Phá 575 ha rừng để... chăn nuôi: Dừng ngay dự án bức tử rừng

10/08/2016 08:08 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Phá 575 ha rừng để... chăn nuôi trên Thanh Niên số ra ngày 9.8.

Một dự án lạ lùng
Hy sinh 575 ha rừng để phát triển chăn nuôi là một dự án quá lạ lùng, có lẽ chỉ tồn tại ở Bình Phước. Tôi tự hỏi chẳng lẽ Bình Phước hết quỹ đất để cấp cho doanh nghiệp làm dự án chăn nuôi hay sao mà phải phá rừng? Hay đằng sau dự án này là một cái gì khác chứ không phải vì nhu cầu cấp bách làm dự án? Thanh tra Chính phủ, các cơ quan quản lý rừng ở T.Ư cần phải thanh tra việc này để làm rõ những khúc mắc vừa nêu.
Võ Minh Luân
(Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Bỏ qua ý kiến của kiểm lâm ?
Khi phê duyệt dự án này liệu UBND tỉnh Bình Phước có tham khảo ý kiến của kiểm lâm Bù Đốp không? Những gì mà ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp phân tích là rất chính xác. Rừng có nhiều gỗ quý, là lá chắn phòng hộ mà đi phá để chăn nuôi, trồng cao su thì liệu cao su có sống nổi, có chăn nuôi được không khi không có lá chắn bảo vệ, khi bị lũ quét? Lẽ ra phải có ý kiến từ đơn vị bảo vệ rừng trước khi cho phép phá rừng hay không chứ?
Nguyễn Thanh Tài
(TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp)
Phớt lờ chỉ đạo của thủ tướng
Tháng 6.2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên. Tháng 7.2016, UBND tỉnh Bình Phước có văn bản thông báo kết luận của chủ tịch tỉnh cho phép thực hiện dự án chăn nuôi này. Như vậy, Chủ tịch tỉnh Bình Phước đã phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng, hay chỉ đạo này không đến được với tỉnh Bình Phước? Thiết nghĩ, cần phải làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh Bình Phước trong câu chuyện này. Nếu chủ tịch tỉnh phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng thì phải có biện pháp xử lý thích đáng.
Điểu Chương
(Q.5, TP.HCM)
Trần Hữu Thủy
Theo lời của kiểm lâm thì rừng bị chặt phá gắn với tiểu khu rừng phòng hộ, nếu phá rừng sẽ làm mất thế liên hoàn trong công tác bảo vệ rừng, ảnh hưởng hệ sinh thái tự nhiên. Mặt khác, sẽ ảnh hưởng đến thủy điện, đầu nguồn của sông... Ấy là chưa kể mưa lũ đến, mất rừng sẽ khiến những cơn lũ hung hãn hơn, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, đời sống của người dân. Đây là những thiệt hại quá nặng nề. Chẳng lẽ UBND tỉnh Bình Phước không thấy được điều này trước khi cấp phép phá rừng?
Trần Hữu Thủy
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Huỳnh Minh Đạt
Không biết dự án này được triển khai trong thực tế đến đâu nhưng thấy không khí, tiến độ chặt phá rừng rõ ràng là rất rầm rộ. Rừng là vàng, gỗ là vàng thì ai mà chẳng ham, nhất là khi đã có giấy phép đốn hạ. Nhìn cảnh cây rừng bị tàn phá mà xót lòng. Đâu dễ gì có được một khu rừng, những cây gỗ rừng to cao như vậy. Một đời người chưa chắc đã gây dựng nên được. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, cả một cánh rừng đã bị đốn hạ và san phẳng. Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này?
Huỳnh Minh Đạt
(Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
T.T - Duy Khang
 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.