Patrick Levet - Hiệp sĩ Tây "ba lô" - Kỳ 2: Hành hiệp giang hồ

09/11/2004 21:56 GMT+7

Lênh đênh trên quần đảo Canary Hãy nói một chút về sự thành công của Patrick trên con đường võ thuật. Chỉ trong vòng 4 năm theo học võ, anh đã tham dự hai giải vô địch châu u, ba giải vô địch quốc gia (Pháp). Năm 1981, anh được chính thức làm phụ tá huấn luyện viên cho võ sư Nguyen Bernard, ở thành phố Lavalette.

Võ sư Nguyen Bernard có cha người Việt, mẹ gốc Đức, là một trong tám người thân cận nhất của thầy Phạm Xuân Tòng. Thời gian này Patrick và nhiều đồng môn khác cảm thấy bơ vơ, không biết rồi sẽ đi về đâu (!). Như mất một chỗ dựa tinh thần, ai ai cũng cảm thấy nuối tiếc về một thời hoàng kim. Đâu rồi "triết lý" cây tre mềm mại? Và giấc mơ một ngày nào đó đặt chân đến Việt Nam - đất tổ của Việt Võ Đạo, cứ ngày càng xa vời. Chính trong bối cảnh ngột ngạt này, Patrick muốn làm một cuộc bứt phá. Anh lựa chọn sự ra đi đến một chân trời xa lạ, thực hiện giấc mộng hải hồ.

Năm 1978, Patrick lần đầu đặt chân đến quần đảo Canary nằm ở bờ đông Đại Tây Dương quanh năm ngàn trùng sóng vỗ. Canary là quần đảo của châu Phi về mặt địa lý, nhưng thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha, cách thủ đô Madrid 3.500 km đường chim bay. Đời sống trên đảo là sự pha trộn của nhiều bản sắc khác nhau. Cư dân đảo có sinh hoạt khá sôi nổi, phóng túng. Patrick sống bằng nghề thông dịch viên kinh tế, chuyên dịch 3 thứ tiếng Tây Ban Nha, Anh và Pháp. Chiều chiều, sau một ngày làm việc, Patrick thường thả bộ dọc bãi biển thả hồn theo tiếng sóng, nghĩ suy về lời trách mắng của mẹ: "Có bao giờ con làm theo lời mẹ chưa?". Chọn con đường đi riêng của mình, anh thấy cuộc sống tự do hơn và hợp với "máu" phiêu lưu nhiễm vào anh từ thuở bé.

Điều may mắn là ở nơi tưởng như tận cùng này, bất ngờ Patrick gặp Olivier Godefroid, một võ sư hoàng đai tam đẳng Vovinam. Là học trò của võ sư Võ Tân Tiến ở Bỉ, Olivier đã ra sống tại đảo và dạy Vovinam từ năm 1985. Cả hai quyết định lập một nhóm cùng tập và biểu diễn võ thuật chuyên nghiệp. Có một huấn luyện viên Taekwondo tên Carlos cũng xin gia nhập. Vậy là từ đây "như cá gặp nước", Patrick tìm lại được môi trường hoạt động của mình. Các buổi biểu diễn đã gây tiếng vang và lôi kéo nhiều người đến xin học võ. "Thật ra cũng do Patrick vốn là dân học kinh tế trước khi chuyển qua chuyên ngành ngôn ngữ, nên biết cách tổ chức, phối hợp với các phương thức quảng cáo khéo léo, làm cho nhiều người thích võ hơn các môn thể thao khác". Lời bộc bạch chân tình của anh còn cho thấy một khía cạnh may mắn khác, là vùng đảo vẫn còn là miền đất trống (dù Olivier đã dạy trước đó) không có tổ chức võ thuật nào. Hạt giống gieo vào đất màu nhanh chóng mọc mầm và sớm đâm chồi nẩy lộc. Patrick mạo hiểm bỏ nghề, chuyển sang dạy võ chuyên nghiệp.

Thời gian này Patrick hoàn toàn bù đầu vào võ, dạy quần quật một tuần 54 tiếng. Anh dạy cùng lúc 4 môn: Vovinam, Kick boxing, Qwan ki do, Võ tự do cho lực lượng cảnh sát. Bắt đầu từ con số khiêm tốn với vỏn vẹn 6 học trò, đến năm 1992 riêng Patrick đã có 1.400 môn sinh, dàn trải ở 4 câu lạc bộ trường học và 3 câu lạc bộ thể thao. Với đội ngũ 14 huấn luyện viên phụ tá đã qua đào tạo và dày dạn kinh nghiệm, Patrick có thể yên tâm để cho học trò tự do phát triển. Thành công đã không níu giữ được chân anh, và một bầu trời xa hơn đang vẫy gọi.

Dấu ấn Bắc Phi

Khát vọng đi vòng quanh thế giới nung nấu con tim anh. Để chuẩn bị cho bước đi xa này anh thường xuyên liên lạc với các đồng môn ở các nước và báo cho họ những dự định của mình. Anh nhận được sự đồng cảm chia sẻ và cả sự phản đối. Không gì ngăn cản được bước chân anh, mục tiêu lần này anh nhắm tới là Marôc, một quốc gia thuộc vùng Bắc Phi. Chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống Casablanca trong cái nóng oi nồng. Cũng cần phải biết về chuyến hành trình mà Patrick đi qua. Thông thường từ Tenerife - thủ phủ của Canary phải bay loại máy bay lớn về Tây Ban Nha, từ đây quay ngược lại Marôc, rất đắt tiền và nhiều tốn kém. Là một võ sư đang đi xiển dương võ đạo, Patrick không cho phép mình xài sang. Anh chọn con đường tắt là đi loại máy bay nhỏ không có áo phao, không có bảo hiểm, rất sợ mất mạng khi phải rơi xuống biển, bay thẳng tới thủ đô Marôc.

Nơi đây có một bạn đồng môn rất chí cốt với Patrick tên là Hassan Abillat. Hassan là người Arập, học trò cũ thầy Phạm Xuân Tòng. Cả hai quen nhau tại Pháp từ năm 1981 qua những lớp đặc huấn tổ chức ở thành phố Toulon. Gặp nhau chưa kịp vui mừng, Hassan đã bày tỏ: "Nếu quay lại Vovinam thì dứt khoát phải theo Việt Nam thôi, như thế mới đúng gốc và không sợ tranh chấp sau này". Do lâu ngày bỏ tập, Hassan gần như quên hết bài bản, buộc phải ôn và tập lại từ đầu dưới sự hướng dẫn của Patrick. Cũng áp dụng những chiêu thức cũ, Patrick và Hassan cùng kết hợp biểu diễn võ thuật tại các câu lạc bộ thể thao, ở các thành phố nhỏ như Kenitra, Rabat, Tanger, Fez.

Hassan Abillat làm trong ngành cảnh sát. Anh có người bạn tên Mohammed Machkour là cận vệ nhà vua Hassan II. Mang 4 đẳng Judo, có hai cánh tay rất to và cứng như gọng thép, Mohammet từng hạ đo ván không biết bao nhiêu địch thủ. Thế nhưng chỉ qua một vài đòn kỹ thuật giao hữu, Mohammet đã chân thành nói: "Đây mới đúng là môn võ tôi đi tìm suốt đời". Với "sếp" Said Skakri, một nhân vật quan trọng trong ngành cảnh sát, thì khó thuyết phục hơn. Vóc người to lớn nặng 110 kg và cao 1,95m, ông cũng là tay võ nghệ giỏi và có nhiều kinh nghiệm thi đấu. Ông đòi mặc võ phục vào thi đấu "thử", và Patrick buộc phải chứng minh cho ông thấy kỹ thuật Vovinam có hiệu quả như thế nào. Bị hoàn toàn thuyết phục, "sếp" tuyên bố: "Bây giờ tôi sẽ tập Vovinam". Đến năm 2002, ông Said Skakri làm Chủ tịch Hiệp hội Vovinam Marôc.

Câu lạc bộ Vovinam đầu tiên mở tại thành phố Kenitra cũng là quê nhà của Hassan. Ngày khai trương cũng chỉ có lèo tèo 8 môn sinh. Nhờ tiếng lành đồn xa, các "telephone arabe" - máy điện thoại truyền miệng Arập, đã nhanh chóng thông tin, mấy ngày sau đã có nhiều người kéo đến ghi danh theo học. Thừa thắng xông lên, Patrick xúc tiến thành lập các câu lạc bộ ở Fez và một số thành phố khác. Một cuốn phim giới thiệu về lịch sử và kỹ thuật đặc thù của Vovinam cũng được quay rất công phu với lời giới thiệu bằng tiếng Anh đã được nhân bản và phát hành rộng rãi, có tác dụng "quảng cáo" rất lớn.

Tuy Vovinam phát triển không mạnh ở Marôc như ý đồ mong muốn, nhưng lại có chiều sâu và nền móng ban đầu để xây dựng một phong trào vững chắc hơn. Patrick không hài lòng với những gì làm được. Dù thành hay bại, cái "nghiệp" dạy võ cũng chất chứa trong nó những kỷ niệm vui buồn, và anh kể một kỷ niệm vui. "Lần đầu tiên đến Marôc, Patrick là hành khách "hạng" Tây ba lô. Đến năm 2002, khi Vovinam được công nhận chính thức, được nhiều báo chí đưa tin, khi qua cửa khẩu sân bay không cần trình hộ chiếu, còn được mời đi cửa VIP, có 20 môn sinh là cảnh sát đem xe Mercedes ra tận sân bay đưa rước...". Nói đến đây Patrick nở một nụ cười thật tươi!

Cao Thụ

Kỳ tới: Hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo liên lục địa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.