Phải có 'van, khóa' chặt chẽ, tránh thu hồi đất tràn lan

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/09/2023 06:22 GMT+7

Chiều 28.9, trong buổi làm việc cuối cùng của phiên họp 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về những vấn đề lớn của luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp 6 vào tháng 10 tới đây.

Tránh thu hồi đất tràn lan

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Đất đai sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh cho hay hiện vẫn còn 13 vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau. Trong đó, liên quan tới quy định về thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, ông Thanh cho hay dự thảo luật trình QH tại kỳ họp 5 quy định 3 nhóm trường hợp thu hồi đất, gồm: xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; xây dựng dự án, công trình khác.

Phải có 'van, khóa' chặt chẽ, tránh thu hồi đất tràn lan  - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Tuy nhiên, qua rà soát thì một số dự án, công trình được phân loại vào từng nhóm chưa tương thích, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không phân nhóm các dự án, công trình mà quy định liệt kê trực tiếp các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình cụ thể.

Theo ông Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm rõ ràng cho việc áp dụng thực hiện; đồng thời, khống chế các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm chỉ thu hồi đất trong các trường hợp luật định, không thu hồi đất tràn lan. Bên cạnh đó, dự án, công trình thuộc trường hợp này không đồng nghĩa với việc đương nhiên nhà nước được thu hồi, mà phải đáp ứng điều kiện cần và đủ quy định tại các điều khác trong luật. Tuy nhiên, quy định theo hướng liệt kê có hạn chế là không dự liệu được những trường hợp thu hồi đất khác để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đối với các dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở thương mại và kinh doanh dịch vụ cũng được liệt kê như một trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo ông Thanh, dự thảo luật chỉnh sửa theo hướng phải là các dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy vậy, việc giao HĐND cấp tỉnh quyết định dự án trọng điểm là nội dung mới, cần tiếp tục xin ý kiến các cơ quan, địa phương để nghiên cứu, quy định cho phù hợp.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cho rằng quy định về thu hồi đất là vấn đề đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp tới cuộc sống, sinh kế của nhiều người dân. Bày tỏ tán thành hướng tiếp cận quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất, song ông Cường đề nghị tiếp tục rà soát làm rõ từng trường hợp mới được bổ sung so với dự thảo trước đây. Tổng thư ký QH cho rằng thực tế có trường hợp chưa được liệt kê, dẫn đến thiếu nên nếu không có điều "quét" thì sau này lại phải sửa luật. Tương tự, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng việc liệt kê quá chi tiết có thể dẫn đến thiếu, luật dễ bị lạc hậu so với thực tiễn rồi lại phải sửa.

Phút cuối Quốc hội thấy chín muồi mới quyết

Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hiện còn 13 vấn đề so với 27 vấn đề cần xin ý kiến tại phiên họp trước đã thể hiện sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo và cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng việc nhiều quy định tại dự thảo để 2 phương án "đáng ra không nên" vì "bản thân mình chưa rõ mình mới để 2 phương án". Về vấn đề thu hồi đất, Phó thủ tướng thừa nhận, dự thảo hiện đưa ra danh sách liệt kê nhưng nếu thực tế phát sinh dẫn đến thiếu "thì rất gay".

Phút cuối mà QH thấy chín muồi mới quyết. Quan trọng là từng phương án nêu rõ ưu, nhược điểm, cơ sở chính trị, thực tiễn, pháp lý thế nào để khách quan, công khai, minh bạch. Khi đó gần 500 đại biểu đủ trí tuệ để quyết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh khẳng định, các cơ quan qua nghiên cứu thì thấy rằng tối ưu là liệt kê các trường hợp thu hồi đất nhưng phải có điều "quét" để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển. Ông Khánh khẳng định, trường hợp thu hồi trong điều "quét" đó phải nằm trong quy hoạch được phê duyệt.

Cho ý kiến, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh đạo luật có tầm quan trọng đặc biệt, khó, phức tạp, tác động lớn phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng, đối nội, đối ngoại, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Theo Chủ tịch QH, một số nội dung quan trọng của dự án luật tới nay vẫn đang trong quá trình xem xét lựa chọn phương án tối ưu. Do đó, Chủ tịch QH đề nghị Bộ TN-MT tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có quan điểm đối với nội dung Ủy ban Kinh tế nêu ra.

Dẫn quy định trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng theo hướng liệt kê, Chủ tịch QH nói rằng trong cuộc sống không thể nào liệt kê hết được. Chủ tịch QH đồng tình việc phải thiết kế điều "quét" để tránh khi có phát sinh lại nói luật không có quy định thì lại đóng hết các cửa. "Quét nhưng phải có van, khóa chặt chẽ. Chúng ta nói trường hợp thu hồi phải phù hợp quy hoạch nhưng quy hoạch nào thì phải làm rõ", Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Với các nội dung còn 2 phương án, Chủ tịch QH cho rằng "không nên đóng lại ngay". "Phút cuối mà QH thấy chín muồi mới quyết. Quan trọng là từng phương án nêu rõ ưu, nhược điểm, cơ sở chính trị, thực tiễn, pháp lý thế nào để khách quan, công khai, minh bạch. Khi đó gần 500 đại biểu đủ trí tuệ để quyết", Chủ tịch QH nói.

 Băn khoăn đề xuất giao 97 ha đất sân bay Long Thành cho Đồng Nai

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến tờ trình điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết số 53 năm 2017 về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành (Đồng Nai). Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 4 nội dung: giảm tổng mức đầu tư dự án; điều chỉnh diện tích đất thu hồi; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, và bổ sung nội dung về bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Trong đó, Chính phủ đề nghị giảm thực hiện đầu tư đối với diện tích đất phân khu III - khu dân cư, tái định cư Bình Sơn 97 ha và giao diện tích đất đã thu hồi này UBND tỉnh Đồng Nai quản lý, sử dụng để phục vụ phát triển KT-XH của địa phương. Đối với phần kinh phí bồi thường của khu đất nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai sử dụng nguồn vốn ngân sách của tỉnh để hoàn trả ngân sách T.Ư.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết cơ quan thẩm tra cho rằng diện tích đất đã thu hồi để thực hiện Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn thì giao địa phương quản lý, sử dụng theo đúng mục đích thu hồi của dự án hoặc bố trí sử dụng vào mục đích khác của dự án trong dài hạn. "Trường hợp thực sự không sử dụng đến mới xem xét giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng", ông Thanh nhấn mạnh.

Báo cáo thêm sau đó, ông Thanh cho biết rất băn khoăn với đề xuất này vì trước đây ngân sách T.Ư bố trí để thu hồi đất và nay Đồng Nai đề nghị trả lại cho ngân sách T.Ư. "Thu hồi đất cho tái định cư mà nay không sử dụng đúng mục đích, nếu sử dụng cho nhà ở thương mại hay dự án bất động sản gì đó thì sẽ gây khiếu kiện", ông Thanh lo ngại và đề nghị Ủy ban Thường vụ QH hết sức cân nhắc vấn đề này.

Cũng trong chiều 28.9, Ủy ban Thường vụ QH đã bế mạc phiên họp 26.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.