Phận mồ côi giữa đại ngàn

22/10/2021 05:31 GMT+7

Ở một nơi xa xôi, dưới chân núi Ngọc Linh, hàng chục đứa trẻ mồ côi sống lạc lõng bên đời. Chẳng còn cha mẹ, chúng cứ bơ vơ, lay lắt giữa mây ngàn và gió núi.

Cách trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum 180 km về phía bắc, xã Mường Hoong (H.Đăk Glei) là nơi xa nhất của tỉnh này.

Sáng cuối thu, chúng tôi ngược QL14 tìm về đây để thăm những đứa trẻ mồ côi dưới chân núi Ngọc Linh. Con đường độc đạo dẫn vào xã Mường Hoong nhấp nhô sỏi đá như càng làm cho nơi này thêm xa xôi diệu vợi. Xuất phát từ 5 giờ sáng, nhưng phải đến 11 giờ trưa cả đoàn mới đến nơi. Rừng núi Mường Hoong đón chúng tôi bằng cơn mưa rào trắng xóa.

Thắt lòng cảnh trẻ mồ côi sống bơ vơ, lay lắt giữa đại ngàn

Chỉ còn lại bơ vơ

Trong căn nhà sàn vách gỗ, hai anh em mồ côi A Khuất (ở làng Ngọc Nang, xã Mường Hoong) đang quây quanh bếp lửa để sưởi ấm. Những cơn gió luồn qua vách gỗ làm se buốt. Thỉnh thoảng A Khuất lại lấy que củi cời ngọn lửa cháy bùng lên trong bếp, ánh mắt cậu bé trĩu xuống não nề.

Đã nhiều đêm rồi, A Khuất choàng tỉnh giấc vì thấy cha mẹ cõng gùi lúa trở về nhà. Khi biết chỉ là mơ, cậu bé lại ôm chăn khóc nấc lên. 9 tuổi, cậu trở thành trụ cột của gia đình.

Năm 2019, mẹ mất, 9 tháng sau, cha cũng về với Yàng (thần linh). Không còn cha mẹ, A Khuất là điểm tựa cho đứa em vừa lên 7 tuổi. Từ ngày cha mẹ ra đi, anh em A Khuất ăn uống thất thường lắm. Bữa cơm của hai anh em xoay quanh những thứ rau quanh vườn, một ít gạo cha để lại trước khi mất, cùng mớ cá khô họ hàng đem tới.

Mất nhà, anh em A Khuất phải dời lên đỉnh núi sống cùng cậu mợ

Biết hoàn cảnh các em, giáo viên Trường tiểu học xã Mường Hoong bàn nhau góp tiền, góp gạo để hỗ trợ. Thương học trò, các giáo viên thay phiên nhau đến tận nhà nấu cơm, dạy hai em biết tự chăm sóc bản thân. Từ sự hướng dẫn của giáo viên, A Khuất đã biết nấu cơm, tắm rửa và chăm sóc em trai. Thương anh, A Khảo cũng học cách dọn dẹp nhà cửa, chặt củi để anh bớt vất vả.

“Hằng ngày, anh A Khuất nấu cơm, còn cháu dọn dẹp nhà cửa và chặt củi. Sáng nào cũng vậy, chúng cháu dậy từ 5 giờ 30 để nấu cơm ăn rồi đi học. Anh A Khuất nấu ăn ngon lắm. Chúng cháu hay ăn canh rau su su với cá khô… Hôm nào hết rau, hai anh em rủ nhau đi hái măng, rau dại về ăn cho đỡ đói”, A Khảo kể.

Cha mẹ mất đi, anh em A Khuất chỉ còn lại bơ vơ

Cái chết của cha mẹ A Khuất chẳng còn hiếm ở cái xứ sở mịt mù sương núi này. Nhưng việc cả hai vợ chồng họ chết cách nhau chưa đến 1 năm lại được cho là điềm gở. Người Xơ Đăng cho rằng đó là dấu hiệu của cái chết xấu. Nếu không muốn cả làng bị xui xẻo, ngôi nhà ấy phải tháo dỡ và đập nát hết để trừ tà.

Cha mất được 3 tháng, A Khuất và A Khảo trở thành những đứa trẻ vô gia cư. Không còn nhà để về, cả hai đành dời lên đỉnh núi sống cùng cậu, mợ cách nhà cũ khoảng hơn 1 km. Đường đến trường vì thế cũng được kéo dài ra.

Chị Y Phương (27 tuổi, mợ của A Khuất) cho biết, khi cha mẹ hai cháu còn sống thì kinh tế gia đình phụ thuộc vào vài sào đất trồng mì và bời lời. Cuộc sống chỉ xoay quanh nghèo và đói. Những hôm hết vụ mùa, cha mẹ lũ trẻ tìm chỗ làm thuê để trang trải cuộc sống. Năm 2019, cha mẹ A Khuất lần lượt bị hoa mắt, chóng mặt… kéo dài. Không có tiền chạy chữa, cả hai nằm nhà chờ tự khỏi. Đến khi bệnh trở nặng, cái chân chẳng thể bước đi, họ mới nhờ người thân đưa đến bệnh viện điều trị thì chẳng kịp nữa.

“A Khuất và A Khảo còn quá nhỏ để thấu hiểu được sự mất mát, bất hạnh khi cha mẹ qua đời. Gia đình ai cũng xót xa nên chỉ biết dùng tình thương để bù đắp lại những thiếu thốn, mất mát của hai cháu. May mắn, các cháu còn nhận được tình thương, hỗ trợ của thầy cô nên có lẽ cũng vơi bớt khó khăn”, chị Y Phương nói.

Căn nhà xiêu vẹo của Y Quynh

ĐỨC NHẬT

Nước mắt Y Quynh

Căn nhà xiêu vẹo của Y Quynh được che bằng những tấm ván cũ thếch nằm bên rìa làng Đăk Bể (xã Mường Hoong). Bên trong nhà trống hoác chẳng có gì giá trị ngoài chiếc giường sắt đã hoen rỉ, tróc sơn. Chiếc màn hoen ố giăng bốn góc giường, một sợi dây vắt ngang góc nhà treo mấy bộ quần áo cũ nhàu như khiến căn nhà thêm phần hoang tàn, lạnh lẽo.

Ngồi bên chiếc bàn học đặt dưới di ảnh của cha mẹ, Y Quynh đang cặm cụi làm bài tập. Lâu lâu, Quynh lại xoay người sang chụm củi vào ấm nước đang nấu trên bếp. Mấy ngày nay trong nhà hết gạo, Y Quynh đành ăn mì tôm chống đói. 2 năm qua, cô bé 11 tuổi một mình tìm cách sinh tồn khi cả cha và mẹ đã không còn.

Y Quynh kể, năm 2018 sau nhiều lần đau ốm, cha em qua đời vì bệnh viêm gan. 2 năm sau, căn bệnh quái ác ấy cũng cướp đi cuộc sống của mẹ. Trước Quynh còn chị gái và anh trai. Chị gái Y Thấp học cấp 3 ở trường dưới huyện. Trường cách nhà hơn 60 km nên có khi vài tháng chị mới đạp xe về nhà một lần. Anh trai A Thuốt, 17 tuổi, vì cuộc sống gia đình khó khăn nên đã nghỉ học từ hồi lớp 6. Từ ngày cha mẹ ra đi, A Thuốt cáng đáng việc gia đình. Ruộng nương ở nhà không đủ để trang trải cuộc sống nên A Thuốt đành để lại em gái, quay lưng với làng lên phố. May mắn A Thuốt được nhận vào làm công nhân tại một công trình xây dựng nên cũng kiếm được tiền. Cứ dăm ba tháng A Thuốt mới về làng thăm em gái. Nấu cơm cho em được vài bữa, dúi vào tay em một ít tiền, A Thuốt lại lẳng lặng ra đi.

Nhà không còn người lớn, Y Quynh tự học cách nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc bản thân. Những hôm mưa bão, trong ngôi nhà thông thống gió lùa, những hạt mưa len qua vách gỗ vào nhà. Một mình Y Quynh loay hoay chẳng biết tránh góc nào cho khỏi ướt. Thương hoàn cảnh của cô học trò bất hạnh, thầy cô giáo Trường tiểu học Mường Hoong góp tiền mua bạt đến che lại căn nhà. Các thầy cô còn mua tặng cô bé chiếc nồi cơm điện cùng mấy con gà mái đang đẻ trứng. Nhờ vậy cuộc sống của cô bé cũng bớt phần kham khổ.

“Chị đi học, anh thì làm xa nhà nên có khi vài tháng gia đình em mới được sum họp. Một mình trong căn nhà em thấy buồn lắm. Những hôm mưa, gió rít từng cơn, nước tạt vào các khe hở, em chỉ biết co ro trong chăn. Có hôm sấm chớp, em sợ quá đành chui vào góc nhà đi trốn. Khi đó em chỉ ước trời mau sáng. Em nhớ bố mẹ lắm, ước gì bố mẹ vẫn còn bên cạnh em…”, nói đến đây, giọng cô bé lạc đi, mắt giàn giụa nước.

Ông Lê Ba Thế, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong, cho biết trên địa bàn có 839 hộ thì có đến 491 hộ nghèo. Vì cuộc sống khó khăn nên người dân thường làm việc rất vất vả, ăn uống tạm bợ. Ngoài ra, người dân địa phương uống rượu rất nhiều khiến sức khỏe giảm sút. Khi có bệnh tật, họ cũng ít đến bệnh viện. Đặc biệt trên địa bàn còn diễn ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Đây là những nguyên nhân khiến tuổi thọ của người dân trên địa bàn giảm.

Theo thống kê, xã Mường Hoong có 54 học sinh mồ côi. Trong đó có 15 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tại xã Ngọc Linh có 1 em mồ côi cha mẹ, 46 em mồ côi cha hoặc mẹ.

Thầy A Hao, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Hoong, cho biết toàn trường có 428 học sinh theo học tại 7 điểm trường. Các em học sinh nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt, trong số 428 học sinh có đến 12 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có những em sau khi bố mẹ mất dù còn nhỏ nhưng đã có thể tự lập. Một số em không ai chăm sóc, chưa biết nấu ăn nên những ngày đầu thầy cô giáo đến tận nhà mua gạo, đồ ăn, giúp các em nấu nướng. “Để giúp các em vững bước đến trường, các thầy cô giáo đã quyên góp, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, quan tâm”, thầy Hao nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.