Giữ rừng vùng giáp ranh: Trạm bảo vệ rừng bảo kê phá rừng?

21/10/2014 10:22 GMT+7

Tình trạng xâm lấn đất rừng, đào vàng trái phép xảy ra tại vùng giáp ranh xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) và xã Tư (H.Đông Giang, Quảng Nam) khiến rừng phòng hộ bị xâm hại nghiêm trọng từ nhiều năm qua.

 

Gỗ khai thác trái phép bị phát hiện tại vùng giáp ranh vào đầu tháng 10 - Ảnh: C.T.V

Gây khó cho đoàn truy quét

 

UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo UBND H.Đông Giang tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các vùng giáp ranh giữa xã Tư với xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) không để xảy ra tình trạng khai thác gỗ, khoáng sản trái phép; đồng thời kiểm tra, quản lý phần diện tích đất rừng phòng hộ tại khu vực núi Cà Nhông trong phạm vi đường ranh giới.

Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (gọi tắt Trạm Cà Nhông, thuộc BQL rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa) được thiết lập trên diện tích 900m2 từ năm 1988 trên đất thuộc thôn Lấy (xã Tư). Theo già làng Đinh Văn Thép (63 tuổi, trú thôn Lấy), nhiều năm qua, rừng ở suối Nước Trong, suối Bứa, Khe Chuột và đỉnh Duy Linh (thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vàng) thường xuyên bị tàn phá, lấn chiếm để khai thác vàng và gỗ. Cũng theo già Thép, người dân địa phương rất bất bình vì họ bảo vệ rừng nghiêm ngặt trong khi những người ngoài địa phương lại vào rừng “tự do thoải mái” để tàn phá rừng. “Tôi thay mặt bà con kiến nghị chính quyền giải quyết dứt điểm vùng giáp ranh giữa đất thôn Lấy và đất Hòa Bắc”, già Thép kiến nghị.

Ông Bùi Văn Thảo, Phó trưởng Phòng TN-MT H.Đông Giang cho biết, xuất phát từ tình hình khai thác vàng trái phép tại tiểu khu 63, 65 (thuộc xã Tư), UBND H.Đông Giang đã thành lập tổ công tác để kiểm tra. Tuy nhiên, khi tổ công tác truy quét thì các phương tiện của “vàng tặc” lại chuyển qua để xung quanh Trạm Cà Nhông. Khi qua kiểm tra thì cán bộ trạm này không cho, gây khó khăn cho đoàn công tác của huyện. Thậm chí, có trường hợp, một hộ dân vào rừng nấu rượu để “tiếp tế” cho dân làm vàng và khai thác gỗ trái phép, khi bị kiểm tra cũng đem nồi rượu gửi vào trạm để né truy quét. Tháng 4 vừa qua, Sở NN-PTNT Quảng Nam cử đoàn kiểm tra thực địa vùng giáp ranh giữa thôn Lấy với xã Hòa Bắc. Qua kiểm tra trên vùng giáp ranh này có  24,5ha trồng keo và cao su. Đến tháng 7, UBND H.Đông Giang thông báo tìm chủ sở hữu thì một hộ dân tại thôn Lấy nhận chăm sóc diện tích này cho cán bộ Trạm Cà Nhông.

Tại cuộc họp giữa UBND H.Đông Giang mới đây, BQL rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa tiếp tục đề nghị tạo điều kiện duy trì Trạm Cà Nhông để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Theo lý giải của lãnh đạo BQL, nếu di dời trạm này về đất Đà Nẵng sẽ khó khăn về nước sinh hoạt. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp này cũng dẫn ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Nội vụ H.Đông Giang cho rằng: “Trạm Cà Nhông không hiệu quả, phía sau đó như thế nào mà tại sao đề nghị duy trì trạm này?”.

Giao khoán đất tràn lan

UBND H.Đông Giang cho biết phần diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vàng (thuộc thôn Lấy) không chỉ bị xâm hại bởi lâm tặc và vàng tặc mà còn có sự chồng chéo do ngành chức năng Đà Nẵng khoán đất (theo Nghị định số 01/CP ngày 4.1.1995 của Chính phủ) cho người dân sai lâm phận. Hiện có nhiều hộ dân đã trồng cao su và keo lá tràm tại khu vực núi Cà Nhông nằm trên phần đất của H.Đông Giang. Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực này, nhiều hộ dân đã xâm canh hơn 6,6ha đất. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Tư đã kiến nghị BQL rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa phải chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả việc giao đất của Quảng Nam cho các hộ dân sai vị trí. Ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND H.Đông Giang cho biết, mục đích cuối cùng là giữ được lưu vực đầu nguồn sông Vàng, do vậy huyện đề nghị BQL rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa tự xử lý tài sản trên đất và giao lại cho BQL rừng phòng hộ Sông Kôn trồng lại rừng với mục đích phòng hộ. Liên quan đến Trạm Cà Nhông, ông Đỗ Tài yêu cầu BQL rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa chuyển trạm này ra khỏi địa bàn xã Tư trước ngày 31.12. Nếu sau thời gian trên mà không di dời thì UBND H.Đông Giang sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định. Cũng theo ông Tài, UBND H.Đông Giang sẵn sàng bố trí đất và tạo điều kiện cho chuyển Trạm Cà Nhông ra đóng tại đội 2 (thôn Lấy) cùng với Trạm bảo vệ rừng Sông Kôn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

Hoàng Sơn

>> Phá rừng gỗ quý
>> Phá rừng, dự án treo… làm nóng ‘nghị trường’
>> Vì sao cả làng cùng phá rừng?
>> Phá rừng để làm đường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.