Đào tạo người thầy mà Bộ LĐ-TB-XH quản lý là không hợp lý

06/11/2014 06:00 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo luật Dạy nghề , sáng qua (5.11), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nên giao cho Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

 

Hiện nay hầu hết các trường ĐH đều đào tạo bậc CĐ. Nếu bậc học này giao cho Bộ LĐ-TB-XH quản lý thì chẳng lẽ cùng một trường ĐH, 2 bậc học khác nhau sẽ có 2 bộ quản lý? - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Bên cạnh một vài ý kiến đồng ý với dự thảo, phần lớn các đại biểu (ĐB) như Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Phạm Thị Hải (Đồng Nai), Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh)… đề nghị giao quản lý giáo dục nghề nghiệp cho Bộ GD-ĐT để tạo liên thông giữa các cấp học thành một hệ thống. Việc xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo giữa các cấp học có sự hỗ trợ lẫn nhau.

Không nên cắt từng đoạn giao cho nhiều bộ quản lý

 

Đào tạo người thầy mà Bộ LĐ-TB-XH quản lý là không hợp lý

Bộ LĐ-TB-XH chỉ thực hiện trách nhiệm là cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ, tương tự như cách các bộ, ngành khác đã và đang thực hiện. Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân như luật và Hiến pháp đã quy định là thuộc về chức năng, nhiệm vụ của Bộ  GD-ĐT

ĐB TRẦN MINH DIỆU

ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm đưa ra 4 lý do nên giao cho Bộ GD-ĐT quản lý, trong đó đặc biệt băn khoăn nếu việc sáp nhập CĐ với CĐ nghề giao cho Bộ LĐ-TB-XH quản lý cả hệ thống trường CĐ sư phạm. “CĐ sư phạm tính chất giáo dục hết sức cao, để đào tạo ra người thầy mà lại là Bộ LĐ-TB-XH quản lý là không hợp lý”, ĐB Nhiệm phát biểu.

ĐB Nguyễn Thị Phúc cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, nếu giao cho Bộ GD-ĐT quản lý sẽ có sự thống nhất việc quản lý, tham mưu đồng bộ về chế độ chính sách cho cả nhà giáo dạy chữ và nhà giáo dạy nghề.

ĐB Trần Minh Diệu không đồng tình với lý do báo cáo giải trình nêu ra, cho rằng trước đây Bộ GD-ĐT có quản lý mảng dạy nghề nhưng chưa thật tốt. Hiện nay, Bộ GD-ĐT lại nhiều việc, nếu giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có thể thêm gánh nặng. “Đó là cách giải trình chưa thực sự thuyết phục”, ông Diệu nhận định và đề xuất: “Không có cơ sở và cũng không thể nói là bộ nào nhiều việc hơn bộ nào. Tôi đề nghị Bộ LĐ-TB-XH chỉ thực hiện trách nhiệm là cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ, tương tự như cách các bộ, ngành khác đã và đang thực hiện. Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân như luật và Hiến pháp đã quy định là thuộc về chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT”.

Trước băn khoăn cho rằng Bộ GD-ĐT quản lý về dạy nghề có thể không tốt, ĐB Diệu cho rằng: “Nếu quản lý chưa tốt, chưa hiệu quả thì phải đầu tư thêm về điều kiện, tăng cường thêm về chỉ đạo và tìm các giải pháp tích cực để quản lý cho tốt. Không thể vì ít quan tâm, gánh nặng công việc, quản lý chưa tốt, chưa tạo được sự phát triển... mà giao lại cho bộ khác quản lý là hoàn toàn không thuyết phục”.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé phân tích: “Chúng ta nói cần gom gọn một đầu mối quản lý nhưng phân công quản lý nhà nước về GD-ĐT theo dự thảo này thì chia ra, nghĩa là GD-ĐT tiếp tục bị phân tán trong quản lý từ đó tiếp tục phân tán trong vấn đề đầu tư. Thời gian qua, vấn đề đào tạo thừa, nhu cầu lao động qua đào tạo thiếu là vì sự phối hợp không chặt chẽ giữa hai bộ”. ĐB Bé còn đề nghị: “Nếu quản lý yếu kém do con người thì cần thiết Chính phủ cũng nên tái cơ cấu bộ máy quản lý của ngành giáo dục để bộ phận tham mưu cho Chính phủ quản lý về giáo dục được tốt hơn. Không nên cắt từng đoạn của hệ thống giáo dục giao cho nhiều bộ quản lý”.

Chồng chéo và trái luật

ĐB Trần Minh Diệu không tán thành việc mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh đối với hệ thống giáo dục trình độ CĐ ở các cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước. ĐB này nêu các lý do: Luật Giáo dục hiện hành quy định giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm dạy nghề và TCCN. Luật Giáo dục ĐH do QH vừa thông qua và có hiệu lực thi hành đã quy định hệ thống giáo dục CĐ thuộc đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật Giáo dục ĐH. “Như vậy, nếu mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh thêm đối với giáo dục CĐ sẽ là sự chồng chéo, vừa không phù hợp với luật Giáo dục vừa trái với quy định của luật Giáo dục ĐH”, ĐB Diệu nói.

Cũng theo ĐB Diệu, nếu mở rộng phạm vi và đối tượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả đào tạo trình độ CĐ như dự thảo sẽ gây nên sự xáo trộn rất lớn trong hệ thống giáo dục CĐ, ĐH.

ĐB Nguyễn Bích Nhiệm nêu thực tế: Đối tượng điều chỉnh bao gồm cả TCCN và CĐ nhưng hầu hết các trường TCCN và CĐ chưa đồng tình do không được tham khảo. Bên cạnh đó, hầu hết 63 sở GD-ĐT không được tham gia vào quá trình trao đổi bàn bạc. “Điều này không phù hợp với nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ĐB Nhiệm nói.

Trước những vấn đề lớn còn nhiều băn khoăn như trên, một số ĐB đề nghị QH cần nghiên cứu kỹ hơn và cân nhắc có thể thông qua ở kỳ họp sau.

Có thể sẽ yêu cầu Chính phủ tiếp tục giải trình

Trước nhiều ý kiến băn khoăn của ĐBQH, trao đổi với PV Thanh Niên chiều 5.11, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho rằng có thể Ủy ban Thường vụ QH sẽ đề nghị Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu kỹ các ý kiến và tiếp tục giải trình trước khi QH “bấm nút” thông qua dự luật vào cuối kỳ họp. Nếu Chính phủ giải trình thuyết phục thì tiếp tục trình QH về việc phân công như Chính phủ quyết định. Còn nếu giải trình chưa thuyết phục thì sẽ tiếp tục giao cho Chính phủ phân công sau mà chưa đưa vào luật, tùy tình hình và công tác điều hành của Chính phủ. Ông Thi cũng cho rằng, có thể tính tới việc sẽ phát phiếu khảo sát cho tất cả các ĐBQH để lấy ý kiến về vấn đề này trước khi QH thông qua dự luật.

Quản lý giáo dục nghề nghiệp ở các nước

Hàn Quốc: Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm giáo dục nghề nghiệp, xem xét chỉnh sửa nội dung chương trình sao cho phù hợp với nhu cầu của các ngành công nghiệp. Trong khi đó, Bộ Lao động và Bộ Nông nghiệp - Lâm nghiệp quản lý các trường đào tạo nghề của nhà nước.

Mỹ: Văn phòng Giáo dục người lớn và nghề nghiệp thuộc Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm quản lý và điều phối các chương trình cấp quốc gia liên quan đến giáo dục người lớn, giáo dục nghề nghiệp và các trường CĐ cộng đồng. Chính quyền các bang chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý giáo dục nghề nghiệp. Mỗi tiểu bang có một ban giáo dục nghề nghiệp, nhưng việc tổ chức và quản lý không giống nhau. Giám đốc phụ trách về giáo dục nghề nghiệp của bang này có thể thuộc ngành giáo dục nhưng ở bang khác có thể là người của ban phát triển nguồn nhân lực.

Phần Lan: Bộ Giáo dục - Văn hóa quản lý giáo dục nghề nghiệp với hơn 50 ngành nghề đào tạo như du lịch, ẩm thực, môi trường, nguồn tài nguyên, chăm sóc y tế, công nghệ thông tin, công tác xã hội... Còn Bộ Nội vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp trên các lĩnh vực an ninh và cứu hộ cho cảnh sát, lính cứu hỏa...

Mexico: Bộ Giáo dục có nhiều đơn vị quản lý về giáo dục nghề nghiệp. Mỗi đơn vị sẽ chịu trách nhiệm về nội dung, quản lý và đối tượng học khác nhau. Chính phủ liên bang và chính quyền bang cùng quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Thái Lan: Giáo dục nghề nghiệp cũng do Bộ Giáo dục quản lý.

MINH TRUNG (tổng hợp)

Tuệ Nguyễn

>> ĐBQH chuyên trách thảo luận về dự án Luật Dạy nghề: Quy định rõ hơn về vấn đề liên thông trong đào tạo
>> Hơn 81,3 tỉ đồng phát triển trường dạy nghề chất lượng cao
>> Việt Nam cần xây dựng hệ thống dạy nghề chất lượng
>> 6 môn học bắt buộc trong chương trình dạy nghề của nước ngoài

  

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.