Lăng kính bạn đọc:

Phải giữ chữ tín mới phát triển bền vững!

M.Giao
M.Giao
07/12/2023 06:07 GMT+7

Bạn đọc cho rằng doanh nghiệp VN phải hết sức lưu ý quy định về kiểm dịch của các đối tác, và phải nghiêm túc thực hiện đúng, không để xảy ra trường hợp phía bạn yêu cầu tiêu hủy hàng do phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.

Thông tin cho Thanh Niên, bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC (có văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản), cho biết doanh nghiệp (DN) này vừa thiệt hại hàng trăm triệu đồng, liên quan đến 2 lô hàng sầu riêng, ớt nhập khẩu từ VN bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.

Cụ thể, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một DN lớn tại VN từ ngày 5.10, với giá 132.000 đồng/kg. Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.

Lăng kính bạn đọc: Phải giữ chữ tín mới phát triển bền vững! - Ảnh 1.

Văn bản thông báo từ cơ quan kiểm dịch Nhật Bản về lô sầu riêng 1,4 tấn nhập khẩu từ VN tồn dư thuốc bảo vệ thực vật

P.H

Còn với lô hàng hơn 4 tấn ớt, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm với 4 hoạt chất thì có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.

Theo bà Oanh, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đang áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ VN, khiến các DN tốn kém nhiều chi phí, thời gian hàng lưu kho kéo dài ảnh hưởng đến khâu phân phối, tiêu thụ.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại VN tại Nhật Bản, cho biết nước này thị trường có tiêu chuẩn rất cao đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là trái cây. Khi đã thâm nhập được vào thị trường này thì xuất khẩu sẽ ổn định và lâu dài, nhưng các DN phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, giá bán và sản lượng cung ứng.

Ông Minh khuyến cáo các DN xuất khẩu VN khi kinh doanh với Nhật Bản không nên dừng ở việc mua đứt bán đoạn mà nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm của mình được thị trường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, nhằm tránh những rủi ro không đáng có.

Ủng hộ siết chặt chất lượng sản phẩm

Nói về sự việc phía Nhật Bản buộc tiêu hủy 2 lô hàng sầu riêng, ớt VN do phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, bạn đọc (BĐ) An Doan bức xúc: "Việc này không những cảnh tỉnh người trồng, mà đòi hỏi các nhà vườn cần phối hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu giai đoạn nào nên sử dụng, khi nào thì ngưng. Sức khỏe con người là quan trọng".

Cùng quan điểm, BĐ Toản Trần cho biết thêm: "Ủng hộ các nước siết chặt chất lượng nhập khẩu. Tôi thấy có nơi hái sầu riêng từ già đến non rồi dùng hóa chất làm chín ép dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm, ảnh hưởng đến uy tín nông sản VN về lâu về dài". BĐ Mi Thứ cũng bày tỏ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của cơ quan kiểm định phía Nhật. DN VN cần thay đổi cách làm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong và cả ngoài nước". BĐ Lan Bui nhấn mạnh: "Ở đâu cũng phải an toàn thực phẩm, tốt cho người dùng".

Trong khi đó, BĐ thanhphong.kg@gmail.com bức xúc: "Sao không công khai tên các DN vi phạm quy định về mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc các loại hóa chất? Thể diện của một nhóm cá nhân, DN không thể đặt cao hơn lợi ích của quốc gia được!".

Không để xảy ra trường hợp tương tự

Về vấn đề làm gì để không xảy ra trường hợp tương tự, BĐ Liên Anh chia sẻ: "Tôi từng có kinh nghiệm làm việc với phía Nhật Bản, thấy tiêu chuẩn của họ rất khắt khe. Trước khi mua hàng, người Nhật khảo sát đánh giá đối tác rất kỹ, phải 3-5 chuyến, và khi chọn mặt gửi vàng, họ cứ vậy mua bán không thay đổi. Còn ta, có DN chạy theo lợi nhuận, ép người dân giá bán và sản lượng mà không buộc họ làm đúng quy trình, tiêu chuẩn xuất khẩu mà khách yêu cầu. DN xuất khẩu như vậy thì nên rút giấy phép. DN nào làm không được thì để DN khác làm, chứ làm như vậy rất mang tiếng cho thương hiệu VN trên trường quốc tế".

Đồng ý kiến, BĐ Tử Hoàng nói thêm: "DN không nên và không ai mua đứt bán đoạn như thế với đầu cung cả, hàng xuất, nhất là với những đối tác khó tính như Nhật, sẽ dễ bị trả về, bị đền đơn hàng như chơi. Cùng nhau xây dựng giá trị bền vững thì nông dân và thương lái lẫn DN sẽ thuận buồm xuôi gió hằng năm. Nhưng một trong ba bên mà có tính chất gian dối (nông dân hoặc thương lái… không minh bạch, vẫn dùng thuốc bảo vệ thực vật cao, kích trái hoặc bẻ non...) thì khi bị phát hiện, sẽ làm DN và kể cả thị trường tiêu thụ quay lưng, làm mất lòng tin vào nông sản VN".

BĐ My Quyen Nguyen Thi góp ý: "Mong các bác làm ăn phải nghĩ đến đời sau, giữ tiếng thơm cho VN. Làm ăn mà mất uy tín, ai muốn mua hàng mình nữa?". BĐ Vo Phong cũng lưu ý: "Làm ăn phải giữ chữ tín mới tồn tại lâu dài được. Ngành nghề nào cũng vậy. Phải có liên kết từ người trồng đến người xuất khẩu và có chế tài nghiêm khắc đối với những đơn vị vi phạm".

Là tai nạn hay tự mình gây ra? Cần thay đổi cách làm, và làm cho có tâm thôi. Chứ không có tai nạn gì cả! 

Đỗ Duy

Ở đâu thì thực phẩm cũng là sản phẩm dành cho con người. Làm ơn làm cho sạch vì sức khỏe con người. Vậy mới phát triển bền vững được. 

 Hoàng Thanh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.