Phân bón Việt tiến mạnh vào thị trường ASEAN

06/05/2016 09:00 GMT+7

Phân bón đang trở thành một trong những ngành đầy cơ hội để doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường khu vực.

Mặc dù một số nước ASEAN có chính sách riêng nhằm bảo hộ sản xuất trong nước nhưng sản phẩm phân bón của doanh nghiệp (DN) Việt vẫn có thể cạnh tranh và tiếp tục mở rộng thị phần. Tính đến nay, mặt hàng phân bón VN đã có mặt ở 5 thị trường nội khối.
Theo các chuyên gia, nhờ có vị trí thuận lợi, nằm gần vùng tiêu thụ phân bón lớn như Campuchia, Lào, Thái Lan và thị trường mới nổi là Myanmar nên VN đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác.
Mở rộng xuất khẩu
Theo Tổng cục Hải quan, lượng phân bón xuất khẩu từ đầu năm đến hết tháng 3.2016 tại một số thị trường ASEAN đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 22.100 tấn với tổng trị giá 3,4 triệu USD, tăng 7,88%; Lào đạt 8.600 tấn với trị giá 2 triệu USD, tăng 108,83% về lượng và tăng 10,49% về trị giá... Điều này cho thấy các DN trong nước đã nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sang các nước lân cận.
Trong những năm qua, sản phẩm phân bón Đầu Trâu của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đã được phân phối tại Myanmar, thị trường tiềm năng với nền nông nghiệp lúa nước phát triển lâu đời và đang phải nhập khẩu tới 90% phân bón. Theo ông Phan Văn Tâm, Giám đốc marketing của Bình Điền, thực tế cho thấy trình độ kỹ thuật canh tác của nông dân Myanmar còn nhiều hạn chế trong khi diện tích trồng lúa rất lớn. Bình quân lượng phân bón trên 1 ha lúa của Myanmar thấp hơn khoảng 5 lần so với VN. Vì vậy, mục tiêu của công ty tại thị trường này không chỉ kinh doanh mà sắp tới đưa vào áp dụng quy trình canh tác, cải thiện hiệu quả sử dụng phân bón. Còn tại thị trường Thái Lan, công nghiệp phân bón NPK của nước này khá phát triển. Tuy nhiên, DN sở tại hầu như chỉ sản xuất những sản phẩm chung áp dụng cho nhiều loại cây nên chưa giải quyết được nhu cầu thiết thực nhất cho nông dân. Vì vậy, tại thị trường này, Bình Điền sẽ đưa ra sản phẩm áp dụng cho từng loại cây trồng.
Trước đó, năm 2010, Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) đã thành lập văn phòng đại diện tại Campuchia và một năm sau được nâng cấp lên thành chi nhánh với đầy đủ chức năng kinh doanh trực tiếp. Từ năm 2012, Đạm Phú Mỹ tiếp tục triển khai thành lập văn phòng đại diện tại Myanmar song song với xuất hàng sang Thái Lan, Philippines, Malaysia... Cũng có mặt tại thị trường Campuchia với việc xây dựng nhà máy chuyên sản xuất phân bón NPK tại tỉnh Kandal, thương hiệu phân bón Năm Sao của Tập đoàn quốc tế Năm Sao VN đã và đang được nông dân địa phương tin dùng.
Cạnh tranh gay gắt
Việc xuất khẩu thành công sẽ giảm đáng kể áp lực cạnh tranh trong nước khi nguồn cung đang có dấu hiệu dư thừa, đồng thời mở rộng thị trường và gia tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, sản xuất và kinh doanh năm qua khá khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán kéo dài. Không chỉ ở trong nước mà ở cả các thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar, nông dân cũng giảm bớt đầu tư. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các cơ sở phân bón nhỏ lẻ chưa chặt chẽ khiến thị trường thêm rối loạn vì xuất hiện số lượng lớn hàng giả, kém chất lượng. Hơn nữa, ở các nước Campuchia, Myanmar đã xuất hiện DN sản xuất phân bón cùng chính sách bảo hộ của các nước này khiến tình hình xuất khẩu của công ty bị ảnh hưởng. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ của Bình Điền năm 2015 chỉ đạt 607.276 tấn, bằng 86,75% kế hoạch; tổng doanh thu đạt 6.100 tỉ đồng, bằng 87,31% kế hoạch. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất lại đạt 351 tỉ đồng, đạt 143,73% kế hoạch.
Ông Phong cho biết thêm để thực hiện mục tiêu chiếm lĩnh thị trường mới là Myanmar và Thái Lan, Bình Điền sẽ trình kế hoạch triển khai xây dựng nhà máy sản xuất phân bón NPK tại Myanmar trong thời gian sớm nhất sau khi Tập đoàn hóa chất VN, đại diện 65% vốn nhà nước tại Bình Điền, thông qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.