lục, Nhẫn cỏ được chia làm 2 phần chính: Phần 1: 42 bài thơ được sáng tác trong những năm chị đã nghỉ hưu. Phần 2: 16 truyện ngắn và những ghi chép trong các chuyến đi của chị.

Dù là viết thơ hay văn xuôi, Phan Thị Thanh Nhàn cũng đem đến cho người đọc những thanh âm dịu nhẹ, cái nhìn tinh tế, sâu sắc với những trăn trở, suy tư trước hiện thực đời sống. Ở đó có lời tự bạch về mình, chị nhìn đời, nhìn người và mọi thứ diễn ra xung quanh bằng sự đắm say, sâu lắng.

Nhẫn cỏ thực sự đem đến cho người đọc sự cảm thông, chia sẻ cùng nỗi niềm của chị, và sự ngẫm ngợi, suy tư trước thế thái nhân tình với cái tôi chiêm nghiệm giàu tính triết lý. Đọc hết tập sách, độc giả sẽ cảm nhận một cách đầy đủ, trọn vẹn về một Phan Thị Thanh Nhàn trong tư cách là thi sĩ - văn sĩ - nghệ sĩ. Chị đã phát huy cao độ vốn sống, vốn văn hóa, tài quan sát của mình để nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, bình giá cuộc sống, làm sáng tỏ ý nghĩa triết mỹ của nó.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn luôn sống minh triết, tự tin và đầy lạc quan

fbnv

Hành trình cuộc đời mà chị đã đi qua với bao niềm đau và những giọt nước mắt, lắm lúc chị cũng tỏ ra chán chường, buồn đến kiệt cùng nỗi buồn của người đàn bà dễ rung động khi gặp những điều không hay trước cuộc sống và tình yêu. Thời còn trẻ, khi áp lực về công việc, cơm áo, gạo tiền, tình cảm... Phan Thị Thanh Nhàn cũng đã từng có ý nghĩ tiêu cực:

Có đôi lúc buồn

Tôi định tự tử

Sống làm chi khi bè bạn bon chen

Cơ quan quanh năm đấu đá

Sống làm chi khi người yêu thành người lạ

Sống làm chi lương ba cọc ba đồng

Viết báo làm thơ kiếm từng xu vẫn loay hoay không đủ

Sống làm chi khi mọi tượng thần sụp đổ

Người ta tin yêu lại hóa tầm thường

(Yêu đời)

Tâm lý con người ta khi gặp trở ngại lẽ thường tình ai chả thế. Đó là những giãi bày rất thực với chính mình. Từ việc của mình, chị ngẫm ngợi và tự soi tỏ để nhìn ra xung quanh, nhìn về mọi phía. Đây là sự truy vấn bản thân một cách rốt ráo nhất, tự bạch với chính mình nhằm hướng đến sự thanh cao, yên bình nhất có thể. Khi đến tuổi xế chiều, nhìn quẩn quanh đâu đó, lòng chị bất chợt cũng dâng lên nỗi chán chường. Đã đến lúc tôi chán cuộc đời này/ Đôi khi muốn từ bỏ nó/ Bão lũ hạn khô chiến tranh man rợ/ Tham nhũng dối lừa giành giật bon chen/ Nhưng rồi tôi bỗng thấy yêu tin/ Khi chợt gặp một đóa hoa hé nở/ Gặp món quà yêu thương từ người xa lạ/ Gặp ai đó nói rằng: “Em rất yêu cô”... (Hư ảo).

Những cảnh đời dâu bể, những biến đổi của thế cuộc, của lòng người thể hiện trong tác phẩm của chị một cách đa dạng, bộc lộ nỗi niềm day dứt và mang tính nhân bản sâu sắc.

Nhẫn cỏ, tập sách được chắt lọc và gửi gắm trong đó những nỗi niềm của người đàn bà có tuổi, đang đi về ngả cuối của chặng đường làm kiếp con người trên cõi nhân sinh dài rộng này.

Mình giờ cái chết cầm tay

Chẳng ai đáng để mình cay xé lòng

Đi qua những năm tháng thăng trầm của đời mình, trước sự cuốn trôi mải miết của dòng thời gian, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã chọn cho mình lối sống vô tư khi ý thức được sự tổn thương, mất mát và lẽ sinh tử, tồn vong trong cuộc đời này. Ta vẫn yêu người ấy - dẫu giận hờn/ Vẫn giữ mãi những gì tươi sáng nhất/ Nhưng thôi nhé - chuỗi ngày xưa đã mất/ Cứ để người tìm tiếp những thương yêu... (Phong rêu).

Thơ chị giờ đây không còn kiểu yêu đương tình tứ, trẻ trung của thời trẻ mà có sự lắng kết, chững chạc mang chất triết luận sâu sắc hơn về tình yêu và cuộc đời. Người đã cho ta bao hạnh phúc trong veo/ Bao thương mến ngọt ngào sâu lắng/ Ta giữ mãi trong tim giờ trống vắng/ Kỷ niệm nào cũng đẹp dẫu hoàng hôn/ Ta sống vui cùng những kỷ niệm buồn.

Cái hay của Phan Thị Thanh Nhàn là dù ở trong hoàn cảnh nào chị cũng luôn lạc quan sống và yêu một cách hồn nhiên, trong trẻo. Những vùng đất chị đi qua, những nơi chị từng gắn bó, những người chị đã trực tiếp gặp và cả bao người gặp trong giấc mơ hay trên mạng ảo... cũng đều để lại trong chị những dấu ấn khó phai mờ. Chất giọng triết lý trong những lời thơ của Phan Thị Thanh Nhàn vẫn giữ được sự mượt mà, sâu lắng của một hồn thơ thấm đẫm cảm xúc:

- Đôi khi biển rất ngọt ngào/ Bàn tay sóng cứ xôn xao gọi mời/ Muôn ngàn tia nắng ngoài khơi/ Lát kim cương dẫn em bơi xa bờ/ Biển êm êm sóng dại khờ/ Dẫn em vào với giấc mơ bập bềnh (Biển và anh).

- Có khi nhớ lại muốn quên/ Có khi mang những ưu phiền vào thơ/ Lạ sao lòng thấy bơ vơ/ Nhớ thương ngày cũ đến giờ vẫn yêu... (Lơ mơ).

Đôi lúc, Phan Thị Thanh Nhàn cũng tỏ ra hóm hỉnh, vui đùa, tếu táo rất có duyên: Trót lồng nhẫn cỏ vào tay/ Thế là vương phải khói mây trên trời, và: Dẫu chàng già yếu hom hem/ Nợ nần túng thiếu ưu phiền quanh năm/ Dẫu chàng đẹp đẽ trẻ trung/ Đại gia hoành tráng ung dung tháng ngày/... Đeo vừa vào ngón tình yêu/ Với tôi nhẫn cỏ mang điều thiêng liêng. Nhưng mà, Chỉ xin chàng chớ gặp tôi/ Để không vỡ một khoảng trời mộng mơ... (Nhẫn cỏ).

Tình yêu vẫn đẹp, vẫn hồn nhiên, bình dị, miệt mài tuôn chảy trong huyết mạch của chị. Nhà thơ xem đó là lẽ sống, là niềm vui, gác lại mọi sầu khổ mà chị đã từng nếm trải. Với chị được sống đã là niềm hạnh phúc!

Thời gian với Phan Thị Thanh Nhàn, giờ đây không còn là dòng chảy một chiều mà được tư duy ở nhiều khía cạnh khác nhau, ở đó có những mối lo âu, trăn trở và cả nỗi ám ảnh. Tuy vậy, chị cũng sâu sắc nhận ra: đời người ngắn ngủi, sống chết mong manh nếu cứ buồn đau thì cũng sẽ không được ích lợi gì. Vậy thì hà cớ gì chúng ta không vui vẻ lên, không lạc quan lên mà sống mà yêu cho trọn kiếp người! Cuộc đời vẫn vui sao khi ta được ngắm nhìn/ Muôn vẻ đẹp của đời thường tươi rói/ Ta được sống cùng mọi người sôi nổi/ Dẫu bây giờ ta đã rất cô đơn.

16 truyện trong tập sách với những câu chuyện của cuộc sống đời thường, những nhân vật được khai thác ở những góc nhìn khác nhau hướng đến các đề tài về gia đình, tình yêu, đạo đức… Phan Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh giá trị nhân bản, chuẩn mực đạo đức mới phù hợp với thời đại. Tất cả hiện lên bức tranh đời sống muôn màu, muôn vẻ, nhiều chiều với bao vui - buồn, được - mất, nhức nhối, đa đoan... Ngòi bút thấm đẫm niềm thương cảm, bao dung và sự chân thành.

Xuyên suốt trong Nhẫn cỏ, người đọc nhận ra Phan Thị Thanh Nhàn đã có sự xâu chuỗi trong chiều dài của thời gian và chiều rộng của không gian tạo nên một mạch ngầm suy tưởng về thế sự nhân sinh. Đó là sự chân thành, hồn hậu, đằm sâu của một người từng trải. Thấp thoáng vẫn hiện ra nỗi buồn thân phận, nhưng vượt lên tất cả chị vẫn luôn hướng về tha nhân để sống và vui với niềm vui của tha nhân một cách lạc quan nhất.

Và qua Nhẫn cỏ, hiện rõ một Phan Thị Thanh Nhàn chín muồi trong cảm xúc và cả những chiêm nghiệm về cuộc sống, tình yêu với độ lắng đọng, suy tư, triết luận độc đáo: Giấu buồn đi để tháng ngày rong chơi/ Buồn hay khổ cũng vậy thôi/ Nỗi đau đè nặng nỗi vui qua ngày/ Mình giờ cái chết cầm tay/ Chẳng ai đáng để mình cay xé lòng (Gửi nhà thơ Đinh Thị Thu Vân).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.