Phải triệt lợi ích nhóm trong mua sắm, đấu thầu

11/02/2022 07:57 GMT+7

Bộ Y tế đánh giá chính sách xã hội hóa trong các bệnh viện công lập bên cạnh mặt tích cực, còn khiếm khuyết, thiếu minh bạch, một số nơi phát sinh tiêu cực.

Đáng chú ý, việc thực hiện các quy định về cơ chế giá thị trường, mua sắm còn vướng mắc, xảy ra một số vụ việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế vi phạm pháp luật về đấu thầu; thực hiện cơ chế tự chủ của một số bệnh viện gặp nhiều khó khăn do chưa hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế…

Nâng cao phụ cấp cho nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở để họ yên tâm công tác.

Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm y tế Q.3 (TP.HCM) tại trạm y tế lưu động

Độc lập

Sửa đổi 4 luật

Đối với các vấn đề thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý và điều hành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, trong năm 2022 Bộ đẩy mạnh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, siết chặt quản lý về cấp phép, quản lý chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, đảm bảo công khai minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm lợi ích nhóm, tiêu cực trong mua sắm đấu thầu…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cũng như tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của ngành, năm 2022 ngành y tế tập trung xây dựng luật pháp, trình Quốc hội các dự thảo sửa đổi luật như: luật Khám bệnh, chữa bệnh; luật Bảo hiểm y tế; luật Dược và luật Trang thiết bị y tế.

Covid-19 sáng 11.2: Cả nước 2.430.683 ca mắc | Vì sao cần tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi?

Tăng phụ cấp, đãi ngộ cho nhân viên y tế

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, một trong những hạn chế, tồn tại của ngành y tế cần được tiếp tục khắc phục, đó là hệ thống y tế còn bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra.

Bên cạnh đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật của nhiều tỉnh, thành không có đủ diện tích làm việc, thiếu trang thiết bị, nhân lực; chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn, tay nghề, làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...

Đáng lưu ý, theo Bộ Y tế, công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa phát triển đáp ứng yêu cầu, phụ thuộc vào nguyên liệu ở nước ngoài; tồn tại nhiều bất cập trong công tác thẩm định đăng ký lưu hành thuốc như chuyên gia thẩm định, chất lượng hồ sơ tham gia thẩm định và mức thu phí trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong năm 2022 toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cải cách và đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng... “Có thể nói, những tác động của đại dịch Covid-19 với ngành y tế rất sâu rộng, ảnh hưởng cả về thu nhập, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế”, ông Long đánh giá.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ để có thể tăng chế độ phụ cấp, đãi ngộ đối với cán bộ y tế khi đi vào vùng dịch một cách thỏa đáng. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ lâu dài là vấn đề hết sức quan trọng. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền, từ đó có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo Bộ trưởng, về cơ bản, các cấp thẩm quyền đồng thuận hướng nâng cao phụ cấp cho nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên tới 100% mức lương. Mục tiêu là nhằm đảm bảo hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, qua đó nâng cao thu nhập của nhân viên y tế để họ yên tâm công tác.

Phát triển y tế đồng bằng sông Cửu Long

Liên quan đến phát triển y tế ĐBSCL, BS Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ cho biết đến nay hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện này đã trở lại bình thường. Tại khoa Khám, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1.200 - 1.400 bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Số bệnh nhân điều trị nội trú hiện cũng dao động từ 800 - 1.000 bệnh nhân, tức gần đạt 100% công suất của bệnh viện.

“Ở bệnh viện, cuộc chiến với Covid-19 là một thử thách chưa từng có, nhưng nó cũng đã giúp cho nội lực của đội ngũ y bác sĩ vững vàng và hoàn thiện hơn. Trên hết là giúp công tác điều trị cho người dân trong khu vực ĐBSCL ngày một tốt hơn”, BS Phong nói và cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở ĐBSCL, đã có hàng trăm ca Covid-19 nguy kịch từ các tỉnh, thành trong khu vực chuyển về được các bác sĩ của bệnh viện nỗ lực cứu sống.

Theo BS Phong, năm 2022 Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ sẽ tiếp tục triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu như kỹ thuật ECMO (tuần hoàn tim phổi nhân tạo). Bệnh viện cũng đã hỗ trợ một số đơn vị bạn triển khai kỹ thuật này như Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa Kiên Giang…

BS Phạm Phú Trường Giang, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP.Cần Thơ, cho biết qua đại dịch Covid-19, Cần Thơ đã rút ra nhiều bài học. “Chẳng hạn như việc nâng chất lượng điều trị của các trạm y tế cơ sở. Xưa nay làm chưa tốt thì nay đã cải thiện rất nhiều. Trong khi đó, các bệnh viện trước đây còn sự đùn đẩy nhưng bây giờ cũng sẽ phải phối hợp chặt chẽ hơn, giống như việc phân cấp trong chống dịch”.

BS Giang cho biết thêm Sở cũng đã đề xuất UBND TP.Cần Thơ bổ sung thêm nhân lực cho y tế cơ sở, có các chính sách ưu đãi để đưa các thầy thuốc trẻ về y tế cơ sở.

Đình Tuyển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.