Phải làm gì khi chuyển tiền nhầm mà người nhận không trả lại?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
18/04/2023 11:55 GMT+7

Nếu chuyển khoản nhầm số tài khoản thì cần báo ngân hàng ngay. Trường hợp ngân hàng thông báo, nhưng người nhận được không trả lại tiền thì phải làm gì?

Thời gian qua, việc chuyển tiền online không còn xa lạ với nhiều người, quá trình giao dịch nhanh vẫn có thể xảy ra nhầm lẫn chuyển tiền cho số tài khoản lạ nào đó.

Chị P.T.V.H (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM), trả tiền mua đất, nhưng chuyển nhầm vào tài khoản người khác 50 triệu đồng. Ngân hàng đã liên hệ và làm việc với người nhận được số tiền này, nhưng sau nhiều lần hứa hẹn, đến nay người này vẫn không trả tiền lại cho chị H.

Giải đáp thắc mắc này, luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, nếu người dân phát hiện mình chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác thì chủ tài khoản chuyển nhầm phải thông báo ngay cho ngân hàng nơi chuyển tiền để có cách xử lý kịp thời.

Chuyển tiền nhầm nhưng người nhận không trả lại phải làm gì? - Ảnh 1.

Khách hàng cần thận trọng khi chuyển khoản online

NGỌC DƯƠNG

LS Trang nói, nếu xác minh việc giao dịch là nhầm lẫn, ngân hàng sẽ liên hệ với đại diện chi nhánh quản lý tài khoản mà bạn chuyển tiền nhầm để yêu cầu họ chuyển hoàn trả lại, thời gian mất từ 30 đến 45 ngày. 

Khởi kiện ra tòa nếu người nhận không trả tiền

Còn trong trường hợp nếu người nhận đã rút hết tiền và cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả, thì ngân hàng buộc phải liên hệ với chính quyền địa phương, báo công an để có hướng giải quyết để thu hồi lại số tiền.

Xem nhanh 20h ngày 18.4: Ông Nguyễn Quang Tuấn hối lỗi | Hé lộ án mạng trong ô tô ở hầm chung cư

Nếu người nhận cố tình không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả thì bạn có thể đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin của chủ tài khoản nhận tiền để khởi kiện ra tòa án nơi cư trú của bị đơn, yêu cầu trả lại số tiền trên theo quy định tại khoản 1 điều 579 bộ luật Dân sự năm 2015: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền…”.

Theo đó, hồ sơ khởi kiện gồm: đơn khởi kiện, giấy tờ cá nhân (CMND/CCCD) và các giấy tờ liên quan đến vụ kiện như giấy tờ về chuyển tiền, xác nhận của ngân hàng, bảng kê chuyển tiền...

LS Trang phân tích thêm, người nhận cần trả lại tiền mà người khác chuyển nhầm, để tránh gặp rủi ro về pháp lý. "Còn nếu người nhận cố tình chiếm hữu, sử dụng, không trả lại tiền cho người chuyển nhầm sau khi đã nhận được thông báo từ phía ngân hàng và người chuyển nhầm tiền thì người cố tình chiếm hữu, sử dụng trái phép số tiền đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi "chiếm giữ trái phép tài sản" theo điều 176, bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017", LS Trang nói.

LS Trang nhấn mạnh, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm với tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.