Petrovietnam làm chủ công nghệ bảo dưỡng các công trình dầu khí

26/11/2020 08:58 GMT+7

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa phối hợp cùng Báo Lao động tổ chức tọa đàm “Sáng tạo, làm chủ công nghệ trong bảo dưỡng các công trình dầu khí”.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí (Petrovietnam) chia sẻ rằng, 2020 là năm có một biến cố cực kỳ phức tạp khi ngành Dầu khí phải chịu tác động kép bởi dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, làm cho ngành Dầu khí tưởng như không thể gượng dậy và thực tế đã có rất nhiều công ty dầu khí trên thế giới đã phải lao đao, phá sản. “Nhưng với Petrovietnam, bằng sự cố gắng, nỗ lực của mình, những người lao động dầu khí đã viết lên câu chuyện sáng tạo, làm chủ công nghệ trên các công trình dầu khí để có thể duy trì hoạt động một các an toàn, ổn định, hiệu quả, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch trong điều kiện hết sức khó khăn”, ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Phó tổng giám đốc Đóng tàu Dung Quất (DQS) cho hay, hiện DQS đang đóng mới tàu 350.000 tấn phục vụ cho thị trường châu Phi. Trong 2 năm qua, DQS liên tiếp sửa chữa nhiều giàn khoan khai thác, trong đó có giàn Đại Hùng - một trong những giàn lớn nhất của Việt Nam với những yêu cầu rất khắt khe như phải làm sạch hơn 55.000m², hàng chục ngàn mét đường ống, thay hàng chục ngàn mét tôn chống gỉ… "Đại Hùng là giàn nửa nổi, nửa chìm nên việc kéo giàn vào bảo dưỡng là cực kỳ nguy hiểm và mất nhiều thời gian, nhưng nhờ việc khảo sát kỹ luồng lạch, chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới, DQS đã đưa được giàn Đại Hùng vào bờ an toàn. Một trong những sáng tạo quan trọng trong quá trình bảo dưỡng, DQS áp dụng giải pháp xông nitơ và nước vào trong các đường ống dẫn dầu, vừa giảm nguy cơ cháy nổ vừa rút ngắn thời gian được 18 ngày", ông Minh kể.
Còn ông Phan Tấn Hậu, Phó giám đốc Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (KVT) cho biết, Nhà máy xử lý Khí Dinh Cố đi vào hoạt động được 21 năm thì chỉ có lần đầu tiên bảo dưỡng tổng thể nhà máy là phải thuê nhà thầu Nhật Bản. Còn từ năm 2009 đến nay, toàn bộ công tác này đều được cán bộ công nhân viên PV GAS chủ động hoàn tất.
  Giàn khoan Đại Hùng trên đường lai dắt về DQS để bảo dưỡng ngay trong đại dịch Covid-19

Giàn khoan Đại Hùng trên đường lai dắt về DQS để bảo dưỡng ngay trong đại dịch Covid-19

Trong khi đó, theo ông Mai Xuân Ba, Phó Ban kỹ thuật công nghệ, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), hiện PV GAS đã tiên phong áp dụng các phần mềm quản trị trong toàn bộ hoạt động bảo dưỡng sửa chữa. Bất kỳ ở đâu, ở thời điểm nào, nhân sự PV GAS đều có thể theo dõi kiểm soát toàn bộ các hoạt động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa. “Công trình khí Nam Côn Sơn do PV GAS làm nhà điều hành nhiều năm liền đạt độ tin cậy 100% mà ngay cả trong giai đoạn do BP làm nhà điều hành cũng không thể đạt được”, ông Ba thông tin.
Với công tác vận hành, bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Mai Tuấn Đạt, Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết chúng ta đã giảm sự phụ thuộc vào nhà thầu, chuyên gia nước ngoài, tăng tỉ trọng tự thực hiện và sử dụng nguồn lực trong nước.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Trần Quang Dũng nhấn mạnh, Petrovietnam đã làm chủ kỹ thuật, công nghệ trong sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy khí, điện, đạm… mà trước kia phải thuê chuyên gia nước ngoài; đồng thời đặt mục tiêu đưa dịch vụ này vươn tầm quốc tế. “Điều này đã góp phần quan trọng vào việc hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường các sản phẩm lọc hóa dầu cạnh tranh khốc liệt, nhiều biến động thời gian gần đây”, ông Dũng nói.
Công suất các nhà máy trong Petrovietnam hiện duy trì ở mức cao so với thời điểm bắt đầu đưa nhà máy vào hoạt động. Những kỷ lục thời gian hoạt động liên tục được phá vỡ, chẳng hạn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã duy trì hoạt động được 1.800 ngày không có sự cố dừng máy ngoài kế hoạch (không tính thời gian tạm dừng vận hành để bảo dưỡng), Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành liên tục 330 ngày… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.