Ví, dặm xứ Nghệ từ nguy cơ thất truyền thành di sản nhân loại - Bài 3: Tiếng Nghệ còn là ví, dặm còn

03/12/2014 15:00 GMT+7

(TNO) Gắn bó với ví, dặm từ hàng chục năm nay, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu cho rằng, dù thời gian có thay đổi, nhưng ví, dặm Nghệ Tĩnh vẫn là máu thịt, như những hòn than âm ỉ cháy trong dân và người nghệ sĩ là người thổi bùng lên thành lửa để ví, dặm không bao giờ tắt.

>> Ví dặm' được công nhận là di sản văn hóa nhân loại
>> Dân ca Quảng Nam tại Nhật Bản
>> Xây dựng hồ sơ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trình UNESCO
>> Ngày hội dân ca Bình Trị Thiên
>> Giao hưởng 'giao duyên' dân ca  

Những người “thổi lửa”

Khuya 27.11, sau tiếng gõ búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ José Manuel Rodriguez Cuadros, nghị quyết công nhận ví, dặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính thức được thông qua. Tin vui lập tức từ Paris (Pháp) bay về Việt Nam. Ở Nghệ An, bà Lựu hét lên vì sung sướng và xúc động. Bà nói suốt đêm đó, mừng quá, bà không ngủ vì cứ có một cảm giác lâng lâng rất khó tả.

“Để đưa ví, dặm ra thế giới là chặng đường cực kỳ gian nan của những người nghệ sĩ chúng tôi. Ngay cả khi nó mới nằm trong ý định, đã có một số người phản đối, không tin rằng sẽ thành công”, bà Lựu chia sẻ.  

 nghe-si-hong-luu
Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu, một trong những người “thổi lửa” ví, dặm
- Ảnh do nghệ sĩ Hồng Lựu cung cấp

Bà Lựu sinh năm 1967 tại huyện Thanh Chương, Nghệ An. Năm 1985, cô gái có chất giọng trong trẻo, luyến láy đến lạ thường này được nhận vào Đoàn Dân ca Nghệ An. Cô hóa thân vào nhiều vai diễn trên sân khấu và đều thành công.

Ví, dặm từng gắn bó với đời sống người dân xứ Nghệ như máu thịt, nhưng khi đời sống với các phương thức sản xuất thay đổi, loại hình nghệ thuật dân gian vốn gắn liền với các phương thức sản xuất này cũng đứng trước nguy cơ thất truyền. “Chúng tôi trăn trở lắm, nhất là những anh, chị nghệ sĩ đi trước, không phải sợ người dân chán dân ca, nhưng sợ không gian diễn xướng không còn mà không có cách để bảo vệ thì rất dễ bị thế hệ sau lãng quên”, bà Lựu kể.

Từ những năm 1970, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ dân ca ví, dặm đã nghĩ đến việc cứu ví, dặm bằng việc sân khấu hóa. Nhạc sĩ Thanh Lưu (Đoàn Dân ca Nghệ An) là người thực hiện hình thức thử nghiệm này, với hy vọng giữ được cái hồn cốt của nó, nhưng lập tức bị nhiều người phản đối vì cho rằng, đưa dân ca lên sân khấu sẽ khiến dân ca biến dạng.

Dù bị phản đối nhưng ông Lưu vẫn làm và được đánh giá là thành công. Năm 1997, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu cũng đưa ví phường vải trên sân khấu để thử nghiệm. “Nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ kịch liệt phản đối tôi. Tôi giải thích rằng, muốn phục hồi dân ca trong bối cảnh người dân đang dần lãng quên nó thì người nghệ sĩ phải… ca, tức phải đưa nó lên sân khấu để giới thiệu cho người dân, đó là cách để đưa dân ca về lại cho dân”, bà kể. Dù bị phản đối, bà Lựu vẫn làm.     

Sau ví phường vải, bà tiếp tục phục hồi ví phường chài, phường cấy, phường nón và các bài hát ru, được nhiều nghệ sĩ và nhà nghiên cứu ủng hộ.

Ý tưởng đưa dân ca vào trường học để giúp cho học sinh nhận ra giá trị của ví, dặm cũng được thực hiện sau đó. Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Ất, Giám đốc Nhà hát Dân ca Nghệ An, hồi đó lập ra một đoàn gọi là Đoàn 3, do nghệ sĩ Hồng Lựu đứng đầu, để “truyền lửa” dân ca vào trường học. “Khổ lắm, hồi đó vẫn có một số người cản, nói làm chi cho mệt, không thành đâu. Đưa răng được khi lời các bài hát dân ca đều không phù hợp với lứa tuổi trẻ con”, bà nhớ lại.

Sau đó, bà vẫn quyết tâm làm. Bà cùng một số nghệ sĩ, nhạc sĩ của nhà hát chuyển thể một số tác phẩm văn học, những bài học đạo đức rồi dàn dựng thành những câu chuyện được chuyển tải cho học sinh bằng ví, dặm.

“Chúng tôi đi hết xã này sang xã khác, huyện này sang huyện khác. Ngày thì diễn ở trường học, đêm lại diễn cho dân xem. Anh chị em mang theo gạo, nồi niêu, cứ đi liên miên suốt mấy năm trời, có khi hơn tháng trời mới được về nhà một lần”, bà Lựu kể.

Trả ví, dặm về cho dân hát

Mấy năm trước, khi Nhà hát Dân ca đặt vấn đề lập hồ sơ cho ví, dặm để trình UNESCO, nhiều người vẫn phản đối vì không hy vọng sẽ thành công. Họ cho rằng, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên có xuất xứ rõ ràng, còn dân ca xứ Nghệ không có được điều đó thì rất khó được công nhận.

 hat-gheo
Hát ghẹo, một làn điệu trong ví, dặm Nghệ Tĩnh - Ảnh: Phạm Đức

“Tôi giải thích rằng, dù không có sử sách nào ghi lại xuất xứ của ví, dặm, nhưng với người Nghệ, ví, dặm nằm sâu trong máu mỗi người. Người Nghệ nói là hát. Khi nào người Nghệ mất tiếng nói thì mới mất tiếng hát. Với ví, dặm thì chỉ người Nghệ mới hát được. Người nghệ sĩ chỉ làm cho dân ca trong trẻo hơn, còn về bản chất, nó là của người dân sáng tạo nên”, bà Lựu nói. 

Vẫn theo bà Lựu, ví, dặm "đã được vinh danh và nhiệm vụ tiếp theo của chúng tôi là trả dân ca về cho dân". Đó là cách phát triển bền vững nhất. Tuy nhiên, để đưa nó về lại cho dân thì vẫn đang phải dựa vào sân khấu để phát triển như một kênh giới thiệu, truyền bá.

Dẫu khó tìm lại được những giá trị nguyên gốc khi đời sống đã thay đổi quá nhiều, nhưng ví, dặm vẫn đang là một phần máu thịt của người dân xứ Nghệ trong cuộc sống ngày nay.

30 năm gắn với ví, dặm, bà Lựu nói nếu không thực sự yêu mến nó thì bà đã “đầu hàng” từ lâu, vì chế độ cho nghệ sĩ không đủ để nuôi sống họ. Hiện nay, ngoài đồng lương rất thấp, mỗi buổi biểu diễn của bà với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cũng chỉ được nhận 50.000 đồng tiền cát - xê, anh em nghệ sĩ chưa có danh hiệu chỉ có tiền thù lao 30.000 đồng.

Mỗi ngày tập luyện, chế độ cho nghệ sĩ là chỉ từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng, tùy theo danh hiệu, chức vụ. “Thương anh em nên chúng tôi phải giật gấu vá vai, cào bằng cho được 20.000 đồng/người. Đi biểu diễn ở miền núi, anh em phải mang theo gạo để nấu cơm, kiểu cơm đùm đi hát”, bà Lựu nói.

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.