Đưa người nghiện đi cai trước tết

11/11/2014 05:30 GMT+7

Ngay sau khi QH thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong đó có lồng ghép nội dung yêu cầu Chính phủ thực hiện các giải pháp đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm ( ảnh ), Chủ tịch HĐNĐ TP.HCM đã trả lời báo chí về vấn đề này.

 ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm
Bà Tâm nói: “Tôi rất mừng là các ĐBQH đã có sự chia sẻ và có hành động cụ thể là đại đa số đã bấm nút, ủng hộ đề xuất của TP.HCM”.

* TP.HCM sẽ bắt tay triển khai thực hiện chủ trương này như thế nào?

- Không phải đến lúc QH thông qua nghị quyết này TP.HCM mới bắt đầu, mà khi tình hình phức tạp, một mặt TP đã đề xuất với Chính phủ, với QH, một mặt chuẩn bị đề án để xử lý vấn đề, đã trình lên Chính phủ. TP đã chỉ đạo, chỉ định các trung tâm, cơ sở nhà nước thực hiện các công việc này; chỉ đạo các sở, ban ngành như Sở LĐ-TB-XH, Sở Y tế, Sở Tư pháp… phối hợp triển khai.

* TP.HCM đã chuẩn bị kinh phí, cơ sở vật chất thế nào để thực hiện chính sách?

- Tôi cũng đã đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND TP là nếu chủ trương được QH thông qua thì mình chuẩn bị nguồn lực thế nào. Ví dụ như đưa người nghiện, trước hết với người nghiện chưa có nơi cư trú, thì thường họ rất khó khăn, phải có cả quần áo cho họ, các vật dụng cần thiết cho một con người; sửa chữa các trung tâm để phòng ốc phải thoáng, có những tiện nghi tối thiểu. Người nghiện ma túy thường sức khỏe rất yếu, thậm chí mắc nhiều bệnh, nên phải tổ chức khám chữa bệnh cho họ. Tất cả đều cần phải có kinh phí hết. Rồi kinh phí ăn hằng ngày. Kinh phí suất ăn ít nhất cũng phải bằng của người mà tòa án phán quyết phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Rồi thuốc để cắt cơn, trị bệnh trong thời gian họ ở đó.

Đưa người nghiện đi cai trước tết
Học viên cai nghiện tại Trường giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 3 Thanh niên xung phong TP.HCM vào giờ ăn - Ảnh: Quang Liêm 

 

UBND TP sẽ tập trung chỉ đạo xử lý vấn đề này, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, từng cơ quan, đơn vị, đến từng địa bàn dân cư. Để giúp người nghiện cai nghiện bài bản, dù khó, TP cũng sẽ cố gắng thực hiện

Hiện giờ khó thể nói tổng kinh phí bao nhiêu, chi phí trung bình một người bao nhiêu. Hôm rồi tôi trao đổi với đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP phụ trách lĩnh vực này, thấy nói tối thiểu phải 4 triệu đồng/người trong một thời gian họ ở trung tâm đó, khoảng 10-15 ngày. Nhưng về chi phí, cũng phải cố gắng chi trúng, chi đúng, không vì tiết kiệm mà không thực hiện được nhiệm vụ.

* Số lượng người nghiện khoảng 19.000 người cũng là khá lớn, liệu có thể giải quyết được hết trước Tết Nguyên đán năm nay?

- Cũng chưa chắc hoàn toàn số liệu, vì còn phải kiểm tra, xét nghiệm, chẩn đoán, đó là con số ước lượng thôi. Thực tế số người nghiện có thể cao hơn.

Đây thực sự cũng là một áp lực rất lớn vì từ nay đến cuối năm, còn rất nhiều nhiệm vụ lớn mà TP phải tập trung. Tuy nhiên, không giải quyết vấn đề này thì nó ảnh hưởng rất lớn đến tình hình trật tự, xã hội của TP, nó cũng là một tác động để người dân thấy quyết tâm của UBND TP, nó cũng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của TP. Ví dụ như khách du lịch, họ tới mà thấy tình hình trật tự như vậy họ sẽ rất lo ngại. Vì thế, UBND TP sẽ tập trung chỉ đạo xử lý vấn đề này, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, từng cơ quan, đơn vị, đến từng địa bàn dân cư. Để giúp người nghiện cai nghiện bài bản, dù khó, TP cũng sẽ cố gắng thực hiện. Cũng có cái tiện là cơ sở cũ vẫn còn và cũng đã có kinh nghiệm. Tôi tin là từ nay tới Tết Nguyên đán sẽ xử lý được căn bản. Vì hiện nay, cơ chế gỡ được rồi, còn lại là sự quyết tâm để làm thôi.

Điều 5, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của QH nêu rõ: "Chính phủ chỉ đạo các bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính, ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung nghị định, thông tư liên quan, xem xét rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để TAND xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong thời gian này, phải bảo đảm an toàn cho đối tượng theo quy định của pháp luật. Chính phủ, TAND tối cao tiến hành đánh giá thực tiễn thi hành luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật có liên quan để khi cần thiết trình QH xem xét sửa đổi những quy định không phù hợp”.

TP.HCM: Lập ban chỉ đạo thực hiện đề án đưa người nghiện đi cai

Ngày 10.11, UBND TP.HCM quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án quản lý người nghiện ma túy trong thời gian chờ hoàn thiện thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn. Trưởng ban là Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận; 2 phó ban là thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP và Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Trần Trung Dũng; thành viên gồm chủ tịch 24 quận, huyện, lãnh đạo các sở ngành...

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, TP tiến hành chuyển đổi Trung tâm cai nghiện Bình Triệu (Q.Thủ Đức, thuộc Sở LĐ-TB-XH) và Trung tâm giáo dục dạy nghề - giải quyết việc làm Nhị Xuân (H.Hóc Môn, thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP) thành 2 trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội để làm nơi chăm sóc, điều trị cắt cơn, giải độc, ổn định tâm lý cho người nghiện. 2 trung tâm này sẽ tiếp nhận những người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định, nếu gia đình có nguyện vọng thì trung tâm cũng sẽ tiếp nhận.

Về quy trình xử lý, ông Thuận cho biết nếu phát hiện người nghiện lang thang, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn lập biên bản và ra quyết định đưa ngay vào trung tâm tiếp nhận xã hội. Tại đây, người nghiện sẽ được chăm sóc cho đến khi hoàn tất hồ sơ, thủ tục và tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính.

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Trần Trung Dũng cho biết tại 2 trung tâm tiếp nhận xã hội sẽ có bố trí các phòng chức năng phù hợp để TAND các quận, huyện tiếp xúc, làm việc với người nghiện ma túy và mở phiên tòa lưu động (tại chỗ) áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Với cách làm này, thời gian giải quyết đối với việc đưa người nghiện đi cai chỉ mất khoảng 15 - 17 ngày, thay vì kéo dài khoảng 6 tháng như dự tính trước đây khi chưa có nghị quyết của QH.

Hiện TP.HCM có 14 cơ sở của nhà nước về cai nghiện, dạy nghề cho người nghiện, trong đó có 5 cơ sở do Lực lượng Thanh niên xung phong TP quản lý, số còn lại do Sở LĐ-TB-XH quản lý với tổng số 1.300 cán bộ, công nhân viên đủ sức đáp ứng nhu cầu cai nghiện tập trung hiện nay.

Đình Phú

Hà Nội: 80 trung tâm cai nghiện đã sẵn sàng

Tán thành với Nghị quyết của QH đưa người nghiện đi cai nghiện, ông Đặng Văn Bất, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội bày tỏ: “Để người nghiện cai nghiện tại cộng đồng nói là có tính nhân văn, nhân đạo. Song, thực tế không thể quản nổi người nghiện dễ nảy sinh vấn đề phức tạp, gây rối trật tự trị an và tệ nạn xã hội. Vì vậy, đưa người nghiện vào trung tâm là quyết định hợp lý. Vào trung tâm người nghiện vừa cắt cơn nghiện được kết hợp các biện pháp vừa chữa bệnh, cách ly, giúp con nghiện cắt cơn nhanh”. Ông Bất cho hay, mặc dù Hà Nội không còn những điểm nóng nổi cộm về tệ nạn ma túy như khu Thanh Nhàn trước đây, nhưng ở quận huyện nào cũng có, nhất là khu vực giáp ranh giữa các quận huyện, các trung tâm, thị trấn, thị tứ, làng quê... Tính đến tháng 9.2014, số người nghiện có trong danh sách quản lý của Hà Nội là hơn 16.000 người. Trong đó, khoảng 6.800 người ở các trung tâm; 2.500 người ở các trường, trại; 6.500 người ở tại cộng đồng và trên 1.000 người nghiện lang thang.

Về cơ sở vật chất đưa người nghiện cai nghiện bắt buộc, ông Bất cho biết, Hà Nội hiện có hơn 80 trung tâm cai nghiện sẵn sàng tiếp nhận người nghiện vào chữa trị. Khi có văn bản hướng dẫn cụ thể, Hà Nội có thể triển khai ngay mà không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại.

T.Hằng

Hà Nguyễn

>> Người nghiện 'đốt' hơn 14.000 tỉ đồng/năm
>> Sẽ sửa quy định đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
>> Lo lắng tình trạng người nghiện gây án bạo lực
>> Tăng cường rà soát, nắm chắc số liệu người nghiện
>> Chờ 'lệnh' đưa 40.000 người nghiện đi cai
>> Không nên để người nghiện tự do đi lại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.