Phạm Công Thắng và “Ngã rẽ” văn chương

03/01/2021 10:05 GMT+7

Cầm Ngã rẽ của Phạm Công Thắng (NXB Văn học, 2020) trên tay, tập truyện ngắn gồm 20 truyện, gần 300 trang in, không phải quá nặng dày, nhưng đọc, mới thấy không hề “mỏng”, “lép”.

Tôi biết NSNA Phạm Công Thắng khá lâu, từ ngày anh còn công tác ở một đơn vị báo chí của ngành Giao thông vận tải. Thế nhưng, chưa biết anh viết văn. Sau khi anh nghỉ hưu, tôi để ý thấy Phạm Công Thắng công bố truyện ngắn, bắt đầu từ trên trang cá nhân, sau đến báo online, báo in... Và rồi bất ngờ, Phạm Công Thắng cho biết, anh vừa chọn trong số hơn trăm truyện đã viết, in tập đầu tay Ngã rẽ, dự định ra mắt sách bạn bè, đồng nghiệp vào đầu năm 2021.
Truyện Ngã rẽ được anh lấy làm tên chung. Chắc chắn, “ngã rẽ” không chỉ là quyết định của một nhân vật, số phận một cuộc đời mà còn là ý tứ của chính tác giả Phạm Công Thắng. “Ngã rẽ” của anh vào văn chương chăng? Tâm lý đọc sách của tôi thường chọn tên truyện ngắn hoặc bài thơ được tác giả lấy làm tên chung cho cả tập, đọc trước. Với Phạm Công Thắng, cũng thế. 
Mai Thảo, nhân vật chính trong Ngã rẽ, vướng tình yêu “sét đánh” với Tuấn Tú trên một chuyến bay từ đảo Phú Quốc trở về Sài Gòn. Và như các cụ xưa nói “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, “đàn ông là lửa, đàn bà là bùi nhùi, quỷ sứ đến sẽ thổi bùng lên”. Trong một lần gặp nhau, Mai Thảo không kìm giữ được khát khao, cô “trao thân gửi phận” cho Tuấn Tú. Mai Thảo có thai. Khi cô báo tin cho Tuấn Tú, anh phân vân, toan tính: “Mình nên giải quyết cái thai, chờ đợi thêm một thời gian nữa sẽ tốt hơn”. Mai Thảo bẽ bàng, đau khổ. Cô như bị cuồng phong, tắt ngấm hy vọng.
Trong sự lúng túng của mọi phương án, Mai Thảo quyết định lấy Duy Hải, người đàn ông cùng cơ quan bấy lâu nay vẫn si mê theo đuổi. Cô lấy để giữ lại cái thai. Dẫu Tuấn Tú từ chối giọt máu của mình, nhưng thai nhi có quyền được lớn lên, ra đời và có quyền được sống. Đó là quyền của sinh linh. Ngã rẽ của Mai Thảo chính ở quyết định này.
Tuấn Tú cũng lấy vợ, để quên đi Mai Thảo. Bé Duy Thái sinh ra, lớn lên trong tình thương vô bờ bến của hai bên gia đình, nhất là Duy Hải. Duy Thái học giỏi, là niềm tự hào của ông bà, bố mẹ. Những tưởng số phận của cả hai an bài.
Thế nhưng, cuộc đời luôn luôn nảy sinh những tình huống để thử thách con người. Duy Hải biết được đứa con không phải của mình. Bàng hoàng đến sụp đổ, Duy Hải lao vào rượu chè, bê tha. Anh quyết định ly hôn. Lần này, Mai Thảo phải đối diện với sự thật. Cô “xin lỗi chồng nhưng không cầu xin tha thứ vì nàng hiểu được những tổn thương đã gây ra cho chàng không thể có gì bù đắp nổi”.  
“Chuyện đã xảy ra như thế này, anh không dễ dàng tha thứ nhưng cũng không muốn ai phải gánh chịu thêm nỗi đau đớn dằn vặt... chúng ta gác lại chuyện ly hôn ở đây. Sau này, Duy Thái hoàn thành khóa học, sẽ cho con đi nhận cha đẻ của nó, lúc đó vợ chồng còn duyên hay không sẽ tính tiếp”. Mai Thảo bất ngờ, xúc động đến lặng người. Cái cái kết có hậu dành cho Mai Thảo thật nhân văn. Tôi suy nghĩ mãi về tình huống mà nhà văn Phạm Công Thắng đã kết truyện ngắn. Đó là cái kết của cái đẹp, thuộc về cái đẹp.
Bảy trọc là tên một truyện ngắn khác trong Ngã rẽ. Cái tên truyện làm người đọc nghĩ ngay đến “thế giới giang hồ”. Phạm Công Thắng đưa người đọc liên tưởng với bối cảnh các thành phố phía Nam, nhất là Sài Gòn những năm sau ngày miền Nam mới được giải phóng. Đây là thời điểm, Công an TP. Hồ Chí Minh thành lập nhiều đội săn bắt cướp của cảnh sát hình sự. Nhiều chiến sĩ trong lực lượng Cảnh sát hình sự không quản nguy hiểm đã chiến đấu với đủ loại giang hồ, cướp giật... mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Nhiều anh hùng đã xuất hiện. Điển hình là Anh hùng Lý Đại Bàng, từng được xem như là một huyền thoại về cảnh sát "Săn bắt cướp" vào những năm đầu thập niên 1980.
Hồi đó, “dân thành phố Tân Thành ai cũng khiếp sợ khi nhắc đến tên ông trùm Bảy Trọc, khét tiếng gian ác trong giới giang hồ. Bảy Trọc vốn bản tính gian manh, tàn độc, có trong tay vài chục đệ tử, sẵn sàng đâm thuê, chém mướn, giết chết bất cứ đối thủ nào dám làm trái ý hắn”. “Cá lớn nuốt cá bé” trong thế giới ngầm diễn ra, vì sự tanh tưởi, nhẫn tâm của tiền, vàng, đô la và ma túy.
Thế giới ngầm đó, vẫn còn hiện hữu đến hôm nay, còn nhờ có sự “chống lưng” của không ít người có trách nhiệm. “Bảo kê” của “bảo kê”, tiếp tục dung dưỡng, làm nảy sinh tội ác. Và cái kết “Vụ việc khép lại cùng một bản án đích đáng 20 năm tù dành cho Bảy Trọc, kẻ chủ mưu giết người, Dũng Khàn lĩnh bản án 15 năm tù về tội đồng phạm giết người. Giờ đây, ngồi bóc lịch trong nhà giam, Bảy Trọc mới chua chát nghĩ lại những năm tháng sống trôi nổi cũng như vinh quang mà cuộc đời hắn đã nếm trải”. Thế nhưng khi Bảy Trọc mãn hạn tù, vẫn có một người mở lòng đón hắn “Rồi những giọt nước mắt ân hận muộn màng của hắn lăn dài hai bên bờ má. Dù sao số hắn vẫn còn may, lúc sa cơ lỡ vận vẫn còn người vợ già chung tình chờ đợi ngày hắn trở về chở che".
Truyện ngắn Bảy trọc đặt ra vấn đề, không cái ác nào không bị trừng trị, “lưới trời” luôn lồng lộng, kể cả về tâm linh luật nhân quả là có thật. Cũng qua truyện ngắn này, tác giả Phạm Công Thắng muốn gửi đến bạn đọc thông điệp vĩnh hằng của lòng nhân ái. Chính lòng nhân ái có tác dụng thức tỉnh, cảm hóa cái ác.
20 truyện ngắn của Phạm Công Thắng trong Ngã rẽ có 2 mảng rõ ràng: Tình yêu với các truyện ngắn: Ngã rẽ, Chuyện tình bên nấm mộ, Chuyện tình bên sông, Tình yêu trở lại, Người đàn bà chờ chồng; Thế sự, thời cuộc có các truyện ngắn: Bẫy tình, Bảy trọc, Cái giá phải trả, Cường đen, Hiệp công tử, Lầm lỗi, Mặt nạ... Truyện anh ngồn ngộn đời sống. Nói như nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên: “... truyện ngắn của Phạm Công Thắng đều là những truyện “có chuyện” hay nói đúng hơn là những bài học về triết lý nhân sinh qua kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống mà anh từng trải nghiệm”. Đọc Ngã rẽ mới biết, Phạm Công Thắng đã bước vào văn chương đến mười năm nay, bây giờ mới là lúc anh công bố tác phẩm. 
Phạm Công Thắng xuất thân từ một “gia đình nòi” ở Thanh Hóa về nhiếp ảnh, đã đạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh nghệ thuật, ảnh thời sự báo chí trong nước và quốc tế. Anh đã hai lần Triển lãm ảnh cá nhân, mang tên Quê hương (năm 1999, tại Thanh Hóa) và Khoảnh khắc (năm 2011, tại Hà Nội. Năm 2017, anh xuất bản sách ảnh Lãng du cùng Phạm Công Thắng; các tác phẩm ảnh nghệ thuật này được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đưa vào dự án và tái bản 2020.
Chưa hề “gác máy” bởi đam mê vẫn “cháy” trong anh nhưng Phạm Công Thắng đã có “Ngã rẽ” trong văn chương đầy bất ngờ. Dù là nhiếp ảnh hay văn chương, đó vẫn là sự tiếp nối của anh trong hành trình vì cái đẹp.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.