Phải có tâm thế chấp nhận ngày bị chấm dứt hợp đồng

30/08/2018 07:06 GMT+7

Mấy năm gần đây, cứ mỗi dịp chuẩn bị vào năm học mới là y như rằng lại có thông tin tỉnh này tỉnh khác chấm dứt, không ký tiếp hợp đồng với hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn giáo viên (GV).

Mới mấy tháng trước, sự việc hơn 500 GV ở H.Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị huyện chấm dứt hợp đồng đã làm dư luận dậy sóng. Hình ảnh các GV hợp đồng bị mất việc tập trung ở phòng giáo dục với những đôi mắt đỏ hoe, khuôn mặt thất thần có lẽ chẳng còn xa lạ vì chuyện ký rồi không ký hợp đồng nữa đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Chuyện mất việc là nỗi lo thường trực với các GV hợp đồng và đôi khi nó trở thành sự ám ảnh tới mức đẩy người ta tới chỗ có những hành vi bột phát làm mất đi hình ảnh của một người thầy.

Tôi dù đã công tác được 10 năm nhưng chỉ là hợp đồng không xác định thời hạn chứ không phải là biên chế. Ngôi trường tôi công tác từ 10 năm nay không hề có biên chế mới mà chỉ có hợp đồng dài hạn. Tất cả các GV hợp đồng như tôi luôn xác định một tâm thế phải chấp nhận nếu như một ngày nào đó mình bị chấm dứt hợp đồng. Nguy cơ mất việc có thể đến bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, mỗi người chúng tôi luôn cố gắng không ngừng để khẳng định năng lực của bản thân đồng thời cũng chính là để nếu có bị chấm dứt công việc hiện tại thì mình cũng không bị chết đói.
Đã có một số đồng nghiệp của chúng tôi bị thôi việc vì nhiều lý do khác nhau. Tất cả họ đều đã đi tìm cho mình những công việc mới, đều ổn định sau những ngày khó khăn ban đầu. Có người làm ngân hàng, có người đi bán sơn, có người bán hàng online, có người làm cán bộ bán chuyên trách ở ủy ban xã phường... Công việc dù có thể không đúng chuyên ngành nhưng họ vẫn sống và thậm chí còn sống tốt hơn so với trước đây.
Nghề giáo cũng chỉ là một trong vô vàn nghề nghiệp lương thiện để kiếm sống. Nó chỉ đặc biệt hơn các nghề khác ở chỗ sản phẩm nó cung cấp cho xã hội là con người với tri thức và đạo đức. Các thầy cô giáo phải luôn xác định rằng mình không phải là người làm công việc cao quý nên xã hội phải đối xử đặc biệt hơn với mình. Tại sao những ngành nghề khác người lao động cũng phải đối mặt với nguy cơ mất việc nhưng không thấy ai than khóc mà luôn đứng dậy tiếp tục tìm kiếm một công việc khác? Tại sao có những người như hai vợ chồng thạc sĩ sẵn sàng nghỉ việc mở quán chè để chăm con bị bệnh hiểm nghèo trong khi công việc của họ vừa là đúng chuyên ngành vừa có thu nhập cao như mơ ước của bao nhiêu người?
Tôi rất thích một câu trong truyện ngắn Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Tôi tin mất việc chỉ là một ranh giới mà tôi và bất cứ một người lao động bất kỳ nào cũng sẽ có lúc phải đối mặt mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.