Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do

28/10/2014 08:10 GMT+7

(TNO) Liên quan đến việc kiềm chế nợ công, cần nghiên cứu kỹ các điều khoản của Hiến pháp Mỹ . Các nhà lập quốc Mỹ là những vĩ nhân nhìn xa trông rộng, nhưng do sự khác biệt không tránh khỏi về quan điểm và xu hướng, các vị đã phải chấp nhận một số thỏa hiệp để thông qua Hiến pháp.

>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson

Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
Trang đầu của Hiến pháp Mỹ

Trong những thỏa hiệp có sự thỏa hiệp về vấn đề tiền nong công nợ. Hiến pháp Mỹ một mặt cho phép Quốc hội được vay nợ, nhưng mặt khác lại không cho phép phát hành tiền giấy. Tại điều 1, khoản 8, nói về quyền của Quốc Hội: “…Đúc tiền, quy định giá trị đồng tiền trong nước và đồng tiền (kim loại) nước ngoài, xác định tiêu chuẩn cân đo” (To coin Money, regulate the Value thereof, and of foreign Coin, and fix the Standard of Weights and Measures). Tôi phải dẫn nguyên văn tiếng Anh của câu này để thấy sự lạ lùng của một bản dịch tiếng Việt của Hiến pháp Mỹ lưu hành trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Cụm từ “To coin Money” chỉ có nghĩa là “đúc tiền” nhưng trên website nói trên lại dịch là “Đúc và in tiền”. Tôi không hơi đâu bắt bẻ về cách dùng từ ngữ, nhưng việc tùy tiện thêm chữ “in tiền” như vậy đã làm sai lệch một cách căn bản nội dung một điều khoản của Hiến pháp, bởi vì theo tinh thần của Hiến pháp Mỹ, công dân được làm những gì mà luật pháp không cấm còn Nhà nước chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép, điều khoản này có hàm ý không cho phép Quốc hội in tiền giấy pháp định.

Ai nghiên cứu kỹ lịch sử nước Mỹ đều biết, việc in tiền pháp định được đưa ra trong bản dự thảo đầu tiên, nhưng đa số các nhà lập quốc - những người ký tên vào bản Hiến pháp, đã kịch liệt phản đối. G. Washington thẳng thừng bác bỏ nó, James Madison coi nó là “trò gian manh và hành động bất lương”, còn John Langdon thì bảo ông sẵn sàng từ chối liên bang còn hơn là cho phép in tiền pháp định. Cần chú ý thêm là sau khi Hiến pháp có hiệu lực, Quốc hội Mỹ đã ban hành đạo luật đúc tiền (1792), quy định cụ thể hàm lượng vàng và bạc trong đồng đô la và định tỷ giá giữa tiền vàng và tiền bạc. Điều thú vị là sau khi quy định trọng lượng, độ thuần khiết và chuẩn mực của đồng tiền, việc đúc tiền sẽ được đấu thầu thực hiện, từ đây cũng mở đường cho tư nhân đúc tiền. Tiền tư nhân đúc ra nếu bảo đảm đúng tiêu chuẩn, Nhà nước sẽ đóng dấu xác nhận để được lưu hành hợp pháp, việc đúc tiền tự do này kéo dài mãi đến khi luật cấm vàng ra đời năm 1934, vào thời F.D. Roosevelt.

Cũng tại điều 1, khoản 10, Hiến pháp Mỹ cấm các bang: “…(Không được) đúc tiền, phát hành tín phiếu, dùng bất cứ thứ gì ngoài đồng tiền vàng và bạc để thanh toán các khoản nợ” (…coin Money; emit Bills of Credit; make anything but gold and silver Coin a Tender in Payment of Debts…). Câu này cũng bị bản tiếng Việt trên website Đại sứ quán Mỹ làm ngược nghĩa khi dịch: “Không được đúc tiền hoặc phát hành trái phiếu, hoàn toàn không được dùng các đồng tiền vàng và bạc để thanh toán các khoản nợ”. Bởi vì nội dung quan trọng tại khoản này của Hiến pháp là chỉ cho phép các bang dùng tiền vàng và bạc để thanh toán nợ.

“Quyền tự nhiên của con người là quyền sống, quyền tự do, quyền tư hữu tài sản” là phát kiến vĩ đại của nhà triết học John Locke, được các nhà lập quốc Mỹ long trọng đưa vào bản Tuyên ngôn độc lập, với việc mở rộng quyền tư hữu thành quyền “mưu cầu hạnh phúc”, và là nền tảng của Hiến pháp Mỹ (Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa tư tưởng này vào Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Hiến pháp Việt Nam năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo cũng đã dành điều 12 để ghi: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”). Việc quy định chỉ được đúc tiền và chỉ cho phép dùng tiền vàng và bạc để thanh toán nợ tại khoản 8 và khoản 10 điều 1 Hiến pháp thực chất là sự loại bỏ các loại tiền tệ giá rẻ để đưa vàng và bạc làm tiền tệ thống nhất trong toàn liên bang, chính là để Hiến định cái quyền tự nhiên bất khả xâm phạm về tài sản nói trên của người dân.

Lấy tiền kim loại làm nền tảng, Hiến pháp vừa bảo đảm cho tài sản của người dân không bị tước đoạt bởi lạm phát, vừa tạo sự tin cậy trong làm ăn buôn bán, thúc đẩy sản xuất và thương mại phát triển. Tờ Pennsylvanta Gazette số ra ngày 16.12.1789 viết: “Kể từ khi Hiến pháp liên bang xóa bỏ tất cả mọi nguy hiểm của việc duy trì pháp lệnh tiền giấy, nền thương nghiệp của chúng ta đã tăng lên 50%”(*). Xuất khẩu của Mỹ tăng từ 19 triệu USD năm 1791 lên 93 triệu USD năm 1801. Thâm hụt ngân sách liên bang giảm từ mức 28% năm 1792 xuống còn 21% năm 1795, đến năm 1802 thì số ngân sách thặng dư lên đến mức tương đương với tổng chi ngân sách. Douglas North, nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 1993, nhận xét: “Những năm 1793-1808 là giai đoạn thịnh vượng vô song”(*).

Việc quy định chỉ được dùng tiền vàng hoặc bạc để thanh toán nợ còn thể hiện sự sòng phẳng tử tế của một quốc gia, là một trong những thông điệp hòa bình của nước Mỹ, đồng thời cũng để hạn chế việc vung tay quá trán trong vay mượn, bởi vì quốc gia sẽ phải dùng tài sản thật của mình để trả nợ.

Tuy vậy, do phải thỏa hiệp nên Hiến pháp Mỹ vẫn còn một “gót chân Achilles”, đó là quyền vay nợ không bị giới hạn của Nhà nước, điều khoản mà Thomas Jefferson hối tiếc là chưa sửa được. Cái “gót chân Achilles” này sẽ biến thành bom tấn và bom hạt nhân vào thế kỷ 20, nhưng tạm thời chưa gây tác hại nhiều ở thế kỷ 19.

Dù các cuộc chiến tranh Anh-Mỹ năm 1812, tiếp đó là nội chiến 1861-1865, các cuộc suy thoái kinh tế vào các năm 1873, 1893 và 1907, khiến cho nợ nần có lúc gia tăng, lạm phát có lúc đột biến, nhưng không cản được nước Mỹ tiến bước trên đường tự do và thịnh vượng.

Lạm phát thực chất là một khoản thuế lạm thu trá hình, là sự tước đoạt tài sản của người dân, nhưng ngày nay do bị chi phối bởi các tri thức kinh tế học vĩ mô hiện đại, người ta coi lạm phát là chuyện bình thường. Không những vậy, lạm phát còn được đưa thành chỉ tiêu “cân đối vĩ mô”, khi nào lạm phát thấp các chuyên gia kinh tế còn la lối “giảm phát! giảm phát!”, coi đó là điều không tốt. Hãy nhìn vào biểu đồ kèm theo đây để thấy, từ năm 1800 đến năm 1913 là thời điểm trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trong khoảng thời gian 113 năm, giá tiêu dùng ở Mỹ hầu như không thay đổi, thậm giá giá cả năm 1913 còn thấp hơn thời điểm năm 1800, điều đó có nghĩa là đồng tiền của người Mỹ, tài sản của người Mỹ đã không bị ai tước đoạt. Đó là thành tựu diệu kỳ của một bản Hiến pháp tự do.

Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
Diễn biến giá tiêu dùng của nước Mỹ từ năm 1800

Về nợ công, như chúng tôi đề cập ở phần trước, tổng thống Andrew Jackson làm sạch nợ nước Mỹ vào năm 1835. Trong những năm tiếp theo, thời kỳ 1836-1942, nợ công chỉ duy trì ở mức chưa tới 1%GDP, thời kỳ 1843-1861, duy trì ở mức 0,7 đến cao nhất là 2,6% GDP, cuộc nội chiến đã khiến nợ nần gia tăng nhưng mức đỉnh chỉ lên tới 32,6% vào năm 1869, sau đó giảm dần, đến năm 1913 chỉ còn ở mức 7,3%GDP (cần chú ý, trước năm 1930 không có số liệu về GDP vì chưa áp dụng “kinh tế vĩ mô” trong quản lý, việc tính theo tỷ lệ GDP chỉ là sự phỏng tính để tiện so sánh). Tóm lại, suốt thế kỷ 19 cho tới trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nợ công của nước Mỹ đã được kiềm chế tối đa, việc gia tăng chủ yếu do hậu quả của nội chiến nên là điều bất khả kháng. Các nhà lập quốc Mỹ chỉ để lại cho con cháu những thành quả vĩ đại, không hề để lại gánh nặng nợ nần… (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

(*) Trích từ Những âm mưu từ đảo Jekyl, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, năm 2009.

>> Cục nợ công
>> Nợ công có thể đã chạm mức giới hạn
>> Mỗi người Việt gánh thêm 1,8 triệu đồng nợ công
>> Khổ sở đi đòi nợ công ty vàng
>> 4 tháng tăng thêm 3 tỉ USD nợ công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.