Phải làm gì để lấy lại vóc dáng chuẩn?

23/02/2017 21:01 GMT+7

Tết đã qua, nhưng nhiều bạn vẫn chưa thể lấy lại được dáng chuẩn. Sau một thời gian ăn uống thoải mái (tết mà!), nay phải đối mặt với tình trạng cân nặng tăng lên vù vù rất khó kiểm soát, phải làm sao?

Điệp khúc tăng cân ngày tết
Giữ dáng vốn không phải việc dễ dàng, gặp dịp lễ tết vấn đề này càng trở nên cam go hơn. “Tại sao chỉ có mấy ngày tết mà tôi đã tăng lên đến 3 kg?” hoặc “Sao năm nào tôi cũng bị tăng cân vào dịp tết, vòng 2 cứ phình ra một cách khó chịu dù tôi đã hạn chế ăn bánh chưng hay thịt kho tàu”, “Có cách nào giúp tôi không bị tăng cân sau khi ăn tết xong?”... là những thắc mắc thường gặp của chị em sau những ngày Tết Nguyên đán.
Lý giải cho tình trạng này, bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho biết có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng tăng cân khó kiểm soát sau những ngày tết. Đầu tiên phải kể đến là do nạp quá nhiều thức ăn giàu năng lượng. Thường thì món ăn truyền thống của ngày tết đa phần chứa nhiều đường, tinh bột và dầu mỡ như bánh chưng, bánh tét, hành kiệu, giò chả, lạp xưởng, thịt gà, thịt lợn, bia rượu, mứt, trái cây ngọt..., những món ăn này có rất nhiều calo nên tạo điều kiện cho mỡ trắng gia tăng. Thêm vào đó, việc tụ họp ăn uống triền miên cũng là nguyên nhân gây tăng cân, do cơ thể nạp năng lượng cả ngày (dù đến mỗi nhà chỉ nhấm nháp chút ít đồ ăn hoặc uống một vài ly bia chứ không đụng đến thịt mỡ).

tin liên quan

Hãy làm điều này mỗi ngày để giảm cân!
Tập thể dục hằng ngày là cách để quản lý cân nặng hiệu quả nhất, nhưng với những người không yêu thích thể thao hoặc lười vận động thì sẽ khó duy trì thói quen này.

Yếu tố thứ 2 dễ gây tăng cân là không có thời gian để tập thể dục. Tết nhất là dịp sum họp gia đình, gặp gỡ người thân bạn bè... nên khó duy trì hoạt động thể thao. Thời điểm này, năng lượng nạp vào tăng nhưng không được tiêu hao dẫn đến mỡ có cơ hội tích tụ trong cơ thể và kết quả là vòng eo, bụng, đùi... phì ra.
Thêm vào đó, còn có yếu tố thứ 3 cũng không kém phần nguy hiểm tác động đến cân nặng đó là thói quen sinh hoạt bị xáo trộn. Tết được quan niệm là dịp “ăn chơi” nên sinh hoạt thường bị xáo trộn như ngủ trễ, ngủ ít, ăn không đúng bữa, uống ít nước, ăn ít rau xanh, ngồi nhiều... khiến cân nặng dễ tăng lên.
Lấy lại dáng chuẩn 1
Xây dựng thói quen ăn uống hợp lý
Một trong những nguyên tắc hàng đầu để đảm bảo trọng lượng ổn định ngay cả trong những dịp lễ lạt là lắng nghe “tiếng nói” của cơ thể; đặc biệt phải đảm bảo ăn sáng, trưa, tối như thường lệ. Để làm được điều này, hãy cùng làm bài trắc nghiệm với bác sĩ Ngọc Diệp, qua đó sẽ giúp bạn biết cách điều chỉnh việc ăn uống cho khoa học.
- Bạn ăn sáng như thế nào?
Nhịn ăn sáng: Sai. Ăn sáng sẽ cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể hoạt động hiệu quả. Sau bữa ăn tối, cơ thể có một khoảng thời gian từ 8 - 10 giờ không được cung cấp năng lượng khiến lượng đường trong máu giảm thấp. Bộ não và các tế bào trong cơ thể muốn hoạt động tốt cần được cung cấp đầy đủ và liên tục năng lượng, đường glucose, vì vậy bữa ăn sáng rất cần thiết để nạp lượng cho một ngày học tập, làm việc mới. Nếu không ăn sáng, chúng ta sẽ mệt mỏi, khó tập trung suy nghĩ cũng các hoạt động thể lực cũng kém hiệu quả.

tin liên quan

3 loại nước uống giúp giảm cân
Bạn có kế hoạch giảm cân? Dưới đây là những loại nước uống không chỉ ngon, mà còn giúp cơ thể đốt cháy mỡ, theo boldsky.

Ăn vừa đủ no: Đúng. Nếu ăn quá no, hệ tiêu hóa sẽ làm việc nhiều hơn để chuyển hóa thức ăn, từ đó sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác như hệ thần kinh.
Chỉ ăn trái cây hoặc bánh quy: Sai. Bởi nếu chỉ ăn sáng bằng trái cây và bánh quy, bạn sẽ không nạp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
- Bữa ăn chính kéo dài trong bao lâu?
Khoảng 30 phút: Đúng. Đây là khoảng thời gian hoàn toàn hợp lý cho một bữa ăn vì vừa đủ giúp răng nhai, nghiền nát và tiêu hóa thức ăn một cách hiệu quả.
Khoảng 15 phút: Sai. Lý do ăn quá nhanh thường khiến lượng đường huyết tăng nhanh sau khi ăn. Hơn nữa, ăn với khoảng thời gian quá ngắn, thức ăn chưa được nhai kỹ đã chuyển xuống dạ dày khiến cơ quan này phải hoạt động nhiều, gây quá tải cho hệ tiêu hóa.
Khoảng 1 tiếng mới xong: Sai. Ăn quá chậm sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa cũng như các bữa ăn sau đó.

- Khi nào mới ăn?
Cảm thấy thật đói: Sai. Khi cơ thể quá đói, đường huyết giảm dễ dẫn đến xu hướng ăn nhanh, nhiều, mất cân bằng dinh dưỡng, gây quá tải cho dạ dày, ruột.
Ăn theo cảm xúc: Sai. Ăn uống theo cảm xúc thường không kiểm soát được lượng thức ăn nên có thể dẫn đến tình trạng ăn quá ít hoặc ăn quá nhiều hoặc ăn không điều độ... đều không có lợi cho sức khỏe.
Ăn vào giờ cố định: Đúng. Ăn uống theo giờ giấc nhất định giúp đường huyết luôn ổn định theo sinh lý, cơ thể luôn được cung cấp đủ năng lượng.
- Bạn làm gì trong khi ăn?
Vừa ăn vừa xem ti vi, chơi game hoặc đọc sách: Sai. Vừa ăn vừa xem ti vi, lướt Facebook hoặc đọc sách thường sẽ khiến hệ tiêu hóa tiết không đủ các men tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn nên không tốt cho cơ thể.
Chỉ tập trung ăn: Đúng. Tập trung trong khi ăn sẽ giúp kiểm soát tốt lượng thức ăn đưa vào cơ thể cũng như giúp việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn diễn ra tốt hơn.
Vừa ăn vừa làm việc: Sai. Khi ăn nên tập trung ăn, nếu vừa ăn vừa làm việc sẽ khiến hệ tiêu hóa tiết không đủ các men tiêu hóa, từ đó có thể dẫn đến đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa.
- Bạn ăn tối cách giờ đi ngủ khoảng bao lâu?
1 - 2 giờ: Sai. Ăn sát giờ đi ngủ dễ dẫn tới thừa, cân béo phì do năng lượng ăn vào không được sử dụng.
4 giờ: Đúng. Đây là mốc thời gian chuẩn vì thức ăn sẽ được tiêu hóa tốt, cơ thể đã tiêu hao bớt năng lượng thừa.
6 giờ: Sai. Ăn vào thời điểm này có thể dẫn đến thiếu năng lượng, gây đói, ảnh hưởng đến giấc ngủ, nếu không có thêm bữa ăn phụ.

tin liên quan

8 điều bạn nên làm sau tuổi 40
Bạn đang tiến gần đến tuổi 40 hay đã 40? Vậy một số điều sau đây bạn cần phải làm để có sức khỏe cường tráng và khỏe mạnh hơn so với tuổi trung niên của mình, theo boldsky.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.