Ít tiền nhưng thích xài sang

14/11/2014 09:00 GMT+7

Ngân sách không nhiều nhưng lại chọn phương tiện tốn kém và thiếu hiệu quả chính là thực trạng trong công tác quảng bá du lịch của VN.

Gian hàng quảng bá du lịch VN ở các hội chợ trong và ngoài nước thường vắng khách
Gian hàng quảng bá du lịch VN ở các hội chợ trong và ngoài nước thường vắng khách - Ảnh: N.T.T

Một khảo sát, được công bố tại hội nghị về phát triển du lịch bền vững ở VN diễn ra vào ngày 13.11, cho thấy internet là nguồn thông tin quan trọng nhất để du khách chọn địa điểm. Cụ thể, 59,8% khách quốc tế sử dụng phương tiện này làm nguồn thông tin chính để chọn VN, còn phương tiện truyền hình chỉ chiếm 2,8%.

Bỏ bê internet

Với xu hướng như vậy, nhiều nước đang tận dụng tối đa mạng xã hội. Ví dụ, Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP.HCM không chỉ có tài khoản Facebook với hàng chục ngàn người theo dõi, mà còn có cả tài khoản Twitter đăng tải rất nhiều thông tin, hình ảnh, video về du lịch nước này. Ngành du lịch Malaysia cũng truyền tải thông tin đầy đủ qua Facebook, Twitter, Blog, Flickr và cả WebTV, YouTube. Đảo quốc Singapore trong chiến dịch tiếp thị dành riêng cho thị trường khách VN đã mời người dẫn chương trình nổi tiếng VN tham gia vào các tập phim quay tại nước này để đăng lên mạng xã hội. Ngành du lịch Thụy Sĩ kêu gọi du khách “#SwissSelfie” (tự chụp ảnh) và chia sẻ trên nhiều mạng xã hội khác nhau...

 

Tôi thấy có vẻ như ngành du lịch có bao nhiêu tiền thì muốn giao hết cho kênh truyền hình nào đó làm một chương trình quảng bá cho khỏe. Còn nếu lập một tài khoản mạng xã hội hay một trang web thì phải tốn nhiều công sức để chăm sóc cho hấp dẫn

Ông Phan Đình Huê, chuyên gia trong ngành du lịch

Trong khi đó, du lịch VN gần như đứng ngoài cuộc chơi hữu ích này. Trang mạng của Tổng cục Du lịch chủ yếu đưa tin thời sự chứ không cung cấp thông tin điểm đến cần thiết cho cả du khách trong và ngoài nước. Tài khoản Facebook gắn với khẩu hiệu “VN - Vẻ đẹp bất tận” chỉ đăng một bộ ảnh VN, nội dung cập nhật mới nhất cách đây khoảng 2 tháng và cũng không có bất kỳ tin tức gì về điểm đến.

Theo ông Kai Partale - chuyên gia của Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ (Dự án EU), với gần 60% khách du lịch quốc tế ở các điểm đến chính tại VN nhờ thông tin từ internet cho thấy, đây là một kênh hiệu quả mà lẽ ra ngành du lịch cần có một chiến lược tiếp thị, quảng cáo phù hợp.

Ông Phan Đình Huê, chuyên gia trong ngành du lịch, nhận xét du lịch VN không có nhiều kinh phí, thì phải tìm kiếm cách quảng bá vừa phù hợp xu hướng, vừa đủ sức nhưng vẫn hiệu quả. Thế nhưng, theo ông: “Rất tiếc các website của ngành du lịch không cung cấp được những thông tin thiết thực cho du khách”.

Khoái hoành tráng nhưng thiếu hiệu quả

Mỗi năm du lịch VN được cấp khoảng 30 - 40 tỉ đồng cho quảng bá cả trong và ngoài nước, một nguồn kinh phí rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Điều đáng nói là tiền ít nhưng ngành du lịch lại luôn chọn truyền hình, vốn là kênh tốn kém và chưa thực sự hiệu quả, để quảng bá. Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã có buổi làm việc với đại diện kênh truyền hình BBC (Anh) về kế hoạch quảng bá du lịch VN.

Theo đó, phía BBC sẽ xây dựng phim ngắn quảng bá du lịch VN, phát trên kênh truyền hình BBC ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2015. Chi phí chưa "gút", nhưng có lẽ khoảng 300.000 - 400.000 USD (tương đương với những lần quảng bá trên BBC trước đó). Cục Hợp tác quốc tế cũng đang làm chương trình quảng cáo trên CNN. Hồi cuối tháng 9, đoàn làm phim của CNN đã hoàn thành những cảnh quay cuối cùng cho phim quảng cáo du lịch VN để phát trên kênh này. Chi phí tiêu tốn của ngân sách tới 4,7 tỉ đồng.

Chuyên gia người Singapore Robert Tan thắc mắc không hiểu vì sao du lịch VN lại chọn BBC châu Á - Thái Bình Dương để phát quảng cáo, bởi không khớp với đối tượng du khách mục tiêu của du lịch VN. Khách trọng tâm của du lịch VN là Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN và thị trường khách tiếng Hoa. Thay vì tập trung một cục tiền lớn để quảng cáo ở BBC, CNN, ngành du lịch nên quảng bá bằng nhiều cách khác nhau ở những thị trường này. “Ngay cả du lịch Thái Lan, Malaysia... cũng không chọn BBC, CNN mà là các kênh truyền hình có tính khám phá như Discovery, National Geographic hoặc các kênh thể thao, phim quốc tế...”, ông Robert Tan nói.

Ông Phan Đình Huê nhận xét, du lịch VN thích làm những gì hoành tráng, nhưng lại không quan tâm nhiều đến hiệu quả. “Tôi thấy có vẻ như ngành du lịch có bao nhiêu tiền thì muốn giao hết cho kênh truyền hình nào đó làm một chương trình quảng bá cho khỏe. Còn nếu lập một tài khoản mạng xã hội hay một trang web thì phải tốn nhiều công sức để chăm sóc cho hấp dẫn”, ông Huê bình luận.

Năm 2007, ngành du lịch cũng đã chi gần 300.000 USD quảng cáo trên CNN; năm 2009, chi hơn 450.000 USD quảng cáo trên BBC; năm 2011 chi khoảng 150.000 USD quảng cáo du lịch biển trên BBC; năm 2013 hợp tác cùng UBND tỉnh Ninh Bình chi trên 7 tỉ đồng phát quảng cáo Tràng An trên CNN...

N.Trần Tâm

>> Nhật, Úc làm phim quảng bá du lịch Quảng Nam
>> Quảng bá du lịch ẩm thực VN ở Mỹ
>> Cơ hội quảng bá du lịch
>> Mời nhà báo, nhà làm phim nước ngoài tham gia quảng bá du lịch
>> Quảng bá du lịch qua 'Sài Gòn xưa và nay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.