Phải cưỡng chế thu hồi 'đất vàng' 419 Lê Hồng Phong

08/03/2024 16:44 GMT+7

Sau gần 3 năm ban hành quyết định thu hồi khu 'đất vàng' 419 Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM) nhưng doanh nghiệp không bàn giao, Sở TN-MT cho rằng phải cưỡng chế.

Sáng 8.3, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND Q.10 Huỳnh Văn Tâm cho biết, Công ty CP giáo dục Sài Gòn (tên cũ là Công ty CP giày Sài Gòn) vẫn đang sử dụng khu đất rộng 10.936 m2 tại số 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10) dù UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi từ tháng 5.2021.

[FLYCAM] Đất vàng 419 Lê Hồng Phong trong diện cưỡng chế vẫn tấp nập giao hàng

Sau khi TP.HCM ban hành quyết định thu hồi, doanh nghiệp làm đơn khiếu nại. Tháng 8.2023, UBND TP.HCM ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, khẳng định việc thu hồi khu đất trên là đúng pháp luật. Tiếp đó, doanh nghiệp gửi văn bản khiếu nại lần 2 lên Bộ TN-MT.

Hiện chính quyền TP.HCM đã có chủ trương đầu tư trường THCS đạt chuẩn quốc gia trên khu đất này, nhưng đang còn chờ mặt bằng.

Phải cưỡng chế thu hồi 'đất vàng' 419 Lê Hồng Phong- Ảnh 1.

Khu đất 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10, TP.HCM) vẫn đang bị chiếm dụng trái phép

NGỌC DƯƠNG

Là cơ quan được giao rà soát hồ sơ khiếu nại, Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Bảy cho hay, quy trình giải quyết khiếu nại đã được TP.HCM thi hành đúng pháp luật. Do vậy, bước tiếp theo cần phải cưỡng chế.

Nhìn nhận việc cưỡng chế khu đất có diện tích lớn như 419 Lê Hồng Phong sẽ rất phức tạp, ông Bảy đề nghị UBND Q.10 căn cứ quy định pháp luật để cưỡng chế. Sở TN-MT sẽ phối hợp cùng địa phương triển khai các bước chặt chẽ, đúng quy định để tránh phát sinh khiếu kiện.

Liên quan đến khu đất này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu giao Sở TN-MT hướng dẫn cụ thể về cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục triển khai các bước để tiến hành cưỡng chế, thu hồi khu đất số 419 Lê Hồng Phong để xây trường học.

Xem nhanh 20h ngày 10.3: Chuyện lạ ở đất vàng Lê Hồng Phong | Xác minh tin thất thiệt ‘tài xế cháu bộ trưởng’

Lịch sử khu đất 419 Lê Hồng Phong

Theo hồ sơ, trước ngày 30.4.1975, Công ty giày Sài Gòn là hãng giày Bata. Ngày 25.10.1975, Tổng cục Công nghiệp nhẹ ban hành quyết định công quản toàn bộ số vốn và tài sản kinh doanh của Xí nghiệp giày Bata. Tháng 4.1993, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành quyết định thành lập Nhà máy giày Sài Gòn, rồi sau đó đổi tên thành Công ty giày Sài Gòn.

Đến tháng 8.2000, Sở Địa chính - Nhà đất (nay là Sở TN-MT) ký hợp đồng cho thuê đất với Công ty giày Sài Gòn tại số 419 Lê Hồng Phong vào mục đích sản xuất kinh doanh.

Tháng 11.2003, Công ty giày Sài Gòn cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty CP giày Sài Gòn, vốn điều lệ 16,5 tỉ đồng, nhà nước nắm giữ 51% cổ phần. Năm 2015, nhà nước thoái vốn, 100% vốn của công ty này do tư nhân nắm giữ.

Theo Sở TN-MT, sau khi nhà nước thoái vốn, tư nhân nắm giữ công ty và bắt đầu có nhiều hoạt động sử dụng đất sai mục đích. Theo kết quả kiểm tra hoạt động của Công ty CP giày Sài Gòn và Công ty TNHH Thành Bưởi vào tháng 9.2016, UBND Q.10 xác định có hoạt động bến xe "trá hình".

Tháng 3.2017, Sở TN-MT thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai, môi trường và tài nguyên nước tại khu đất 419 Lê Hồng Phong và ban hành quyết định xử phạt 720 triệu đồng. Đến ngày 28.5.2021, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.