Phận mót vàng

Mạnh Cường
Mạnh Cường
26/09/2022 09:09 GMT+7

Sau những trận mưa, nước từ thượng nguồn đổ về mang theo một phần đất đá trên những triền núi.

Khi ấy, nhiều người dân ở vùng cao Quảng Nam lại cơm đùm gạo nắm ra bờ suối bới đất, mót vàng kiếm kế mưu sinh. Phận “tọ mọ” cũng gắn với họ từ đó.

Xúc đất tìm… vận may

Vào mùa này, đi dọc các sông Đắk Mi (H.Phước Sơn) và sông Cà Dy (H.Nam Giang) rất dễ bắt gặp từng tốp người tay xách nách mang dụng cụ để đãi vàng sa khoáng. Họ không đào bới hay khai thác kiểu hầm lò mà chỉ dùng cách thủ công nhất. Dụng cụ đãi vàng rất thô sơ, chỉ là một cái xẻng và chiếc nón sắt. Họ ngâm mình dưới lòng suối, đáy sông để đào lên từng xẻng cát rồi đưa vào nón đãi. Tới khi nào chỉ còn lại một lớp cát đen, họ làm sạch lớp cát đó để tìm những vảy vàng bé tí. Người ta thường gọi họ là những người làm vàng “tọ mọ”.

Bà H.T.S đang đãi vàng

Vừa ngoi từ dưới nước lên, ông H.V.H (46 tuổi, ở xã Phước Chánh, H.Phước Sơn) liền lau khô tay, nhờ con trai châm vội điếu thuốc. Thấy người lạ đến, ông H. liền yêu cầu mọi người dừng hết công việc đang làm. “Hồi nãy có mấy chú cán bộ công an đến nhắc nhở, giờ thấy mấy chú, tụi mình lại tưởng là cán bộ”, ông H. giải thích lý do gọi mọi người kéo nhau lên bờ. “Tụi mình đi mót vàng ở con suối này nếu may mắn thì một ngày cũng chỉ kiếm được vài trăm ngàn đồng, nhưng nếu bị cán bộ bắt được phạt thì coi như công cốc hết. Vì vậy, thấy có người đến hỏi là sợ lắm! Nhưng mà cũng phải nói thật, giờ cán bộ mà có bắt, cũng chẳng có tiền nộp phạt đâu”, ông tặc lưỡi.

Ông H. khởi đầu “nghiệp” tọ mọ một cách tình cờ. Thấy nhiều người trong làng rủ nhau đi mót vàng, nhóm của ông cũng bỏ rẫy, ra đây bới đất tìm kiếm vận may. Lúc ấy trời đã trưa nhưng ông muốn làm ráng thêm tí nữa, được chút nào hay chút nấy. “Chứ đến nửa chiều có mưa, nước suối chảy xiết, lúc đó có muốn làm cũng chịu”, ông H. ngoái lại nói với chúng tôi rồi vứt điếu thuốc đang cháy dở trên tay, lội xuống lòng suối.

Từ sáng sớm, nhóm của ông H. chuẩn bị dụng cụ rồi kéo nhau ngược lên dọc bờ suối phía trên Nhà máy thủy điện Đắk Mi 2 để bắt đầu tìm vàng. Nhóm này gồm 3 hộ gia đình, tổng cộng 12 người. Mỗi người một việc. Sau khi lấy đá ngăn dòng thành một hố lớn, đàn ông có sức khỏe thì lo vét cát, đá ở đáy lên. Cánh phụ nữ với chiếc sàn bằng sắt cố gạn đi những hạt sạn to, đến khi chỉ còn lại đám bụi li ti ở dưới đáy sàn thì đổ ra chiếc ca nhỏ để trên bờ, chờ lắng lại. Chúng tôi thấy có một phụ nữ đang địu đứa con chừng 2 tuổi say giấc trên lưng.

“Làm nghề này có đòi hỏi kinh nghiệm gì không?”, tôi lại hỏi. Thấy chồng có vẻ ngập ngừng, bà H.T.V (42 tuổi, vợ ông H.) liền đáp: “Tụi mình là dân nghèo, chỉ đi làm “tọ mọ” thôi, chứ thực ra chẳng có kinh nghiệm gì cả. Nếu mà có kinh nghiệm có thể nhìn đất đá, nước mà đoán được chỗ nào có vàng thì giờ đã giàu to rồi. Làm khu vực này không có thì di chuyển sang chỗ khác, tiếp tục tìm vận may. Ngày nào “trúng mánh” thì chia mỗi người cũng được vài trăm ngàn đồng”.

H.V.P tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần theo cha đi “tọ mọ”

Nghề của người nghèo

Nhóm của ông H. chỉ lận lưng chút ít kinh nghiệm mót vàng kể từ khi theo chân các bậc cha chú trong làng. Họ đến với nghề này cũng chỉ để kiếm vận may. Nhưng nhìn cách dựng đá tạo thành hố giữ lòng suối, đãi cát… cho thấy chẳng có giấc mơ “đổi đời” nào ở đây cả, mà thực chất chỉ để kiếm thêm chút gì đó cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Theo nhiều người, dễ làm nhất và có được nhiều vận may nhất là khoảng từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 10 hằng năm. Thời điểm này, các huyện vùng cao hay có mưa lớn, kéo theo lớp đất từ các triền núi đổ xuống suối. Vàng lẫn ở trong đó, dù chỉ là vàng cám, li ti, nhỏ hơn cả hạt cát.

Một người đàn ông dùng xẻng múc cát để lọc vàng

Đôi tay vẫn thoăn thoắt lấy từng viên đá hộc dưới suối xếp lên từng lớp để tạo một cái hố mới sau khi phát hiện hố cũ không thu hoạch được gì, bà H.T.S (53 tuổi, ở xã Phước Chánh) lấy xẻng nhỏ, hất những lớp cát dưới đáy lên cho người con trai ở trên bờ lắng, lọc. “Chúng tôi chẳng qua là tranh thủ ra đây làm kiếm tiền mua gạo, kiếm cho con cái mấy quyển sách, bộ quần áo mới khi vào đầu năm học. Nói thật, quanh năm có được mấy sào lúa rẫy nhưng lúc được lúc mất. Vì không có việc gì ổn định để tăng thu nhập nên tụi mình mới phải lọ mọ ở ven sông ven suối… Lặn ngụp cả ngày chẳng khác nào con cò”, bà S. thở dài.

Bà H.T.V địu đứa con 2 tuổi trên lưng cùng chồng lui cui “mót” vàng dưới dòng nước đục ngầu

MẠNH CƯỜNG

Muốn đãi được vàng, nhiều người phải ngâm mình dưới dòng sông, suối lạnh nhiều giờ liền. Ngâm lâu quá, chân tay bị “héo” như tàu lá, khi lên bờ bước không nổi. “Con đông, cái ăn không đủ nên mới làm cái nghề đãi vàng này. Cực lắm! Mỗi ngày đào cật lực cũng chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng là cùng. Ngày nào trúng thì kiếm được vài trăm ngàn đồng, nhưng hiếm lắm”, bà S. tâm sự.

H.V.P, 18 tuổi, đang học năm cuối bậc THPT ở một trường tại H.Phước Sơn cũng tranh thủ những ngày cuối tuần về nhà theo chân cha mẹ ra sông suối “tọ mọ”. Mỗi khi nhận được xẻng cát do cha múc đưa lên từ dưới lòng suối, P. liền nhặt những viên đá lớn bỏ đi, rồi múc những gầu nước dội lên xẻng cát (đổ trên thảm cỏ). Thoáng thấy những hạt cát nhỏ dính vào sợi cỏ lấp lánh, P. lại cười tươi. “Nhà có 5 anh chị em. Sau em còn tới 4 đứa nữa cũng đang tuổi ăn học, nhà nghèo nên tranh thủ những ngày nghỉ hè hoặc dịp cuối tuần em lại theo cha mẹ ra suối xem phụ được gì thì phụ”, P. nói.

Từ sáng sớm, nhóm của ông H.V.H đã cơm đùm gạo nắm men theo dọc bờ suối để tìm vàng

Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch xã Phước Lộc, cho hay những người dân đi làm vàng sa khoáng dọc sông, suối đều là những người có hoàn cảnh khó khăn. “Khi họ đảm bảo được cuộc sống, thì chẳng bao giờ họ đi nghề này đâu. Để dẹp được việc này là rất khó. Không phải chúng tôi không thể dẹp, mà là không muốn “làm căng” với những người dân đang cố mưu sinh dưới suối. Địa phương cũng chỉ cố gắng nhắc nhở, tuyên truyền để người dân không làm nữa…”, ông Thoại chia sẻ.

Con đường dẫn vào 3 xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (H.Phước Sơn) nhiều đoạn vẫn ngổn ngang kể từ đợt bão lũ cuối năm 2020 tàn phá. Hai bên bờ suối, thoáng thấy những nhóm người vẫn miệt mài tìm kiếm những hạt vàng li ti ở đâu đó dưới dòng nước chảy. Cuộc đời làm vàng sa khoáng của họ là những cuộc “tọ mọ” mưu sinh, đắp đổi qua ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.