Phạm Văn Lái, người lính anh hùng của Sư đoàn 341

18/11/2022 11:38 GMT+7

Ông không chỉ là người anh hùng trong chiến đấu mà còn là người anh hùng trong lao động sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình, xây dựng quê hương giàu đẹp và cả trong chống chọi, chiến thắng bệnh tật.

Anh hùng Phạm Văn Lái sinh năm 1952, quê quán tại xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông nhập ngũ tháng 5.1972 khi vừa tròn 20 tuổi. Sau thời gian huấn luyện tân binh, khi Sư đoàn 341 được thành lập, ông được điều về làm chiến sĩ của sư đoàn và trở thành một trong những người lính đầu tiên của sư đoàn.

Tháng 2.1975, Sư đoàn 341 được lệnh hành quân thần tốc từ Lệ Thủy, Quảng Bình vào nhận nhiệm vụ chiến đấu ở mặt trận miền Đông Nam Bộ. Chỉ sau 30 ngày hành quân bằng ô tô của đoàn vận tải quân sự 559 (Binh đoàn Trường Sơn), toàn Sư đoàn đã có mặt đầy đủ trên đất Bình Phước và sau đó không lâu, trong đội hình chiến đấu của quân đoàn 4, F341 đã tham gia trận đánh lớn giải phóng thị xã Xuân Lộc. Đó là một trận đánh có ý nghĩa chiến lược nên diễn ra hết sức quyết liệt và khốc liệt của cả bên. Từ trận đánh Xuân Lộc sẽ mở ra chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước. Vì thế mà Xuân Lộc được mệnh danh là “cánh cửa thép” của phòng tuyến bảo vệ Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Anh hùng LLVTND Phạm Văn Lái (1952 – 2017)

Tư liệu gia đình anh hùng Phạm Văn Lái

Từ chiến sĩ liên lạc trở thành tiểu đội trưởng

Do nhanh nhẹn, hoạt bát nên Phạm Văn Lái khi về đại đội 9 đã được phân công làm nhiệm vụ của chiến sĩ liên lạc. Trong trận đánh Xuân Lộc lịch sử kéo dài 12 ngày đêm từ ngày 9 đến 21.4.1975, anh đã sát cánh cùng đồng đội trong đại đội 9 bám sát trận địa chiến đấu, giành giật với quân địch từng ngôi nhà, từng con hẻm, từng góc phố.

Để tránh thương vong, Phạm Văn Lái cùng đồng đội trong đơn C9 đã vị chia thành từng tổ chiến đấu từ 3 đến 5 người để yểm trợ nhau chiến đấu. Ngày thứ 2 của trận đánh, Lái cùng 3 đồng đội đã bí mật tập kích vào sau lưng địch, áp sát tấn công, nhiều quân địch đã bị tổ chiến đấu tiêu diệt. Bị bất ngờ, quân địch bỏ chạy khỏi chiến hào. Lúc này các chiến sĩ trong tổ chiến đấu của Lái đều đã bị hi sinh và bị thương, còn lại một mình, anh vẫn tiếp tục bắn và tiêu diệt hàng chục lính địch.

Hăng say chiến đấu, Lái không biết trong lúc đó C9 của anh đã nhận lệnh chuyển sang hướng tiến công khác. Trên trận địa chỉ còn lại Phạm Văn Lái với một khẩu AK đã bắn hết đạn. Nhưng anh vẫn bình tĩnh tìm được 2 quả lựu đạn và một khẩu AR15 còn đầy cả 2 băng đạn. Một mình anh chiến đấu với một tiểu đội địch. Với khẩu AR15 của địch, Lái đã bắn chết hai tên địch, bắn bị thương một tên khác, những tên còn lại bỏ chạy về phía sau. Đêm đó một mình Lái ở lại trong chiến hào với quyết tâm giữ vững trận địa.

Sáng ngày thứ 3 của trận đánh, Phạm Văn Lái gặp một tổ 3 người du kích địa phương với đầy đủ súng đạn, có cả súng B.40. Họ lập thành một tiểu đội do Lái chỉ huy và đã kiên cường chiến đấu với một đại đội địch đang tràn lên hòng chiếm lại trận địa. Với khẩu B.40 trong tay, Lái cùng các chiến sĩ du kích Long Khánh đã bình tĩnh đợi quân địch vào thật gần mới bắn. Hàng chục lính địch bị B.40 tiêu diệt, bọn còn lại bỏ chạy. Tuy nhiên lúc này cánh tay trái của Lái bị mảnh đạn M79 găm phập vào máu ra rất nhiều.

Đến trưa hôm đó đơn vị C9 của anh đến ứng cứu. Máu ra quá nhiều khiến Lái bị ngất và anh được đưa về trạm phẫu tiền phương của trung đoàn 266. Tổng cộng trong 2 ngày chiến đấu ở Xuân Lộc, một mình Phạm Văn Lái đã tiêu diệt 31 quân địch, bắn bị thương hàng chục tên khác.

Anh cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm và bảo vệ trận địa, trở thành một tấm gương chiến đấu kiên cường, mưu trí, táo bạo. Nhớ chiến công xuất sắc đó mà sau ngày chiến tranh kết thúc, vào ngày 20.10.1976, khi vừa tròn 24 tuổi, Phạm Văn Lái đã được Chủ tịch nước tuyên dương công trạng và phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Anh trở thành người lính anh hùng đầu tiên của Sư đoàn 341.

Sư đoàn 341 (F341) là sư đoàn bộ binh chủ lực của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam. Trong chiến tranh chống Mĩ sư đoàn 341 đã tham gia những trận đánh lớn như Xuân Lộc, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa... và tiến vào TP Sài Gòn ngày 30.4.1975. Sau đó sư đoàn được giao nhiệm vụ làm công tác quân quản TP Sài Gòn cho đến khi có chính quyền dân sự. Khi chiến tranh biên giới Tây nam xảy ra, Sư đoàn 341 tiếp tục chiến đấu trong đội hình các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. 50 năm ra đời và không ngừng lớn mạnh, Sư đoàn 341 đã hai lần được nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND); F341 có nhiều cá nhân anh hùng trong đó Phạm Văn Lái là người lính anh hùng đầu tiên của Sư đoàn.

Sau khi chiến thắng và giải phóng Xuân Lộc, Sư đoàn 341 thuộc Quân đoàn 4 tiếp tục những trận đánh quan trọng vào chi khu quân sự Trảng Bom, căn cứ Hố Nai trong chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào đêm 21.4, Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ cho tư lệnh quân đoàn 4: đánh chiếm Trảng Bom, giải phóng Biên Hoà và tiến vào Sài Gòn theo đường bộ của cửa ngõ phía Đông thành phố. Sư đoàn 341 trở thành đơn vị chủ công. Phạm Văn Lái lúc này vết thương chưa lành nhưng anh đã trốn khỏi trạm phẫu để đuổi theo đơn vị cùng tham gia chiến đấu với đồng đội.

Ngày 30.4.1975, người chiến sĩ trẻ Phạm Văn Lái đã vinh dự cùng những người lính của Sư đoàn 341 tiến vào TP.Sài Gòn, mang lại thống nhất, độc lập cho đất nước. Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Phạm Văn Lái tiếp tục cùng động đội E266 F341sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, tiêu diệt chế độ diệt chủng Polpot. Tại chiến trường nước bạn, Phạm Văn Lái bị thương nặng ở chân, anh được đưa về tuyến sau và ra quân trở lại quê nhà với quân hàm đại úy.

Anh hùng giữa đời thường

Phục viên trở về địa phương với danh hiệu Anh hùng và được hưởng chế độ thương binh hạng 2/4, dù có chế độ của nhà nước đủ sống nhưng ông Phạm Văn Lái vẫn tích cực tham gia lao động sản xuất, trở thành tấm gương sáng của một cựu chiến binh, một người lính, một người anh hùng giữa đời thường. Mặc dù mang trong người căn bệnh ung thư dạ dày nhưng Lái vẫn cùng vợ con lập trang trại, chăn nuôi bò, trồng lúa và các loại cây lương thực, cây ăn quả. Gia đình ông có hơn 3ha rừng trồng bạch đàn, mấy sào lúa nước và một đàn bò.

Người dân xã Quảng Châu vô cùng khâm phục và luôn ngợi khen Phạm Văn Lái, người con anh hùng của quê hương. Trong mắt dân làng, ông không chỉ là người anh hùng trong chiến đấu mà còn là người anh hùng trong lao động sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình, xây dựng quê hương giàu đẹp và cả trong chống chọi, chiến thắng bệnh tật. Bị căn bệnh ung thư dạ dày mấy năm liền, Phạm Văn Lái vừa kiên cường chống chọi với bệnh tật, vừa tích cực tham gia làm kinh tế gia đình, mang lại một cuộc sống đầy đủ cho vợ con. Tuy nhiên, do căn bệnh ưng thư trở nặng, Phạm Văn Lái không vượt qua khỏi và anh đã qua đời vào ngày 20.1.2017, để lại một cuộc đời bình dị, trong sáng của một người lính anh hùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.