Phản bác luận điệu “Hồ Chí Minh không phải là nhà tư tưởng, không có tư tưởng Hồ Chí Minh”

18/07/2022 06:00 GMT+7

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục được kiểm nghiệm, chứng minh giá trị “mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi” bằng chính những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập (02/9/1945).

Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM

Nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, của chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc sân tộc (trong đó, “tiên tiến” được hiểu là dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người); thực tiễn hiện nay đòi hỏi phải tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người, điển hình là luận điệu “Hồ Chí Minh không phải là nhà tư tưởng, không có tư tưởng Hồ Chí Minh” đã và đang được một số đối tượng lan truyền trên các mạng xã hội.

1. Các đối tượng này lập luận cơ bản như sau: Nội dung của cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” thực chất chỉ là sự cóp nhặt, chắp vá tư tưởng của Nho, Phật, Lão, Tôn Trung Sơn, văn hóa phương Tây…, không có gì mới mẻ, sáng tạo, không đúc rút được nguyên lý, quy luật mới.

Hồ Chí Minh nói, viết ngắn, nôm na, sử dụng từ ngữ đời thường, dân dã, không có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa cao như các nhà tư tưởng từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông.

Sự kiện năm 1987, tại khóa họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc UNNESCO đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó công nhận Hồ Chí Minh là nhà văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và có tầm ảnh hưởng thế giới là sai lầm, bị “dư luận” giới trí thức phê phán, phản đối.

2. Cách lập luận nêu trên thể hiện sự phản ánh phiến diện, cắt xén, xuyên tạc nội dung, giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, cái gọi là “sự cóp nhặt, chắp vá…” thực chất là quy luật tất yếu trong quá trình nhận thức của con người: Cái mới, tư tưởng mới ra đời luôn phải kế thừa những điểm đúng đắn, tích cực trong nhận thức cũ, đồng thời sáng tạo nội dung mới phù hợp thực tiễn.

Phong cách, ngôn ngữ diễn đạt, tuyên truyền do đối tượng được tuyên truyền quyết định. Đối tượng cần được tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam là nhân dân, mà tuyệt đại đa số họ là nông dân, còn mù chữ, đòi hỏi phải có phong cách, ngôn ngữ tuyên truyền, giảng giải đặc thù phù hợp.

Cái gọi là “dư luận” giới trí thức phản đối UNESCO trong việc khẳng định Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng thực chất chỉ là một vài đối tượng cá biệt, lạc lõng, phản bác quyết định của một tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa thuộc Liên hiệp quốc, được cả thế giới công nhận, tôn trọng nhưng lại thiếu căn cứ pháp lý, lịch sử, văn hóa, thực tiễn. Luận điệu trên đã cố tình đánh tráo khái niệm giữa một vài cá nhân với “dư luận” đông đảo, với “giới trí thức” và “nhân dân”.

3. Giá trị, ý nghĩa, sức sống lâu bền của tư tưởng Hồ Chí Minh và tư cách nhà tư tưởng của Hồ Chí Minh thể hiện trên các khía cạnh cơ bản sau:

Về nội dung, Hồ Chí Minh đã kế thừa, vận dụng, phát triển các giá trị truyền thống dân tộc, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời hiểu biết sâu sắc đặc điểm thực tiễn Việt Nam và thế giới. Với văn hóa phương Đông, đó là những điểm tích cực trong Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo, tư tưởng “tam dân” của Tôn Trung Sơn… Với văn hóa phương Tây, Người đã đi từ khẳng định giá trị của Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Pháp đề cao quyền tự do, dân chủ cá nhân để khái quát thành quy luật mà cả thế giới phải thừa nhận: “… Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” [1] …

Tư tưởng của Người phản ánh những vấn đề mang tính bản chất, quy luật của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế của thời đại. Đó là các quy luật gắn kết độc lập dân tộc và CNXH; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” [2]; chăm lo xây dựng Đảng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc chân chính, hội nhập, đa phương, đa dạng hóa quan hệ quốc tế theo phương châm “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” [3] …

Cơ sở lý luận quan trọng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy nhiên, bằng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Hồ Chí Minh đã không chỉ vận dụng phù hợp chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam mà còn bổ sung, phát triển lý luận này trên một số vấn đề: Quan điểm về quy luật ra đời và bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam; về tính chủ động của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa so với cách mạng vô sản ở phương Tây; về sức mạnh quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam - sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc (“Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một, hai người” [4])…

Hơn hết, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục được kiểm nghiệm, chứng minh giá trị “mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi” bằng chính những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới (1986 đến nay), giúp Việt Nam đạt được “cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế” chưa từng có. Thực tiễn là cơ sở để kiểm nghiệm giá trị chân lý của nhận thức, tư tưởng. Điều này đặc biệt đúng với thực tiễn cách mạng Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh!

Về hình thức, Hồ Chí Minh có phong cách diễn đạt đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng, mục đích, điều kiện, hoàn cảnh… tuyên truyền. Người từng lý giải vì sao “Đường cách mệnh” lại lựa chọn lối diễn đạt có vẻ “cụt quằn”: “Hơn sáu mươi năm nay, đế quốc chủ nghĩa Pháp đạp trên đầu; hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa. Phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời, trau chuốt!”[5].

Người có thể diễn đạt vừa theo phong cách giản dị, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người (khi tuyên truyền về chiến lược, sách lược cách mạng); vừa khoa học, uyên bác (khi lập luận tố cáo, lên án chế độ thực dân và tai say); vừa hào sảng, hùng hồn (khi kêu gọi toàn dân kháng chiến); vừa thiết tha, sâu lắng (khi bày tỏ tâm tư, tình cảm sâu nặng với Tổ quốc và nhân dân…); lại vừa có thể rất dí dỏm, duyên dáng (khi giao tiếp với nhân dân hay khéo léo phê bình cán bộ, đảng viên). Phong cách của Người là phong cách của nhà tư tưởng phương Đông, thường diễn đạt cô đọng, hàm súc.

Bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp (19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh

hochiminh.vn

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn

hochiminh.vn

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến lớn lao của Hồ Chí Minh cho tư tưởng, văn hóa của dân tộc Việt Nam, cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ban hành Nghị quyết khẳng định giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh và tư cách nhà tư tưởng của Người. Nghị quyết ghi nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam… Những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người…” [6]. Tính đến hết năm 2020, đã có 35 công trình tượng, tượng đài Hồ Chí Minh được xây dựng tại 22 quốc gia trên thế giới [7]. Đây chính là sự bác bỏ đầy thuyết phục của cộng đồng quốc tế đối với mọi luận điệu phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và nhà tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H, 2011, T 4, tr.1.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H, 2011, T.13, tr.119.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H, 2011, T.5, tr.256.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H, 2011, T.2, tr.288, 283.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H, 2011, T.2, tr.283.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo điện tử, www.dangcongsan.vn, Mục “Tư liệu tham gia cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”, truy cập ngày 07/6/2022

7. Báo Dân Việt online, đăng ngày 19/5/2020, link: https://danviet.vn/co-35-tuong-dai-chu-tich-ho-chi-minh-o-22-quoc-gia-20200519133034278.htm, truy cập ngày 07/6/2022

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.