Phần mềm chống gian lận thi cử

Vũ Thơ
Vũ Thơ
11/05/2022 07:20 GMT+7

Để chống gian lận trong thi cử, đặc biệt là thi trực tuyến, một nhóm bạn trẻ là cựu sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông đã sáng chế ra phần mềm có khả năng phát hiện được 80% các hành vi gian lận trong thi cử.

Sáng tạo từ thực tiễn

Ba bạn trẻ đều 24 tuổi, gồm Hoàng Mậu Trung, Nguyễn Thị Thanh Tâm và Nguyễn Văn Nam, cùng là cựu sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông. Họ là tác giả của “Hệ thống thi trực tuyến EduExam kết hợp giám sát và chống gian lận bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo”. Với những tính năng thông minh, hệ thống này như những “cán bộ” tổ chức thi, coi thi, chấm thi.

Hoàng Mậu Trung, trưởng nhóm đề tài, chia sẻ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết các trường học phải chuyển sang học và thi trực tuyến. Tuy nhiên, rất khó để giám sát việc gian lận trong thi trực tuyến. Từ đó nhóm bắt đầu thực hiện ý tưởng tạo ra một hệ thống thi trắc nghiệm và tự luận trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo công bằng và tiện lợi cho cả giáo viên và học sinh. Đồng thời nhóm cũng quyết định sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc giám sát và theo dõi trong quá trình thi nhằm hỗ trợ cán bộ trông thi và chấm thi.

Nhóm tác giả (từ trái qua): Hoàng Mậu Trung, Nguyễn Thị Thanh Tâm và Nguyễn Văn Nam

NVCC

“Hiện trên thị trường chưa có phần mềm nào hỗ trợ đầy đủ một kỳ thi trực tuyến. Đề tài nhằm tạo môi trường thi trực tuyến chuyên nghiệp mô phỏng toàn bộ hoạt động từ thực tế, với các chức năng tiêu biểu: tạo phòng thi, cấp số báo danh, trông thi, giám sát thi và chống gian lận bằng hệ thống AI với độ chính xác cao trên 80%”, Trung chia sẻ.

Theo Trung, hệ thống thi trực tuyến EduExam có thể sử dụng cho mọi cấp học, từ tiểu học đến đại học, áp dụng cho bài thi trắc nghiệm và tự luận. Hệ thống dễ sử dụng và dễ dàng cài đặt trên máy tính, laptop sử dụng hệ điều hành Windows. Sau khi nghiên cứu thành công, hệ thống này đã được ứng dụng tại Học viện Bưu chính viễn thông.

“Như cán bộ coi thi”

Chia sẻ về tính năng chống gian lận trong thi cử, nhóm tác giả cho biết đã tận dụng những khả năng của trí tuệ nhân tạo để tạo ra một hệ thống giám sát với độ chính xác cao trong quá trình thi trực tuyến. Hiện hệ thống có hàng loạt tính năng như: phát hiện thí sinh rời khỏi vùng quan sát hoặc có người lạ trong vùng quan sát được của webcam; phát hiện hành vi bất thường trong quá trình thi với việc xác định hướng mắt và hướng khuôn mặt để phát hiện gian lận.

Phần mềm cũng phát hiện giọng người nói và phản hồi về điều kiện môi trường: yên lặng, tạp âm hay có tiếng động giao tiếp của con người; phát hiện việc sử dụng các ứng dụng phục vụ cho mục đích gian lận như: các phần mềm chat, các phần mềm truy cập internet, các phần mềm mở tài liệu…

Phần mềm còn phát hiện hành vi chụp ảnh màn hình, copy, paste đáng ngờ. Bên cạnh đó, hệ thống AI còn hỗ trợ giám sát theo dõi hành vi chuột bàn phím, giúp phát hiện hành vi tiết lộ nội dung đề thi ra bên ngoài. Đặc biệt, bộ phát hiện gian lận đạt kết quả khả quan trong quá trình thực hiện thử nghiệm tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông khi phát hiện được 80% các hành vi gian lận.

Nhóm tác giả cũng cho biết phần mềm còn hỗ trợ chấm thi một cách tiện lợi và dễ dàng sử dụng. “Đặc biệt, nó không chỉ ứng dụng trong thi trực tuyến mà có thể tích hợp vào các thiết bị theo dõi thi trực tiếp để phát hiện gian lận. Đối với cả thi trực tuyến và trực tiếp, phần mềm như một giám thị, sẽ thông báo đến người quan sát mọi gian lận trong thi cử”, Trung cho biết.

Sản phẩm góp phần chuyển đổi số trong giáo dục

Đánh giá về EduExam, thạc sĩ Vũ Hoài Nam, giảng viên Khoa công nghệ thông tin của Học viện Bưu chính viễn thông, cho rằng đây là sản phẩm trí tuệ của các bạn trẻ mang lại hiệu quả thiết thực. Phần mềm đã được ứng dụng tại một số buổi thi trực tuyến của học viện và nhận được sự phản hồi tích cực của thầy cô giáo.

“Thay vì các thầy cô phải quan sát mấy chục màn hình của sinh viên thì sử dụng phần mềm này chỉ cần quan sát trên một màn hình, nếu phát hiện gian lận hệ thống sẽ tự động thông báo. Đặc biệt, phần mềm hỗ trợ khâu chấm thi cho phép chấm tự động, giảm bớt nhiều công sức cho giáo viên”, thầy Nam chia sẻ và cho hay nếu phần mềm tiếp tục được đầu tư nghiên cứu bài bản và ứng dụng rộng rãi sẽ trở thành một sản phẩm hữu ích cho xã hội, góp phần chuyển đổi số trong giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.