Để khỏi 'nhịn nhục' khi đi xe buýt

07/12/2014 18:00 GMT+7

Đi xe buýt tương đối đúng giờ, tiết kiệm, an toàn gấp nhiều lần xe máy, mát mẻ hơn và không sợ mưa nắng. Nhưng ở Việt Nam, nhiều người vẫn dị ứng với xe buýt, nhất là tầng lớp trung lưu.

Cùng với tàu điện (metro), xe điện trên cao (monorail), xe buýt là những phương tiện giao thông công cộng chủ yếu. Với các nước kém phát triển, chưa có metro và monorail thì xe buýt là chủ đạo. Đây là những công cụ để hạn chế nạn kẹt xe bởi các phương tiện giao thông cá nhân. Ở Việt Nam, dù nhà nước có nhiều nỗ lực hỗ trợ, việc sử dụng xe buýt vẫn chưa phổ cập.


Xe buýt hai tầng được đưa vào hoạt động ở TP.HCM với mục đích nhằm giảm tải cho hệ thống vận tải hành khách công cộng - Ảnh: Diệp Đức Minh

Do tính chất công việc và cả ý thức, tôi thường sử dụng các xe buýt số 1, 19, 20, 53, 150, 152… So với thời bao cấp, xe buýt ngày nay đã khác xa nhưng vẫn còn sót lại nhiều tàn dư ám ảnh. Ai cũng biết, xe buýt được Nhà nước trợ giá, vé xe rẻ như bèo. Sinh viên và học sinh được giảm 2/3 giá vé, người tàn tật được miễn phí. Đi xe buýt tương đối đúng giờ, tiết kiệm, an toàn gấp nhiều lần xe máy, mát mẻ hơn và không sợ mưa nắng. Nhưng ở Việt Nam, nhiều người vẫn dị ứng với xe buýt, nhất là tầng lớp trung lưu.

Trong những xe buýt tôi đã đi, xe số 1 (city tour) là tốt nhất, rồi đến số 152 (đi sân bay). Cả 2 xe đều bán vé tự động. Các xe tuyến xa thường kém hơn hẳn về chất lượng xe và thái độ phục vụ. Trong cùng một tuyến, cũng có sự khác biệt. Nhiều tài xế và nhân viên phục vụ cực kỳ dễ thương nhưng cũng không ít người cộc cằn, thô lỗ. Họ như những cặp bài trùng kiểu “nồi nào úp vung nấy”, tài xế thế nào thì phụ xe thế đó. Vẫn có những tài xế thích bóp còi ỏm tỏi, phụ xe la hét và đập thùng xe rầm rầm như sợ thiên hạ quên mất nỗi kinh hoàng xe buýt thời bao cấp. Vẫn còn nhiều nhà xe nói chuyện với nhau hoặc tám điện thoại mà văng tục hơn chợ búa. Vẫn còn những nhà xe lạng lách, tranh giành khách hoặc nhẩn nha buộc khách đợi vì lý do cá nhân. Cá biệt, có nhà xe vô tư phì phèo thuốc lá…

Những hành vi trên đã làm người dân dị ứng với xe buýt. Chứng kiến nhiều cảnh nhà xe “tra tấn”, hành khách nhịn nhục chịu đựng mà không ai dám lên tiếng góp ý, kể cả tôi. Ai đi xe buýt lần đầu gặp mấy cảnh đó là tởn tới già. Đó cũng lý do mà xe buýt là sự lựa chọn cuối cùng và bất đắc dĩ thay vì ưu tiên của nhiều bậc cha mẹ và cả các em. Năm 2014, dự báo TP.HCM trợ giá cho xe buýt trên 1.500 tỉ. Số tiền không nhỏ nhưng hiệu quả lại chưa tương xứng. Xe buýt vẫn còn nhiều bàn cãi, từ phía chủ xe, nhà quản lý cho tới hành khách.

Để có thêm tiền đầu tư bên cạnh kinh phí trợ giá Nhà nước, một việc đơn giản có thể làm ngay là cho quảng cáo thân xe. Việc này cả thế giới làm từ lâu, trừ Việt Nam đang loay hoay thảo luận. Khách có thể thông cảm là xe chưa tốt nhưng không thể chấp nhận những hành xử của nhà xe thời bao cấp. Cơ quan quản lý phải rà soát, tập huấn và sàng lọc lại đội ngũ nhà xe. Xe buýt cũng là bộ mặt của thành phố, cần được làm đẹp thường xuyên. Thống nhất các nội dung thông tin trong xe, thật ngắn gọn và đầy đủ. Các xe số 1, 152 dứt khoát phải có tiếng Anh cạnh tiếng Việt vì người nước ngoài sử dụng khá đông. Quy định hành lý 0,1 mét vuông (tức mỗi cạnh 10 cm) phải mua vé là vô lý vì quá nhỏ. Càng vô lý với mức xử phạt khách trốn vé chỉ là mua vé lại. Một số tuyến xe còn trùng lắp hoặc sắp xếp lộ trình chưa hợp lý… Thay cho xe buýt 2 tầng cồng kềnh, nặng nề là xe buýt mui trần (city sight) cho khách du lịch thưởng ngoạn thành phố như nhiều nước đã làm rất hiệu quả.

Nếu các cấp quản lý tích cực, lắng nghe và quyết liệt hơn, các chủ xe đồng thuận và hành khách chủ động tham gia góp ý, tôi tin là xe buýt sẽ hấp dẫn hơn. Khi người dân sử dụng xe buýt nhiều hơn thì nạn kẹt xe và tai nạn giao thông cũng giảm bớt. Trong lúc chờ đợi những đổi mới tích cực, tôi vẫn sử dụng xe buýt vì tiết kiệm, an toàn, đỡ căng thẳng và khỏi sợ nắng mưa.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân sống và làm việc tại TP.HCM 

>> Cần bảo vệ tài sản người đi xe buýt
>> Nơm nớp khi đi xe buýt
>> Đi xe buýt bán vé bán tự động
>> Đi “xe buýt trên không”
>> Đi xe buýt vé bán tự động cần lưu ý gì?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.