Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 7: Luận về vốn ODA ở Việt Nam

06/11/2014 16:30 GMT+7

(TNO) Vấn đề nợ công của Việt Nam đang là tiêu điểm bàn luận của các chuyên gia kinh tế và thu hút sự quan tâm rộng rãi của dân chúng. Cả Thủ tướng Chính phủ cũng phải cảnh báo “nợ công tăng nhanh”.

>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 4: Thành công không được ca tụng
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 5: Nhà nước vú em
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 6 : Bi kịch của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít

 
Trong phiên thảo luận sáng 30.10 tại hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã tập trung phân tích và thảo luận về nợ công, cân đối ngân sách, hiệu quả sử dụng, đầu tư từ nguồn vốn vay ODA - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo báo cáo chính thức của Chính phủ, dư nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%, dư nợ chính phủ bằng 42,3%, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3% (tăng 6,1%), dư nợ chính phủ bằng 46,9%, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 39,9% GDP. Theo con số tuyệt đối thì nợ công cuối năm 2013 lên gần 1,9 triệu tỉ đồng, hết năm nay dự kiến sẽ lên hơn 2,4 triệu tỉ. Riêng nguồn vốn vay ODA đến nay đã được giải ngân khoảng 40 tỉ đô la Mỹ trong số 60 tỉ đô la đã cam kết.

 
Đã có nhiều bản báo cáo phân tích, nhiều cuộc hội thảo và nhiều tranh cãi xung quanh những câu hỏi đó, nhưng số liệu đưa ra khác nhau, cách nhìn nhận cũng khác nhau, hướng giải quyết cũng khác nhau, khiến cho không ít các đại biểu Quốc hội, những người về danh nghĩa sẽ ra các quyết sách về các chỉ tiêu kinh tế của Nhà nước, cũng có cách tiếp cận không giống nhau.

Con số này là cao hay thấp, có an toàn hay không, nó phát sinh những vấn đề gì, đâu là vấn đề chủ yếu gây hậu quả xấu cho nền kinh tế và làm cách nào để xử lý những vấn đề đó? Đã có nhiều bản báo cáo phân tích, nhiều cuộc hội thảo và nhiều tranh cãi xung quanh những câu hỏi đó, nhưng số liệu đưa ra khác nhau, cách nhìn nhận cũng khác nhau, hướng giải quyết cũng khác nhau, khiến cho không ít các đại biểu Quốc hội, những người về danh nghĩa sẽ ra các quyết sách về các chỉ tiêu kinh tế của Nhà nước, cũng có cách tiếp cận không giống nhau.

Tình trạng đó khiến cho người dân, những người mà bản thân họ và con cháu họ có trách nhiệm phải trả nợ, đang bị nỗi lo “nợ công tăng nhanh” trùm lên cuộc sống, nhưng lại rối mù không biết phải hiểu như thế nào, không biết tiền nợ mà họ sẽ phải trả đang đi đâu về đâu…

Người dân không thể hiểu và không cần phải hiểu những bài toán phức tạp trong các mô hình cân đối chiến lược và quản lý vĩ mô, không hiểu như thế nào là tỷ lệ nợ an toàn, không cần biết như thế nào là “thông lệ quốc tế”, người dân chỉ cần biết những điều dễ biết và phải được biết: từng khoản vay có cần thiết hay không, cái giá phải vay có chấp nhận được hay không, việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích, có bị ai bớt xén xà xẻo hay không và mai sau con cháu họ sẽ phải chịu gánh nặng như thế nào.

Trước hết xin đề cập đến nguồn vốn vay ODA. Hầu hết các báo cáo phân tích nợ công đều cho rằng các khoản vay ngắn hạn như phát hành trái phiếu mới tiềm ẩn rủi ro, còn vốn vay nước ngoài dài hạn như vốn ODA là an toàn, vì lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài.

 
Đại lộ Đông Tây (TP.HCM) được xây dựng bằng nguồn vốn ODA - Ảnh: Diệp Đức Minh

Vốn ODA (Official Development Assistance - hỗ trợ phát triển chính thức), bản thân khái niệm đó đã khá mập mờ, vì đây thực chất là vốn cho vay (viện trợ không hoàn lại chiếm tỷ lệ rất bé), dù thời hạn dài cũng là vốn vay có tính lãi, được chúng ta gọi một cách mập mờ hơn là vốn “viện trợ”. Cách gọi dẫn đến cách nghĩ và cách hành xử. Đã có không ít người, trong đó có nhiều quan chức, nghĩ đó là tiền “cho không”, dẫn đến việc sử dụng không tính đến hiệu quả. 

Nguy hiểm hơn là ngay cả các quan chức hiểu thực chất của vốn ODA cũng có cách hành xử không mấy trách nhiệm. Xuất phát từ thời gian trả nợ dài tới 30 - 40 năm, gánh nặng không thuộc về “nhiệm kỳ” của họ, không thuộc về thế hệ của họ, mà thuộc về con cháu chúng ta, những người đang còn trẻ thơ hoặc chưa ra đời để có thể lên tiếng, nên họ đã chấp nhận mọi điều kiện của bên cho vay, miễn là đem được vốn về.

Cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, trong một cuộc đối thoại trên truyền hình (VITV, ngày 19.6.2010) đã thừa nhận : “Tôi lấy ví dụ, cách đây một thời gian rất ngắn, chúng ta vừa mới khánh thành cầu Cần Thơ, tôi là người tham gia một cách trực tiếp đi tìm nguồn tài trợ. Khi nước Nhật đưa ra việc này trước hết họ nghĩ tới lợi ích của người lao động Nhật chứ không phải là lợi ích của Việt Nam (tất nhiên việc Việt Nam có cái cầu cũng rất quan trọng). Tôi lấy một thí dụ, trong rất nhiều điều kiện thì có một điều kiện gần như tiên quyết là phải trên 50% các thiết bị sắt thép làm cầu đó phải mua tại nước Nhật, trong khi theo giá thị trường thế giới lúc bấy giờ thép của Nhật đắt hơn từ 25 - 30% so với một loạt nước khác…”.

Không chỉ mỗi một cái cầu Cần Thơ mà tình trạng này là phổ biến trong đàm phán ODA, nhất là vốn ODA của Nhật, là nước cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Đó là chưa kể hầu hết các công trình sử dụng vốn ODA của Nhật đều do các nhà thầu Nhật làm, kể cả sau khi nước ta có Luật Đấu thầu thì việc đấu thầu quanh đi quẩn lại nhiều công trình cũng lọt vào tay các nhà thầu Nhật Bản.

Thời gian qua báo chí rộ lên thông tin về giá 1 km đường cao tốc làm bằng vốn ODA ở Việt Nam cao gấp 2,5 lần (có người nói gấp 3, gấp 4 lần) giá 1 km đường cao tốc ở Mỹ. Mặc dù có nhiều “phản biện”, chưa ai thống nhất với ai do chưa có cơ sở để tính toán đối chiếu, tin tức đó cũng cho thấy giá thành 1 km đường cao tốc ở Việt Nam cao ngất ngưởng. Chưa tính đến những thông tin còn tranh cãi này, chỉ riêng ở mức đội giá mà ông Trần Xuân Giá nêu ở trên đã khó có thể chấp nhận được rồi.

 
Tôi lấy ví dụ, cách đây một thời gian rất ngắn, chúng ta vừa mới khánh thành cầu Cần Thơ, tôi là người tham gia một cách trực tiếp đi tìm nguồn tài trợ. Khi nước Nhật đưa ra việc này trước hết họ nghĩ tới lợi ích của người lao động Nhật chứ không phải là lợi ích của Việt Nam... Trong rất nhiều điều kiện thì có một điều kiện gần như tiên quyết là phải trên 50% các thiết bị sắt thép làm cầu đó phải mua tại nước Nhật, trong khi theo giá thị trường thế giới lúc bấy giờ thép của Nhật đắt hơn từ 25 - 30% so với một loạt nước khác…
Ông Trần Xuân Giá,
Cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư , trong một cuộc đối thoại trên truyền hình (VITV, ngày 19.6.2010)

Không ai tính được nguồn vốn ODA và vốn vay quốc tế nói chung về đến đất nước này đã thất thoát bao nhiêu chục phần trăm, nhưng về định tính thì có thể thấy rõ 3 kênh thất thoát :

Kênh thứ nhất, như đã nói, chúng ta phải chấp nhận những điều kiện bất bình đẳng có lợi cho chủ nợ. Cần biết từ năm 1997 trở về trước các “nhà tài trợ” còn áp đặt rất mạnh khi cho vay ODA, thậm chí buộc chúng ta phải nhận vật tư thiết bị giá cao vượt xa giá thị trường. Giá thành của các công trình do các nhà thầu của nước cấp ODA cũng cao hơn nhiều so với giá của các công trình đấu thầu quốc tế công bằng và rộng rãi. Không ai phủ nhận sự cần thiết phải có nguồn vốn ODA và trong thực tế nó đã có tác dụng rất quan trọng, mở đường và hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển kinh tế và làm hoành tráng đất nước, nhưng cái giá mà con cháu chúng ta phải trả là quá đắt, chỉ tính riêng sự áp đặt của các chủ nợ.

Kênh thứ hai, dùng vốn vay để nhập thiết bị công nghệ lỗi thời, không những không đem lại hiệu quả kinh tế gì mà còn biến Việt Nam thành một bãi rác quốc tế. Việc nhập thiết bị lỗi thời từ nhà máy đường đến xi măng lò đứng của Trung Quốc ai cũng biết là một bài học nhưng không thấy ai học thuộc. Chưa ai thống kê được có bao nhiêu thiết bị công nghệ lỗi thời đã được nhập vào Việt Nam, chỉ biết là rất nhiều, nó có ở khắp nơi trong cả nước, thỉnh thoảng nhân vụ này vụ kia mới lòi ra một cái như cái ụ nổi Vinalines. Cần biết rằng sau khi giải thể xi măng lò đứng người ta lại ồ ạt nhập những thiết bị xi măng lò quay cũng của Trung Quốc thải ra. Dù có dùng vốn ODA hay không thì vốn các doanh nghiệp nhà nước vay để nhập các thứ rác rưởi đó cũng do chính phủ bảo lãnh và chính phủ cũng đã phải lấy tiền vay ra trả nợ.

Kênh thứ ba, là tham nhũng. Từ khoảng năm 2000 trở về trước, dù không có bất cứ văn bản cấm nào nhưng báo chí không ai dám động đến việc sử dụng vốn vay ODA. Có một hàng rào vô hình nào đó biến vùng này thành một vùng cấm kỵ. Các cơ quan điều tra cũng như báo chí khó có đủ dũng khí lao vào vùng cấm đó. Vụ PMU18 đã “vang dội” một thời. Những vụ tham nhũng vốn ODA sau này, như vụ Huỳnh Ngọc Sỹ trong công trình đại lộ Đông Tây cũng chủ yếu được phát hiện từ… nước ngoài. Tham nhũng ODA ở ngành đường sắt Việt Nam, nước Nhật người ta đã thấy rõ ràng, còn ở Việt Nam chỉ mới dám nói là “nghi án”. Tất nhiên cái kênh thứ hai và kênh thứ ba liên quan mật thiết với nhau. Việc nhập thiết bị công nghệ lỗi thời tất nhiên có tham nhũng, chỉ có điều không thấy chứng cứ, trừ cái ụ nổi Vinalines, hoặc giả là có chứng cứ nhưng đã bị dìm trong quên lãng.

Gọi nguồn vốn ODA là nguồn vốn vay an toàn là an toàn cho vài ba nhiệm kỳ của bộ máy lãnh đạo, còn đối với đất nước, đối với tương lai của con cháu thì nó chẳng an toàn chút nào, nếu như ba cái kênh thất thoát kia không được ngăn chặn. Kênh thứ nhất có thể dùng lương tâm và đạo lý để kêu gọi, nhưng kênh thứ hai và kênh thứ ba thì chỉ có thể giảm thiểu bằng việc giảm thiểu vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và bằng một nhà nước pháp quyền, mà Nhà nước pháp quyền của chúng ta thì chưa được hoàn thiện… (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

>> Cục nợ công
>> Nợ công có thể đã chạm mức giới hạn
>> Mỗi người Việt gánh thêm 1,8 triệu đồng nợ công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.