Paolo Rossi qua đời: Tạm biệt người khiến Brazil rơi lệ

11/12/2020 10:33 GMT+7

Có một cái gì đó đã rạn vỡ trong tim những người yêu bóng đá Ý vào buổi sáng qua, khi tin về cái chết của Paolo Rossi ập đến.

Paolo Rossi không còn nữa ở tuổi 64, sau một thời gian dài chịu những cơn đau ở phổi, và tắt cùng với ngôi sao đã từng chói sáng trên bầu trời World Cup 1982 ấy là những nụ cười hiền lành cùng với hình ảnh những lần ăn mừng giơ hai cánh tay gầy guộc.
Paolo Rossi là thế, một người hùng bình dị và nhìn bề ngoài chẳng có gì đặc biệt. Trong một đất nước mà Rossi là một trong những cái họ phổ biến nhất, với hàng triệu người mang họ ấy, chỉ có một cái tên ghép vào họ Rossi khiến người Ý trào lên những niềm tự hào lớn lao mỗi khi nhắc đến, Paolo. Chính là ông, Paolo Rossi, người có khuôn mặt trẻ thơ và vóc dáng mảnh khảnh, trên lưng áo có số 20, người đã ghi 6 bàn ở World Cup 1982 để đưa chức vô địch đến cho nước Ý, đồng thời biến ông trở thành vua phá lưới và sau đó được bầu là Quả bóng vàng 1982.
Những cây bút lớn của bóng đá Ý đã coi ông là một biểu tượng của bóng đá Ý những năm 1980, có vinh quang và thất bại, có vươn lên sau vấp ngã, là người hùng trên những đấu trường Tây Ban Nha năm 1982, nhưng trước đó đã bị treo giò 2 năm do vướng vào scandal dàn xếp tỷ số Totonero làm rung chuyển Calcio. Họ cũng tin rằng ông là một hình tượng của chính nước Ý trong những năm ấy, khi mỗi người Ý là một Paolo Rossi, khi Ý thoát khỏi một cuộc khủng hoảng chính trị và rất cần một chiến thắng trên trường quốc tế để hãnh diện vươn lên khẳng định họ là ai.
Rossi và các chàng trai của HLV Bearzot đã làm được điều ấy, điều mà chính đội Ý sau thắng lợi tại World Cup 2006 cũng không đạt tới được. Chiến thắng ấy khiến người Ý chìm trong niềm tự hào và hạnh phúc, và cho đến giờ, nhiều phóng viên người Ý biệt phái ở Li Băng trong cuộc chiến 1982 ở nước này vẫn kể lại rằng, có một cách tuyệt diệu để không trúng đạn của bất cứ bên tham chiến nào: ngoài chữ “Press” (báo chí) gắn trên áo, họ luôn mang theo mình một lá cờ Ý và một tấm ảnh của Paolo Rossi.
Nhưng trước khi là một người hùng ở World Cup 1982, Paolo Rossi, con trai của một doanh nhân dệt may ở miền trung nước Ý và là một chân sút xuất sắc ở Serie A, đã từng chìm trong bê bối khi dính líu vào vụ Totonero. Các nhà điều tra tin rằng ông có quan hệ với Trinca và Cruciani, những kẻ chủ mưu của các vụ dàn xếp tỷ số. Lúc đó, Paolo Rossi đang khoác áo Perugia và dù không ai chứng minh được ông đã nhận tiền của họ, ông vẫn bị treo giò 2 năm. Trong 2 năm ấy, ông bị chỉ trích và gần như đẩy vào quên lãng. Chỉ có 2 người tin cậy ông. Đó là Boniperti, Chủ tịch Juventus, người đưa ông về đội bóng này sau khi mãn hạn treo giò. Và Bearzot, người đã đưa ông đến Word Cup 1978 trước đó và rất cần tài năng của Paolo Rossi cho chiến dịch World Cup 1982, bất chấp những lời chỉ trích rằng Rossi đã 2 năm không đá, gầy guộc, đôi chân khẳng khiu và hai đầu gối như của vũ công ballet. Những lời chỉ trích còn theo đuổi Bearzot và Rossi cho đến khi Ý gặp Brazil của những Zico, Socrates, Falcao, Cerezo và Junior ở giai đoạn 2.
Hôm ấy là ngày 5.7.1982, trong một buổi chiều oi bức trên sân Sarria ở Barcelona, Paolo Rossi bùng nổ như một siêu tân tinh để rồi không bao giờ tắt nữa. Ông ghi 3 bàn vào lưới Brazil hùng mạnh và được đánh giá cao hơn để rồi đưa Ý vào bán kết, nơi ông sút tung lưới “những con đại bàng trắng” Ba Lan 2 bàn nữa, để rồi ở chung kết, là người ghi bàn mở tỷ số trong trận thắng CHLB Đức 3-1.
Sau này, Rossi nói rằng chiến thắng Brazil là kỷ niệm đẹp nhất trong đời ông. Cuốn tự truyện xuất bản năm 2002 của Rossi dành cho World Cup 1982 vị trí trang trọng nhất. Và đây là tựa đề của cuốn sách, khi nó gợi nhớ đến kỷ niệm bất tử: “Tôi đã khiến Brazil rơi lệ”. Trong cuốn sách, Paolo Rossi viết về giây phút ông giơ cúp vàng thế giới 1982: “Khi nhìn lên khán đài, tôi hạnh phúc, nhưng sau đó là một cảm giác cay đắng. Ước gì có thể làm ngừng thời gian ngay lại. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ chứng kiến những giây phút như thế nữa, trong cả cuộc đời mình”.
Đúng thế, sau World Cup 1982, Paolo Rossi chỉ là cái bóng mờ của chính ông, với những bàn thắng đã ít đi nhiều trong màu áo Juve, Milan và Verona. Ông còn được Bearzot gọi vào đội tuyển Ý dự World Cup 1986, giải đấu mà ông không ra sân phút nào. Ông giải nghệ ngay sau đó, ở tuổi 30, trở thành một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, sở hữu một trang trại trồng nho và làm rượu và trở thành một bình luận viên trên truyền hình. Có lần, khi được hỏi về việc ông có hoài niệm gì về năm 1982, ông chỉ nói: “Tôi hạnh phúc với những gì đã có. Tôi biết là sẽ không bao giờ có thể tìm thấy ở đâu đó một năm 1982 nữa. Nhưng tôi đã sống một cuộc đời đáng sống”. Đúng như thế, và người ta khóc vì đã mất ông.
Đấy là một cái chết khiến nước Ý và bóng đá thế giới những ngày cuối năm 2020 rơi lệ. Chúng ta đã mất Maradona ở tuổi 60, ngôi sao sáng nhất của World Cup 1986, chúng ta lại mất tiếp một người hùng của bóng đá, nhà vô địch World Cup 1982 chỉ sau mấy tuần: Paolo Rossi! Họ cùng tạo nên những ấn tượng đẹp đẽ và mê hoặc với trái bóng trong chân, người thì nhảy điệu vũ tango trên sân cỏ những năm 1980, 1990, người lóe sáng như một ngôi sao băng trên bầu trời World Cup 1982, gạt phăng chính Maradona tài ba ở giải đấu ấy và lên đỉnh thế giới với chiếc cúp vàng trên sân cỏ Tây Ban Nha. Giờ họ sẽ cùng nhau chơi bóng trên thiên đường. Họ sẽ sống mãi với chúng ta, những người luôn yêu mến họ và dành cho họ những lời cảm ơn từ sâu thẳm trái tim...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.