Có cần thiết phải luật hóa việc đặt tên con

29/10/2014 17:00 GMT+7

Chợt hình dung, nếu một khi cái 'luật Đặt tên' kia mà được chấp nhận thì nhà nước sẽ phải lập danh sách dài dằng dặc hàng triệu cái tên cấm không được đặt để đưa vào luật, đi kèm đó là phần giải thích tên nào là xấu, tên nào không đáp ứng thuần phong mỹ tục, tên nào gây mặc cảm…

Chợt hình dung, nếu một khi cái “luật Đặt tên” kia mà được chấp nhận thì nhà nước sẽ phải lập danh sách dài dằng dặc hàng triệu cái tên cấm không được đặt để đưa vào luật, đi kèm đó là phần giải thích tên nào là xấu, tên nào không đáp ứng thuần phong mỹ tục, tên nào gây mặc cảm…


ĐBQH Nguyễn Thị Nhung đề nghị Quốc hội luật hóa việc đặt tên con - Ảnh: Trường Sơn

"Công dân có quyền đối với họ, tên. Họ tên của một người được xác định theo tên khai sinh của người đó". Điều 26 Bộ luật Dân sự nước CHXHCN Việt Nam đã quy định như thế.

Đối với trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài thì Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ cũng có quy định, việc đặt tên Việt Nam hay tên nước ngoài là theo sự lựa chọn của cha mẹ.

Tôi cho rằng, luật pháp Việt Nam như vậy là quá rõ ràng và phù hợp với quyền còn người trong việc đặt tên cho con cái.

Vậy nhưng, một vị đại biểu của dân tại Quốc hội lại đang lấy tư cách đại diện cho một số cán bộ hộ tịch, tư pháp cơ sở yêu cầu Quốc hội luật hóa việc quy định đặt tên con của người Việt Nam. Bà cho rằng, phải đặt tên thuần Việt, sao cho hợp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán để bớt làm khó cho cán bộ hộ tịch và gây phức tạp khi sử dụng…

Bà nói: “Đó là những vướng mắc ở cơ sở mà cán bộ hộ tịch đã cho ý kiến khi chúng tôi đi giám sát. Vì vậy, tôi đề nghị nếu luật Hộ tịch không quy định xác định họ, dân tộc và nguyên tắc đặt tên thì cần xây dựng một luật mới là luật Đặt tên hay quy định rõ hơn trong Bộ luật Dân sự sửa đổi sắp tới”.

 

Can thiệp vào việc này là đi ngược lại Hiến pháp 2013, vi phạm quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư và bí mật gia đình của công dân. Không những thế, nó còn không phù hợp thông lệ quốc tế và cản trở xây dựng quan hệ dân sự.

Trong khi đó, những cái tên không được thuận như bà đại biểu Quốc hội không chấp nhận trên thực tế cũng chỉ là số ít và chưa có biểu hiện gì ảnh hưởng tới “hòa bình thế giới”, cản trở người thi hành công vụ… Chỉ là có thể làm “phiền” tí chút các cán bộ cơ sở khó tính vốn vẫn ban phát thừa thãi những phiền toái cho người dân.

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của dân, là người nắm chắc luật pháp bởi họ là thành phần quan trọng của cơ quan lập pháp quốc gia. Nhưng qua kiến nghị trên, người ta thấy cả hai yếu tố quan trọng trên của người đại biểu nhân dân đều mờ nhạt ở vị đại biểu này.

Việc cho rằng đặt những cái tên nửa tây nửa ta, những tên xấu, mất thẩm mỹ, tên quá dài… gây khó khăn cho cán bộ cơ sở là chưa thỏa đáng. Trong trường hợp này, cán bộ cơ sở có trách nhiệm góp ý, hoặc tư vấn cho người dân đặt cho con mình những cái tên dễ nghe hơn, đẹp hơn mà thôi, còn khi người dân đã quyết định thì không ai có quyền từ chối. Trên thực tế, nhiều người dân phàn nàn việc cán bộ cơ sở từ chối hoặc gây khó dễ khi họ không đặt một cái tên thông thường cho con mình trong khai sinh.

Từ xưa đến nay, với người Việt Nam nói chung, đặt tên cho con là chuyện các ông bố, bà mẹ rất quan tâm, cân nhắc, thậm chí tên của đứa trẻ sắp chào đời còn được cả ông bà và những người thân trong gia đình cùng suy nghĩ rồi mới đưa ra quyết định. Tất nhiên, cũng có gia đình vì cha mẹ ít chữ, hoặc đơn giản cho rằng đặt tên sao cho dễ nuôi là được nên mới dẫn tới những cái tên không được thuận lắm. Trong trường hợp khác, nhiều người muốn đặt tên con theo tên một nhân vật, một địa danh nước ngoài nào đó mà mình thích hoặc có ấn tượng sâu sắc, hoặc cũng có thể tên con gắn với một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời…

Dù là lý do gì, đó vẫn là quyền của mỗi người, không pháp luật nào cấm đoán. Một khi can thiệp vào việc này là đi ngược lại Hiến pháp 2013, vi phạm quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư và bí mật gia đình của công dân. Không những thế, nó còn không phù hợp thông lệ quốc tế và cản trở xây dựng quan hệ dân sự. Trong khi, những cái tên được cho là xấu, không phù hợp cũng chỉ là số ít và chưa có biểu hiện gì ảnh hưởng tới “hòa bình thế giới”, cản trở người thi hành công vụ… Chỉ là có thể làm “phiền” tí chút các cán bộ cơ sở khó tính vốn vẫn ban phát thừa thãi những phiền toái cho người dân.

Viết tới đây, tôi chợt hình dung nếu một khi cái “luật Đặt tên” kia mà được chấp nhận thì nhà nước mình sẽ phải lập danh sách dài dằng dặc hàng triệu cái tên cấm không được đặt để đưa vào luật, đi kèm đó là phần giải thích tên nào là xấu, tên nào không đáp ứng thuần phong mỹ tục, tên nào gây mặc cảm… Lại nữa, nhiều người sẽ vì quy định này mà quyết định ra nước ngoài sinh con vì sẽ được tự do đặt tên cho con.

Rất may, đây mới chỉ là ý kiến đơn lẻ của một đại biểu Quốc hội. Mong rằng Quốc hội sẽ có những phản biện tích cực để vấn đề này được trở nên rõ ràng, thuận tiện hơn cho người dân. Để người dân bớt đi áp lực trước những quy định không ăn nhập với đời sống xã hội dội xuống họ.

Lê Bảo Ngọc*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân TP.HCM

>> Đề xuất quy định phải đặt tên ‘thuần Việt’ khi khai sinh
>> Có căn cước công dân, vẫn phải có Giấy khai sinh
>> Bán quyền đặt tên con

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.