Phải có kế hoạch hành động để thân thiện hơn

29/07/2018 14:08 GMT+7

Thạc sĩ Trịnh Lê Anh (ảnh), Khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH - NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng chúng ta phải có kế hoạch hành động để thân thiện hơn.

Theo ông, sự thân thiện của người dân cũng như hướng dẫn viên du lịch của VN đang ở mức độ nào?
Thực ra, vị trí trong bảng xếp hạng thân thiện của chúng ta cũng không lạc quan lắm. Tôi đi nhiều, cũng quan sát và luôn trong tâm thế so sánh, để có kiến giải nhằm đưa du lịch VN tốt hơn. Chúng ta có điều kiện, có tố chất, có năng lực để hành động thân thiện. Bây giờ, thân thiện không chỉ là một tính từ nữa, mà còn phải là một động từ. Có nghĩa là người ta phải chủ động hành động thân thiện. Nhưng chúng ta thiếu ở chất động từ của từ đó. Chúng ta không có kế hoạch hành động để trở thành thân thiện.
Tôi vẫn nói vui với bạn bè, phải chăng người VN hơi yếu về thể hiện. Tức là chúng ta không được bảo cho để biết làm thế nào là thân thiện, rồi muốn thân thiện thì làm thế nào. Chúng ta không được hướng dẫn về hành vi. Rồi chúng ta hiếu khách nhưng lại ngại ngùng. Nụ cười của chúng ta phần lớn là nụ cười trừ và những cái thẹn thò, hay những tò mò không giấu nổi biến thành nụ cười, chứ chẳng phải nụ cười thân thiện thật sự. Và du khách rất thông minh, họ không khó để nhận ra điều đó. Nếu đặt sự đón tiếp của những người dân ở những vùng du lịch trên thế giới cạnh nhau để đo độ thân thiện thì tôi tin rằng vị trí của chúng ta không cao.
Ông vừa nói đến việc có những cẩm nang hướng dẫn thân thiện. Nghe có vẻ giống như bộ quy tắc ứng xử trong du lịch của ta. Ông có thể nói kỹ hơn?
Chúng ta có bộ quy tắc ứng xử trong du lịch cho cả khách và hướng dẫn nhưng địa chỉ của nó rất lờ mờ. Nếu cho khách thì cần phải bằng tiếng nước ngoài, được gửi trao tận tay cho khách tại các khách sạn, hoặc ở ngay sân bay, chuyển qua hướng dẫn viên. Nhưng nó không như vậy.
Cẩm nang hướng dẫn thân thiện có thể chỉ là truyền thông về những người tốt việc tốt đó. Nó có tác động rõ ràng, là lời hiệu triệu. Người này nói đến, người kia nói đến thì tự dưng xã hội có sự thức tỉnh, người ta sẽ suy nghĩ về điều đó, và khi gặp hoàn cảnh tương tự, họ sẽ làm theo.
Ông có nghĩ là nên khen thưởng những "đại sứ du lịch nhân dân" như trường hợp "giải cứu" du khách Tây Ban Nha vừa rồi?
Những hành động như Báo Thanh Niên vừa phản ánh, đó là hành động tự thân, nó thật lắm. Nó hay nhất vì nó thật, không bị giấu dưới lớp mặt nạ nào cả. Song cũng không nên khen thưởng rầm rộ việc này. Theo tôi hãy để câu chuyện về sự vô tư đó thành giá trị cộng đồng, thành câu chuyện văn hóa sống của cộng đồng.
Về vấn đề khung pháp lý để giảm hành vi xấu trong kinh doanh du lịch, ông nghĩ thế nào?
Khung pháp lý ngăn những hành vi xấu được bộc lộ bằng các quy phạm cho ngành du lịch, tiêu biểu là cảnh sát du lịch. Chúng ta đã nói mãi câu chuyện này, mà VN vẫn chưa có. Những vấn đề du lịch không một ai trong ngành du lịch có thể giải quyết được. Muốn xử lý vi phạm du lịch lại liên quan đến nhiều ngành. Vì thế, nếu không có cảnh sát du lịch thì sẽ rất khó, không thể xử lý được.
Ở Hội An, có việc các tài xế xe ôm nhắc nhau không được chạm vào khách. Điều đó có phải do giáo dục hay là bản tính của cộng đồng này vốn hiền lành có ý thức, thưa ông?
Tôi nghĩ đúng là có bàn tay của giáo dục. Đó là giáo dục trong một quy mô đủ nhỏ, để người ta nhận thức được lợi ích của du lịch mang lại. Hội An là địa phương được tiếp cận du lịch rất sớm, nên đã có sự thay đổi sớm. Và văn hóa du lịch ở đó cũng tăng lên nhờ dấu ấn của các đơn vị làm tour nước ngoài.
Ở Hội An, doanh nghiệp bán được homestay cho khách thì họ sẽ theo dõi cả việc bà chủ cười thế nào, nấu có ra gì không, móng tay của bà ấy ra sao cho phù hợp với dòng khách. Doanh nghiệp đã bỏ rất nhiều tiền qua nhiều năm để giáo dục cộng đồng của chúng ta thân thiện. Chúng ta nên khuyến khích doanh nghiệp làm điều này.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.