Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài bị chê: Cần một cách nhìn cầu thị

21/10/2014 16:50 GMT+7

Những nhận xét về những hạn chế của Nội Bài và Tân Sơn Nhất là chính xác. Người dân và báo chí từng nhiều lần góp ý nhưng không ai nghe, chỉ khi một trang mạng cá nhân ở nước ngoài thông tin mới à lên kinh ngạc. Đó không phải là tâm lý của những người cầu thị...

Những nhận xét về những hạn chế của Nội Bài và Tân Sơn Nhất là chính xác. Người dân và báo chí nhiều lần góp ý nhưng không ai nghe, chỉ khi một trang mạng cá nhân ở nước ngoài thông tin mới à lên kinh ngạc. Đó không phải là tâm lý của những người cầu thị... 


Nhà chờ trong sân bay Nội Bài - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sáng qua (20.10), vừa ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, chưa đến nhà, mấy người bạn ra đón tôi đã sôi nổi bàn tán việc mấy sân bay Việt Nam bị xếp hạng kém nhất châu Á. Ai cũng bức xúc và cảm thấy lòng tự hào dân tộc bị tổn thương. Họ hỏi tôi: “Bên Mỹ, có biết việc này không?”. Tôi bảo: “Chưa nghe và dù có thì cũng chẳng hơi sức đâu mà để ý quá mức  mấy lời khen chê đó”. Tối về mở mạng mới thấy báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin: “Mạng Sleepinginairport xếp hạng 2 sân bay xịn nhất Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất nằm trong Top Ten các sân bay tệ nhất châu Á”. Công nhận là người Việt quan tâm đến những vấn đề thời sự của đất nước.

Những nhận xét về những hạn chế của Nội Bài và Tân Sơn Nhất là chính xác. Người dân và báo chí từng nhiều lần góp ý nhưng không ai nghe, chỉ khi một trang mạng cá nhân ở nước ngoài thông tin mới à lên kinh ngạc.

Cục Hàng không dân dụng đáng lẽ phải tiếp thu và cám ơn, thay vì thanh minh, chống chế và cho rằng Sleepinginairports là trang mạng cá nhân không đủ tin cậy. Vấn đề ở đây là nhận xét đúng hay sai? Cái nào đúng thì cố gắng sửa, chưa đúng thì xem lại tại sao họ nghĩ sai. Không thể bắt thiên hạ nghĩ theo mình. Phải cám ơn vì họ đã quan tâm xếp hạng sân bay nước mình. Nhờ đó mọi người mới có dịp bàn luận sôi nổi và được các vị lãnh đạo để mắt tới.

 
Điều quan trọng nhất mà các sân bay Việt Nam phải làm ngay là thay đổi từ nhận thức đến thái độ phục vụ, thể hiện sự thân thiện, hiếu khách bởi đây là “bộ mặt của đất nước”. Nhân viên hàng không, sân bay, cửa khẩu… là những “sứ giả ngoại giao” thật sự.
Trang mạng new7wonders.com bình chọn cho Hạ Long cũng là của tư nhân do Bernard Weber sáng lập, thiên hạ ít ai chú ý. Vậy mà Việt Nam rầm rộ hưởng ứng, cứ như là của Unesco. Lại còn bỏ ra cả đống tiền để được khen và làm lễ hoàng tráng.  Sleepinginairports đã góp ý đúng, lại không tốn xu teng nào thì bị dè bỉu. Phải chăng tâm lý người Việt chỉ thích khen, dù tốn tiền cũng được và chưa chắc đúng, còn chê thì ngược lại? Ở đời, khen chê là chuyện bình thường. Hồi học ở Việt Nam, tôi từng được dạy: “Ai khen ta đúng là bạn tốt của ta, ai chê ta đúng là thầy giỏi của ta”.  Đừng vội mừng khi được khen và chớ vội buồn khi bị chê.

Trang mạng Sleepingiairports do cô Dana Mc Sherry, hiện sống ở Canada, thành lập năm 1996; dựa vào “4 C” gồm: Comfor - thoải mái, Convenience - tiện nghi, Cleanlines - sạch sẽ, Custumae services -dịch vụ khách hàng. Ngay tên gọi cũng thể hiện khái quát nội dung trang web. Tôi đã đến các sân bay ở Indonesia, Myanmar, Ấn Độ…và thấy nhiều mặt kém hơn Tân Sơn Nhất; chưa kể các sân bay ở Afghanixtan, Iraq, Mông Cổ…

Mỹ có 15.095 sân bay, nhiều nhất thế giới. Indonesia có 683 sân bay trong đó hàng chục sân bay quốc tế. Sân bay Quảng Châu, Trung Quốc có tên trong bảng phong thần càng dấy lên nghi ngờ về sự chính xác. Phải chăng Sleepinginairsports chỉ xếp hạng những sân bay nổi tiếng của các nước và rất chủ quan? Năm 2011, mạng GO của CNN từng bình chọn Bitexco Finacial Tower  xếp thứ 5/20 tòa nhà ấn tượng nhất thế giới, trong khi Buji Khalifa cao nhất thế giới, được xem là kỳ quan kiến trúc hiện đại xếp thứ... 18. Tất cả đều tương đối, tùy theo quan điểm và cách thức xếp hạng, ở đâu cũng vậy.

Thiên hạ họ nói đúng thì phải sửa thôi, xin đừng thanh minh, chống chế; cũng đừng quá bức xúc. Người ta chê mình ở dơ, luộm thuộm, xem thường khách chứ không chê mình nghèo, mình nhỏ. Nếu muốn gia nhập Top Ten các sân bay hàng đầu Đông Nam Á, chưa dám nói châu Á, Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh (bị phàn nàn nhiều nhất), máy lạnh, wifi, mở thêm nhiều quầy thu đổi ngoại tệ, hoàn thuế, thông tin…Bắt buộc phải có khu vực riêng cho khách nghỉ ngơi khi chờ transit, trễ hoặc hủy chuyến. Khu vực này nên dùng ghế bật thay ghế cứng. Sân bay Nội Bài có dịch vụ đưa đón khách về Hà Nội rất tốt, ăn đứt nhiều nơi khác. Còn khách là còn xe buýt phục vụ, dù nửa đêm hay khuya sáng.

Điều quan trọng nhất mà các sân bay Việt Nam phải làm ngay là thay đổi từ nhận thức đến thái độ phục vụ, thể hiện sự thân thiện, hiếu khách bởi đây là “bộ mặt của đất nước”. Nhân viên hàng không, sân bay, cửa khẩu… là những “sứ giả ngoại giao” thật sự. Những mặt yếu kém của các sân bay Việt Nam đều có thể khắc phục. Vấn đề là có muốn làm hay không.

 Steven Nguyễn*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người sống ở California, Mỹ.

>> Đánh giá Nội Bài, Tân Sơn Nhất là sân bay tệ nhất, không oan
>> Nội Bài, Tân Sơn Nhất thuộc 10 sân bay tệ nhất châu Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.