Lần đầu tiên có vắc xin sốt xuất huyết đạt hiệu quả phòng bệnh 56,5%

03/11/2014 19:20 GMT+7

(TNO) Chiều nay (3.11), Viện Pasteur (TP.HCM) và Công ty Sanofi Pasteur đã công bố kết quả nghiên cứu vắc-xin sốt xuất huyết (SXH) sau giai đoạn thử nghiệm tại ở Việt Nam, với hiệu quả ngăn ngừa được 56,5% ca bệnh.

 
Nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) mỗi năm - Ảnh: Nguyên Mi

Lần đầu tiên chứng minh hiệu quả vắc-xin ngừa SXH

Năm 2011, Công ty Sanofi Pasteur đã đưa vắc xin ngừa SXH vào thử nghiệm giai đoạn 3 để xác định hiệu quả phòng bệnh. Thử nghiệm được thực hiện với 10.275 trẻ em từ 2-14 tuổi tại 5 quốc gia lưu hành bệnh SXH gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, nghiên cứu do Viện Pasteur (TP.HCM) thực hiện với 2.336 trẻ em, tại TP.Long Xuyên (An Giang) và TP.Mỹ Tho (Tiền Giang).

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu hiệu quả của vắc-xin SXH tại Việt Nam, cho biết: Trẻ tham gia nghiên cứu được tiêm 3 mũi vắc xin cách nhau mỗi 6 tháng. Sau 3 mũi tiêm, nghiên cứu đã tiến hành theo dõi thêm 13 tháng để đánh giá hiệu quả của vắc xin.

Kết quả chung của 5 quốc gia cho thấy, vắc xin SXH đã giúp ngăn ngừa được 56,5% ca bệnh có triệu chứng gây ra do bất kỳ tuýp vi rút dengue nào; làm giảm được 88,5% ca SXH thể nặng dựa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giảm 67% nguy cơ nhập viện do SXH.


Trẻ được tiêm thử nghiệm vắc xin sốt xuất huyết - Ảnh: Sanofi Pasteur 

Ông Hữu cho biết thêm, cho đến nay (13 tháng sau khi tiêm mũi thứ 3) có thể đánh giá vắc xin có hiệu quả bảo vệ ít nhất là 12 tháng. Còn để có thể kết luận thời gian bảo vệ của vắc xin là bao lâu thì theo ông Hữu, nghiên cứu còn phải theo dõi ít nhất 5 năm nữa theo quy định của WHO. Sau khi kết luận chính xác hiệu lực bảo vệ của vắc xin, nhà sản xuất, cơ quan y tế mới tính đến việc vắc xin có cần tiêm nhắc hay không.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tính an toàn của vắc xin SXH khi chưa ghi nhận bất cứ phản ứng nặng nào do vắc xin gây ra.

Nghiên cứu vắc xin SXH còn tiếp tục thực hiện đến tháng 11.2017 nhằm theo dõi tính an toàn lâu dài của vắc xin đối với trẻ em tham gia cuộc nghiên cứu. Đồng thời, Viện Pasteur TP.HCM và Công ty Sanofi Pasteur sẽ tiếp tục phân tích đầy đủ hơn dữ liệu đánh giá hiệu quả và an toàn của vắc xin SXH.

Kết quả nghiên cứu vắc xin SXH dengue đã đánh dấu đây là lần đầu tiên phát minh ra vắc xin ngừa SXH và chứng minh được rằng bệnh SXH hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin.

Có thể áp dụng vắc xin SXH tại VN?

Về khả năng sử dụng vắc xin SXH trong phòng bệnh tại cộng đồng ở Việt Nam, Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: Việc đưa vắc xin vào sản xuất, thương mại hóa và sử dụng đại trà thì phải sau năm 2017, khi nghiên cứu được hoàn thành. Vắc xin phải được đánh giá theo quy định, đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của WHO mới được lưu hành trên thế giới. Khi đó, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, mới tính đến việc đưa vắc xin vào chương trình tiêm chủng. Vắc xin sau đó phải qua đánh giá của Hội đồng sử dụng vắc xin của VN mới được trình Nhà nước quyết định cho phép hay không cho phép sử dụng tại nước ta.

 
Muỗi tấn công khiến trẻ ngồi học phải giăng mùng ở TP.HCM để phòng bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: Lương Ngọc

“Chúng ta hoàn toàn đánh giá cao các nghiên cứu về vắc xin nói chung và vắc xin SXH nói riêng. Để đưa một vắc xin từ kết quả nghiên cứu thành công ra sử dụng đại trà còn phải qua nhiều bước nữa. Riêng ở Việt Nam, Bộ Y tế luôn mong muốn có nhiều loại vắc xin được áp dụng để phòng bệnh cho trẻ em. Vắc xin SXH là cần thiết nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và được WHO công nhận”, ông Phu khẳng định.

Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá: “Chúng ta đang tiến dần đến vắc xin phòng bệnh SXH. Việc ra đời của một vắc xin SXH dengue kết hợp với các biện pháp dự phòng khác sẽ giúp cho cuộc chiến đấu chống lại căn bệnh SXH có hiệu quả hơn, mang lại những lợi ích to lớn cho ngành y tế nói riêng và tình hình kinh tế - xã hội nói chung”.

Theo WHO, bệnh SXH là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng của thế giới. Mỗi năm, trên thế giới, ước tính có 50 triệu người nhiễm SXH, với khoảng 500.000 người cần nhập viện và 25.000 người tử vong. Tính riêng tại Việt Nam, mỗi năm ước có khoảng hơn 90.000 ca SXH, với gần 90 ca tử vong.

Mục tiêu của WHO là đến năm 2020, giảm 50% tỉ lệ tử vong do SXH và giảm ít nhất 25% tỉ lệ mắc SXH trên toàn thế giới.

Nguyên Mi

>> Đà Nẵng lo dịch sốt xuất huyết
>> Cẩn thận với sốt xuất huyết diễn tiến nặng ở trẻ
>> TP.HCM gia tăng bệnh sốt xuất huyết
>> Thả muỗi kháng sốt xuất huyết ra môi trường
>> Có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.