Phạm Đức Mạnh với nỗi cô đơn ‘Ta buồn hắt cả dòng sông lên trời’

28/02/2021 17:00 GMT+7

Em đừng rủ nhớ đi xa - tập thơ gồm 108 bài như tổng kết cho một chặng đường lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc, cẩn trọng và lặng lẽ của nhà thơ Phạm Đức Mạnh.

Phạm Đức Mạnh là một nhà báo mê thơ, anh làm thơ từ khá sớm, tính từ bài thơ đăng báo đầu tiên cho đến nay đã ngót nghét hơn 50 năm.
Trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ ấy, bên cạnh công việc thường nhật để kiếm kế sinh nhai, Phạm Đức Mạnh vẫn âm thầm, lặng lẽ đến với thơ như một nhu cầu tự thân để thỏa mãn những cơn khát tình yêu và cũng là dịp để nhà thơ giãi bày những nỗi buồn sâu kín của lòng mình. Chỉ có thơ là chỗ dựa, là người bạn “trung thành” nhất để anh bộc bạch, hóa giải những bất trắc trên bước đường đời mà anh vấp phải, nhất là trong câu chuyện tình yêu. Em đừng/ rủ nhớ rong chơi/ bữa nay bão quét ngoài khơi đổ về/ Triều cường/ ngấp ngó vai đê/ sông thương tủi giận hồn quê ngập sầu.../ Em đừng/ rủ nhớ đi xa/ mưa giông gió giật quở ta rát lòng...
Tập thơ Em đừng rủ nhớ đi xa gồm 108 bài, trong đó Phạm Đức Mạnh hầu như chỉ làm thơ về tình yêu, thứ tình yêu thuần hậu, chân thành và tất cả hành trình thơ của anh đều hướng về tình yêu, khai thác ở nhiều khía cạnh trong chỉnh thể của đời sống. Anh tự xem mình là người “cô đơn” và nhận về tất cả những thua thiệt bằng tấm lòng bao dung của một người “quân tử”. Anh bao dung đến độ “ôm cô đơn một mình” và thật thà thốt lên “chỉ tôi buồn là đủ”: Ôm cô đơn - một mình nghêu ngao hát/ Tôi đón xuân trong nước mắt người buồn/ Từng giọt nhớ vô tình thấm vào kỷ niệm/ Phút giao thừa gió tủi nấc từng cơn. Và khi nỗi buồn lên đến đỉnh điểm, nhà thơ quẫy đạp thốt lên: Ta buồn hắt cả dòng sông lên trời!
Hơn nửa thế kỷ đến với thơ và gắn bó cùng thơ, gia tài tinh thần của Phạm Đức Mạnh là 7 tập thơ tình với bao niềm thương nhớ, trắc trở được gửi trọn vào đó.
Là người đã đi qua cuộc chiến tranh vệ quốc, người ly hương từ thuở đôi mươi nên trong anh lúc nào cũng nặng lòng với quê cha đất tổ, nỗi khát thèm trở về chốn cũ luôn thôi thúc: Tha phương thèm bến đi về/ Gùi mang sắc phố đê mê gọi chiều/ Cùng neo cột tiếng sáo diều/ Trải đêm nguồn cội lẩy Kiều mơ hoa (Em đừng rủ nhớ đi xa).
Một con người tha thiết yêu quê hương mà phải sống cuộc đời hầu hết tha phương nên thơ Phạm Đức Mạnh luôn dành phần lớn để viết về nơi chôn nhau cắt rốn như là lời cảm tạ thành tâm nhất.
Con người cả đời làm khách nên điều gì cũng làm cho anh cảm thấy xúc động: tình yêu đôi lứa không thành, nỗi nhớ những người thân thuộc, hình ảnh chốn quê và cả những điều đang hiện hữu cùng với những dự cảm về tương lai. Anh say/ với em là hố buồn thăm thẳm/ Dòng sông tình/ cô đơn/ Hạnh phúc/ Chỉ còn bến hoang nhợt nhòa sương ẩm/ Thuyền duyên nhổ neo/ vật vã xuân xoắn vào giông tố (Chông chênh).
Phạm Đức Mạnh không hề che giấu cảm xúc trước những khát vọng yêu đương hay cả những vấn đề của cuộc sống đời thường. Thơ anh là thơ của một trái tim đa cảm. Sao em lại đến cửa chùa!/ Không vui với gió, không đùa với trăng/ Sao em bỏ mặc chị Hằng/ Cô đơn trong dải sao băng Ngân hà// Em buồn chi chuyện đã qua/ Mà đem nhan sắc phủ nhòa khói hương/ Về đi em với đời thường/ Biết vui, biết giận, biết thương chính mình (Sao em đến cửa chùa?). Nỗi buồn giăng mắc vào thơ và trở thành thứ “gia vị” của cuộc đời. Cuộc đời tắm nỗi buồn, lo/ Rủi xui hai chuyến lụy đò qua sông/ Đò tình đầy ắp bão giông/ Hắt tôi xuống đáy sông Hồng chơi vơi (Hai lần đò).
Thời gian trôi đi, cuốn theo bao thăng trầm của cuộc sống, ngẫm ngợi về những gì đã qua và cả thực tại hôm nay nhà thơ phải “cạn chén với đêm”: Tiễn chiều mắt tôi giăng qua sông/ Chạm gió từ bi ngồi thiền trên sóng/ Mây bồ đề tịnh tâm chiều ảo vọng/ Tiếng chuông xanh yên ả sắc thu trầm.
Thơ ca là một cuộc hành trình đi từ trái tim đến trái tim. Hành trình ấy là cả những buồn vui, trăn trở, ngẫm ngợi, nghĩ suy về cuộc đời. Phạm Đức Mạnh sử dụng kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật trong thơ. Các yếu tố thực - ảo, ý thức lẫn vô thức làm nên dấu ấn mang nét riêng của hồn thơ Phạm Đức Mạnh. Nhà thơ vận dụng linh hoạt các thể thơ để diễn đạt phù hợp với từng cảm xúc tâm trạng. Có một số bài thơ viết ở thể lục bát rất đạt, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc như: Mưa hành khất, Hai lần đò, Ghẹo mưa, Rủ, Em đừng rủ nhớ đi xa, Hắt cả dòng sông, Mùa em, Cởi thu, Phận gió... Phạm Đức Mạnh đã thổi vào hồn thơ lục bát một sức sống mới, không lạc điệu giữa những vần thơ hiện đại đương thời.
Phạm Đức Mạnh biết làm mới trên từng con chữ để tạo nên những bài thơ hay, những hình ảnh - tứ thơ lạ, những câu thơ neo đậu được trong lòng độc giả. Cởi mùa thu cất trong tim/ Khoác cơn gió lạnh đi tìm bến lo (Cởi thu); Sao em lại vót tim anh/ Mà không thỏ thẻ dỗ dành nỗi đau (Vót tim); Sáng đi gom nắng thoa lên mặt/ Chiều về luộc phấn giũ hoàng hôn (Phận gió); Ta về/ rủ bướm đi chơi/ Rủ mây lễ hội, rủ đời đi say (Rủ)... Với tập thơ Em đừng rủ nhớ đi xa, Phạm Đức Mạnh tiếp tục lặng lẽ với những bước đi say mê tìm tòi trong hành trình sáng tạo thi ca của mình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.