Phác họa chân dung ‘sếp nhà người ta’ hậu dịch Covid-19

28/04/2021 15:42 GMT+7

"Thấu cảm và lòng trắc ẩn là những điều cần được ưu tiên khi khủng hoảng xảy ra, sau đó mới đến doanh nghiệp" - Josh Bersin, nhà sáng lập học viện lớn bậc nhất thế giới về nhân sự khẳng định.

Nghĩa là, trong giai đoạn hiện tại, khi dịch Covid-19 xảy ra, đây là thời điểm buộc các nhà lãnh đạo phải trau dồi thêm “kỹ năng” thấu cảm.

“Kỹ năng” thấu cảm giữa thời “bình thường mới”

Theo báo cáo của McKinsey - công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh, một ảnh hưởng dễ thấy nhất mà dịch Covid-19 để lại chính là sự gia tăng nhanh chóng của hình thức làm việc từ xa, dẫn đến thực trạng “xa mặt cách lòng” trong nội bộ doanh nghiệp. Cộng dồn với việc bị bao vây bởi tin tức về đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu, sự hoang mang của nhân viên có xu hướng bị đẩy lên mức “báo động đỏ”.
Thắt chặt kết nối và củng cố lòng tin của nhân viên với công ty chính là thách thức đặt ra cho các nhà lãnh đạo, và đây là lúc “kỹ năng” thấu cảm được nhắc đến như một chiếc chìa khóa vạn năng. Nếu như trước đây, thấu cảm chỉ được đề cập như một phẩm chất nên có của nhà lãnh đạo, thì trong giai đoạn hậu dịch Covid-19, thấu cảm nhanh chóng leo lên đầu bảng những “kỹ năng” cần có.
Kỹ năng thấu cảm của nhà lãnh đạo được đề cao trong thời gian hậu dịch Covid-19

Kỹ năng thấu cảm của nhà lãnh đạo được đề cao trong thời gian hậu dịch Covid-19

Đại diện thành viên của Forbes Councils và là CEO của công ty giải pháp digital Cognizant Softvision đã khẳng định trên Forbes: “Kỹ năng thấu cảm là ưu tiên hiện tại với doanh nghiệp trong năm 2021. Để gia tăng tính thấu cảm, các nhà lãnh đạo cần trải nghiệm cuộc sống dưới lăng kính của nhân viên, công tâm nhìn nhận nỗ lực, giá trị của từng cá nhân trong công việc. Nơi nào mà nhân viên cảm nhận được sự quan tâm, nơi đó có tính thấu cảm”.
Với “kỹ năng” thấu cảm là chất xúc tác, các nhà quản lý mới có thể khiến đội ngũ lao động “tâm phục khẩu phục” và tự nguyện thắt chặt mối quan hệ. “Điều tiên quyết để nhân viên cảm nhận được sự thấu cảm từ lãnh đạo chính là sự thật. Vì vậy, ở bất cứ hoạt động nào, hãy dùng sự chân thành để giao tiếp”, bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc Phát triển thương hiệu Công ty nhân sự Talentnet nhấn mạnh.

Chân dung nhà lãnh đạo thấu cảm

Một nhà lãnh đạo thấu cảm trước tiên cần phải là một nhà giao tiếp mẫn cán, sẵn sàng trao đổi và chia sẻ với nhân viên. Jennifer Schawalb, CPO của Ceros chia sẻ: “Khi làn sóng đầu tiên của đại dịch Covid-19 ập đến, tôi đã có cơ hội kết nối với toàn bộ nhân viên từng người một. Tôi đã gọi cho 220 người trong vòng 38 ngày. Chúng tôi buộc phải giữ vững doanh số, nhưng trên hết, đó chính là xây dựng một môi trường làm việc hạnh phúc cho tất cả nhân viên mà ở đó họ được lắng nghe, sẻ chia và được cập nhật thông tin liên tục”.
Theo báo cáo “Covid-19 Trust Barometer”, 78% người trả lời hy vọng rằng bên cạnh sự quan tâm đến đội ngũ lao động, họ hy vọng công ty cũng làm tròn trách nhiệm bảo vệ cộng đồng. Nói cách khác, nhân viên đánh giá cao và sẵn sàng trao lòng trung thành cho doanh nghiệp nào tích cực thực thi trách nhiệm xã hội.

Lãnh đạo với nhân viên: Quan hệ “win - win” khi có thấu cảm là chất xúc tác

“Win-win” hay “đôi bên cùng có lợi” không chỉ là nguyên tắc trong đàm phán kinh doanh mà còn trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên chốn công sở. Bởi chỉ khi cả hai đều cảm thấy hài lòng và cùng mang đến lợi ích cho nhau thì đây mới là mối quan hệ bền vững.
Báo cáo của Forbes thực hiện năm 2020 đã chỉ ra rằng 82% người được khảo sát cho biết họ ưu tiên lựa chọn một tổ chức biết thấu cảm. Vì vậy, khi sở hữu những nhà lãnh đạo có “kỹ năng hợp thời” này, công ty dễ dàng quảng bá thương hiệu tuyển dụng và thu hút nhân tài. Một nghiên cứu khác của Accenture cũng công bố: 63% khách hàng sẽ chọn đối tác biết lắng nghe con người lẫn cộng đồng, đồng nghĩa với việc “chìa khóa” thấu cảm cũng “mở khóa” nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp ở giai đoạn “bình thường mới”.
Mối quan hệ giữa sếp với nhân viên sẽ trở nên bền vững nếu doanh nghiệp sở hữu những nhà lãnh đạo có khả năng thấu cảm

Mối quan hệ giữa sếp với nhân viên sẽ trở nên bền vững nếu doanh nghiệp sở hữu những nhà lãnh đạo có khả năng thấu cảm

Bà An Hà cho biết thêm: “Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi hầu hết các doanh nghiệp thắng giải Vietnam HR Awards của chúng tôi trong những năm gần đây đều thừa nhận sự gắn kết, thấu hiểu giữa các cấp lãnh đạo và nhân viên là nền tảng cho hiệu quả quản trị. Tính thấu cảm không nên chỉ là con đường một chiều từ phía nhà lãnh đạo, thay vào đó, lực lượng lao động của công ty cũng cần học hỏi và phát huy tinh thần này với đồng nghiệp, với sếp. Để làm được điều đó, nhân viên cần được cập nhật liên tục thông tin về doanh nghiệp cũng như được truyền cảm hứng thông qua các hoạt động tương tác, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa nhân viên với nhau và giữa sếp với nhân viên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.