PGS-TS Trần Hữu Tá: Thầy giáo tâm huyết và học giả uyên thâm

29/11/2022 07:15 GMT+7

Tôi được gặp thầy Trần Hữu Tá cách đây khoảng 30 năm. Ấn tượng về thầy - một nhà giáo tâm huyết với giáo dục - theo tôi từ đấy.

Người ảnh hưởng lớn đến các thế hệ giáo viên và sinh viên

Thầy cùng một số thầy cô bảo vệ công trình của mình để lấy học vị tiến sĩ thay vì học như các bạn bây giờ. Tôi được gặp nhiều anh chị giảng dạy bên Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM như GS-NGND Lê Trí Viễn, GS-TSKH Lê Ngọc Trà, PGS-TS Trần Hữu Tá, GS-TS Nguyễn Thị Hai, PGS-TS Phùng Quý Nhâm và một số thầy cô khác chuyển từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sau năm 1975. Trong số thầy cô kể trên, thầy Trần Hữu Tá là người vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sau cùng, nhưng theo tôi, thầy là một trong số những người có ảnh hưởng khá lớn với các thế hệ thầy cô giáo và sinh viên Khoa Văn.

Thầy Trần Hữu Tá trong một lần tư vấn trực tuyến tại Báo Thanh Niên

Đào Ngọc Thạch

Ảnh hưởng rất lớn không chỉ vì học thuật uyên thâm mà còn vì nhân cách sống của thầy: luôn biết lắng nghe, luôn biết chia sẻ từng bát cơm, từng tấm áo, từng chiếc cà vạt hay chiếc xe đạp cho học trò.

Ấn tượng của tôi về thầy Trần Hữu Tá là một người hóm hỉnh với nụ cười thường trực và ánh mắt tươi vui trên khuôn mặt. Thầy Trần Hữu Tá là người dễ gây cảm tình cho những người tiếp xúc nhưng cũng là một con người khó tính cực kỳ trong công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học và vì thế ông đòi hỏi rất cao từ học trò của mình, từ sinh viên đến học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nhiều người trưởng thành nhờ sự nghiêm khắc của thầy.

Mô phạm nhưng cởi mở; khéo léo trong cư xử đến mức tròn trịa nhưng không hề khách sáo, không hề…giả! Đó là tính cách của thầy.

Luôn trăn trở với giáo dục

Tôi còn nhớ những kỷ niệm với thầy. Đó là chuyến đi năm 1996 trong đoàn nghiên cứu về giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong các buổi tọa đàm, thầy luôn trăn trở về sự yếu kém của một vùng trũng về giáo dục, câu hỏi về một vùng đất phát triển nông nghiệp nhất nước ta mà sao vẫn chỉ là vùng có trình độ phát triển giáo dục phổ thông như Tây Bắc, Tây nguyên. Thầy đã nói nhiều về việc đào tạo giáo viên và nhất là thay đổi cách thức bồi dưỡng giáo viên bằng cách mở kênh truyền hình giáo dục cho riêng đồng bằng sông Cửu Long nhằm đưa giáo dục của vùng ngang tầm Đông Nam bộ (năm 1996, internet chưa phát triển ở Việt Nam như bây giờ) - đề nghị đã được đưa vào kiến nghị của đề tài do PGS-TS Nguyễn Tấn Phát làm chủ nhiệm.

Thầy Trần Hữu Tá với các học trò của mình

ảnh nhà giáo nguyễn văn cải cung cấp

Hồi cuối thế kỷ trước, nhóm nghiên cứu về văn hóa lịch sử địa phương do nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng chủ trì có tổ chức đến các địa phương để thực hiện nghiên cứu. Lần xuống Cà Mau, có thầy Trần Hữu Tá trong nhóm. Hôm ấy cả nhóm về đến TP.HCM khoảng 1 - 2 giờ sáng tôi vẫn thấy sự hồ hởi trên khuôn mặt của thầy dù chuyến đi rất vất vả, mệt mỏi.

Từ rất sớm, thầy Tá cùng các giáo sư như Bộ trưởng Trần Hồng Quân, Nguyễn Thế Hữu, nhà báo Vĩnh Thắng là 4 người tiên phong sáng lập “CLB Tư duy giáo dục” như một kênh phản biện, hiến kế cho xã hội và cho ngành giáo dục, CLB này họp định kỳ mỗi tháng một lần và hăng say cho mãi đến 2017. Những buổi gặp gỡ trao đổi đó tôi đều cảm nhận hết được trí tuệ và tâm huyết của thầy. Hầu hết các buổi gặp mặt này đều có mặt thầy Trần Hữu Tá cho đến 5 năm gần đây khi sức khỏe không cho phép thầy mới vắng mặt.

Trong những năm công tác tại trường và ngay cả khi đã nghỉ hưu, thầy vẫn miệt mài với công tác nghiên cứu văn học và giảng dạy. Nhiều tác phẩm của thầy đã được xuất bản như: Sách giáo khoa Văn 11, Văn 12, Tự điển Văn học, Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta, Nhìn lại một chặng đường Văn học, Từ điển Văn học bộ mới, Nguyễn Đổng Chi - Học giả - Nhà văn…(một số tác phẩm thầy Tá viết chung hoặc đồng chủ biên).

Thầy Trần Hữu Tá ít làm thơ (hay là tôi ít được đọc thơ ông) nhưng có một bài mà nhiều đồng nghiệp và học trò của thầy hay nhắc tới, đó là bài Điều mới lạ có đoạn:

Ngày ngắn lại và đêm như không có
Mỗi bước đi thêm chút ngỡ ngàng
Sông không sóng và chiều im gió
Nơi cuối trời lặng lẽ nửa vầng trăng.

Vâng, đêm qua đã khuất “Nơi cuối trời lặng lẽ nửa vầng trăng”

Xin vĩnh biệt thầy.

PGS-TS-nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Trương Vĩnh Ký, qua đời vào tối ngày 27.11, thọ 86 tuổi.

Linh cữu của PGS-TS-nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá được quàn tại Vãng sanh đường chùa Xá Lợi (Q.3, TP.HCM). Lễ động quan vào lúc 7 giờ 30 ngày 30.11, sau đó linh cữu được hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.