Phải đánh sập website bán hàng giả, hàng nhái

Chí Hiếu
Chí Hiếu
19/04/2019 08:11 GMT+7

Ở nhiều nước, website bị phát hiện bán hàng giả lập tức bị đóng cửa, trong khi chế tài ở VN còn nhiều lúng túng.

Ngày 18.4, Bộ Công thương tổ chức hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử” và tổ chức ký cam kết với một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn trong việc “nói không với hàng giả trên TMĐT”.
Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu, hàng giả, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã giao Ban chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng kế hoạch chuyên đề chống kinh doanh hàng giả trên TMĐT. “Bản kế hoạch đang được lấy ý kiến các bộ, ngành và dự kiến sẽ được Trưởng ban Chỉ đạo 389 ký ban hành vào tháng sau”, ông Thế nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhìn nhận môi trường internet làm môi giới, trung gian cho kinh doanh bán hàng giả, hàng nhái và tình trạng này đang làm méo mó thị trường, gây thất thu ngân sách, người tiêu dùng bị phương hại.
Ông Đặng Hoàng An dẫn chứng, khi lên mạng tìm từ khóa “Gucci” thì ông hoa mắt bởi hàng loạt trang Gucci, Gucci fake, Gucci fake xịn… hiện ra với vô số giá rao bán khác nhau…
“Phải có chế tài mạnh. Tại sao không đánh sập website, thu tên miền nếu phát hiện bán hàng giả. Phải gắn trách nhiệm của người cung cấp máy chủ, domain, dịch vụ internet… trong việc chống hành vi kinh doanh hàng giả trên TMĐT”, ông An đặt vấn đề.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh thanh tra Bộ KH-CN, cho biết chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, 60% đơn thư Thanh tra Bộ KH-CN nhận được liên quan tới vi phạm sở hữu trí tuệ trong TMĐT. Bà Quỳnh cũng thừa nhận, ở nước ngoài, bán hàng giả thì lập tức bị đóng cửa luôn website. Còn với chúng ta, thời gian gần đây Bộ KH-CN đã ban hành một số quy định về xử lý xâm phạm trên internet, hoặc cùng Bộ TT-TT ban hành thông tư liên tịch xử lý tên miền vi phạm liên quan tới kinh doanh hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ...
“Nhưng việc xử lý các sàn giao dịch còn kém, mặc dù trong Hiệp định CPTPP chúng ta có cam kết. Do đó, việc bổ sung chính sách điều chỉnh, chế tài là vô cùng cần thiết. Tới đây VN không chỉ xử lý tên miền .vn vi phạm mà cả các tên miền .com”, bà Quỳnh nói.

“Cột” trách nhiệm của sàn Thương mại điện tử

Trong khi đó, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho rằng ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý thì các sàn TMĐT cũng phải tăng cường trách nhiệm, như việc có công cụ sàng lọc thường xuyên với người bán. Bởi theo ông Linh, “mở sàn tức là mở chợ, nên không thể đổ cho việc không kiểm soát được người đưa hàng vào chợ của mình, nhất là những vụ việc gần đây cho thấy không ít sàn rao bán cả hàng cấm, thậm chí là vũ khí”.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, cho hay cơ quan này mời 5 sàn TMĐT nội vào loại lớn nhất ký cam kết "nói không với hàng giả trong TMĐT" bên lề hội thảo chính là để từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sàn TMĐT.
Theo đó, các sàn TMĐT này sẽ gắn logo “Nói không với hàng giả” trên website, nhằm minh bạch thông tin về số hotline, quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại về hàng giả khi mua sắm trên các sàn. Đồng thời, Cục cũng giao Phòng Quản lý TMĐT thường xuyên rà soát, phân loại các website, từ đó giúp nhận diện các nhóm website vi phạm nhiều để tập trung xử lý. Ông Hải cho biết thêm, ngoài các sàn TMĐT thì Cục cũng đã lên kế hoạch để tiến tới ký cam kết với một số mạng xã hội như Facebook, Zalo... trong việc nói không với hàng giả, hàng nhái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.