Phá án từ tờ rơi quảng cáo 'bẩn'

02/06/2023 06:20 GMT+7

Từ manh mối số điện thoại in trên tờ rơi quảng cáo cho vay tiền nhanh dán tràn lan tại các trụ điện, trạm xe buýt, cột đèn, tường nhà người dân, công an đã quyết tâm đấu tranh, xử lý, triệt phá nhiều đường dây tội phạm cho vay nặng lãi.

Quyết tâm bóc trần băng nhóm tín dụng đen

Ngày 1.6, Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) cho biết đang tạm giữ Trần Ngọc Tùng (29 tuổi, quê Hải Phòng) để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Ngoài ra, công an quận này đã khởi tố (cho tại ngoại) Nguyễn Văn Thắng (29 tuổi, quê Hải Phòng) về cùng hành vi nói trên với vai trò đồng phạm.

Phá án từ tờ rơi quảng cáo 'bẩn' - Ảnh 1.

Tín dụng đen dán quảng cáo cho vay ở các trụ điện, tủ điện trên đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận

NHẬT THỊNH

Theo điều tra ban đầu của Công an Q.Tân Phú, đầu năm 2023, Tùng vào TP.HCM thuê nhà trên đường Trịnh Ðình Thảo (P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú) để hoạt động cho vay nặng lãi. Sau đó, Tùng thuê Thắng đi dán tờ rơi quảng cáo cho vay, với tiền công 9 triệu đồng/tháng.

Mỗi ngày, Thắng đi dán hơn 1.000 tờ rơi "vay tiền nhanh" trên các cột điện, tường nhà dân ở gần công ty, xí nghiệp vào khung giờ từ 2 - 4 giờ sáng, nhằm tìm kiếm khách hàng vay tiền.

Ðể không bị cơ quan chức năng phát hiện, Thắng thuê những người khác đi dán với tiền công từ 1,2 - 2 triệu đồng/tháng. Công an xác định, nhóm của Tùng hoạt động từ giữa năm 2022 đến nay. Chỉ tính đến tháng 5.2023, Tùng đã cho hơn 60 khách vay với mức lãi suất ghi nhận từ 25 - 36%/tháng, tương ứng từ 300 - 432%/năm.

Qua đấu tranh, Tùng khai nhận đã tiêu hủy các tài liệu, chứng cứ chứng minh hoạt động cho vay nặng lãi khi lực lượng chức năng đẩy mạnh truy quét tội phạm tín dụng đen.

Ðể triệt phá đường dây cho vay nặng lãi của Tùng và Thắng, một trinh sát cho hay gặp nhiều khó khăn trong quá trình truy xét được người cầm đầu là Tùng, "vì các đối tượng sử dụng rất nhiều cách để thử người liên hệ đến (số điện thoại trên tờ rơi - PV) có phải là người vay hay là cơ quan công an".

Phá án từ tờ rơi quảng cáo 'bẩn' - Ảnh 2.

Nguyễn Văn Thắng được đưa đi khắc phục hậu quả sau khi dán tờ rơi tín dụng đen

HOÀNG HUY

Sau khi đường dây cho vay nặng lãi của Tùng bị phát hiện, Công an Q.Tân Phú tiếp tục đấu tranh, tạm giữ 2 nghi phạm là Nguyễn Minh Tuấn (34 tuổi) và Nguyễn Thế Hiếu (54 tuổi, cùng ngụ Hà Nội, tạm trú Q.Tân Bình) để điều tra hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Tại cơ quan công an, Hiếu khai nhận cầm đầu đường dây. Theo lời khai của Hiếu, các tỉnh thành phía nam đang được xem là địa bàn ưa thích để các đối tượng tín dụng đen nhắm đến hành nghề. Trong quá trình hoạt động, nếu con nợ có ý định trốn nợ sẽ bị nhóm của Hiếu áp dụng nhiều cách hăm dọa từ gọi điện, đến nơi ở của con nợ, dọa người thân nhằm gây áp lực tâm lý, tinh thần con nợ.

Công an Q.Tân Phú cho biết đối với các trường hợp vi phạm dán tờ rơi tín dụng đen bôi bẩn phố phường, cơ quan công an kiên quyết yêu cầu đối tượng phải tự bóc gỡ và khôi phục tình trạng ban đầu tại các vị trí đã dán, vẽ. Còn nếu có hành vi sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm tùy theo tính chất, mức độ sai phạm.

Bóc gỡ quảng cáo ‘ngân hàng cột điện’ và nỗi bức xúc với tín dụng đen

Triệt tận gốc quảng cáo "bẩn"

Lãnh đạo Công an TP.HCM cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về quảng cáo để người dân tại các tổ dân phố, khu dân cư và cơ quan, doanh nghiệp nâng cao nhận thức; chủ động bóc gỡ, phát hiện ngăn chặn các hành vi quảng cáo sai quy định. Ðồng thời, tiếp tục truy xét băng nhóm hoạt động tín dụng đen từ thông tin tờ quảng cáo để xử lý triệt để, nghiêm minh.

VẤN ĐỀ LÀ QUYẾT TÂM LÀM RÕ

Để xử lý chủ nhân các số điện thoại cho vay từ các tờ rơi dán ở trụ điện, luật sư Phan Huy Thái Nguyên (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay quy định pháp luật hiện nay đã khá đầy đủ, vấn đề là cơ quan chức năng có quyết tâm làm rõ hay không.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP thì doanh nghiệp viễn thông di động chỉ được cung cấp dịch vụ viễn thông di động cho thuê bao sau khi đã hoàn thành việc rà soát, kiểm tra, đảm bảo thông tin thuê bao đã được đối chiếu, nhập, lưu giữ, quản lý đúng quy định.

Hiện nay vấn đề chính chủ số điện thoại đã đạt được kết quả tương đối nên truy chủ nhân số điện thoại trên các tờ rơi quảng cáo "bẩn", nếu quyết tâm làm rõ trên diện rộng thì sẽ góp phần rất lớn ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen lộng hành.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đánh giá, dán tờ rơi quảng cáo tín dụng đen là một vấn nạn xã hội, gây mất mỹ quan đô thị và nhiều hệ lụy từ việc cho vay tín dụng đen. Các đối tượng cho vay đánh vào tâm lý của người dân như thủ tục nhanh gọn, không cần chứng minh thu nhập, giải ngân nhanh chóng... Nhiều người dân thiếu cảnh giác, do cần tiền gấp nên chấp nhận vay mặc cho lãi suất "cắt cổ". Ðến khi không trả nợ đúng hạn thì không chỉ người vay tiền mà gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của người vay cũng bị "khủng bố" theo nhiều cấp độ khác nhau.

Cũng theo lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, thời gian qua, từ thông tin trên các tờ rơi, lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ án, băng nhóm cho vay nặng lãi. Ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng, người dân cần mạnh dạn tố giác, lên án cho vay nặng lãi, quảng cáo "bẩn". Ngoài ra, cần tăng nặng hình phạt để đủ sức răn đe, xử lý được vấn nạn cho vay nặng lãi, dán quảng cáo tín dụng đen.

Đập tan đường dây tín dụng đen thu lãi gần 1.300%/năm, thu lợi hơn 4.100 tỉ

Triệt phá nhiều đường dây quy mô cho vay nặng lãi

Thời gian qua, hàng chục vụ cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản bị Công an TP.HCM triệt phá.

Điển hình, ngày 28.5, Công an TP.HCM phối hợp Công an Q.10 khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Tuyết Sương (55 tuổi, Giám đốc Công ty Digital Credit); Trương Tuấn Tài (32 tuổi, Giám đốc Công ty Fincap VN) cùng 7 người là trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm 2 công ty trên và Công ty Sofi Solutions về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Công an xác định các công ty trên núp bóng dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính để hoạt động cho vay nặng lãi thông qua trang web tamo.vn và findo.vn.

Chỉ từ tháng 4.2019 đến nay, 3 công ty này đã giải ngân cho vay hơn 2 triệu lượt, tổng cộng hơn 6.000 tỉ đồng, thu lợi hơn 4.100 tỉ đồng. Mức lãi suất thấp nhất là 153 %/năm, cao lên đến hơn 1.200%/năm - gấp hàng trăm lần mức lãi cho vay theo quy định.

Hôm qua 1.6, Công an TP.HCM cho biết đang làm việc với người đàn ông mang quốc tịch một nước Đông Âu, nghi là người đứng sau điều hành các hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự của 3 công ty: Digital Credit, Fincap VN và Sofi Solutions. Theo cơ quan điều tra, từ các giấy phép hoạt động cũng như thành phần góp vốn thể hiện 3 công ty này đều do 2 doanh nghiệp tại Singapore đầu tư. Bản chất mối quan hệ các công ty này đều là do một tập đoàn ở Đông Âu đã thành lập 2 pháp nhân khác tại Singapore, rồi thông qua đó đầu tư vào VN.

Trước đó, ngày 29.5, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 11 bị can là giám đốc, trưởng nhóm của 3 công ty Tiếng Nói Hay, Golden, Bamboo điều hành hơn 32 ứng dụng cho vay tài chính về tội "cưỡng đoạt tài sản".

Các đối tượng chỉ đạo nhân viên đòi nợ theo nhiều cấp độ. Nếu không trả sẽ nhắn tin chửi bới, đe dọa chuyển hồ sơ vay của khách qua bộ phận đòi nợ để đe dọa nặng hơn như đăng hình, ghép ảnh lên Facebook, Zalo…

Trường hợp sau khi đòi nợ không hiệu quả, các app vay sẽ bán nợ cho các công ty luật núp bóng, công ty mua bán nợ, công ty tài chính… để tiếp tục đòi nợ bằng các thủ đoạn gọi điện khủng bố, đe dọa người thân, ghép ảnh vu khống đăng lên mạng xã hội nhằm bôi xấu, hạ thấp uy tín, danh dự người vay và người thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.