Thiếu hứng thú vì sách giáo khoa

18/10/2014 06:15 GMT+7

Dù đã có nhiều đợt chỉnh lý, sửa đổi, thế nhưng trong quá trình đưa vào giảng dạy, vẫn còn nhiều điểm chưa thật hợp lý trong sách giáo khoa ngữ văn hiện hành khiến cả giáo viên và học sinh đều lúng túng, giảm niềm vui trong học tập.

>> Tránh rủi ro khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới
>> Cần bao nhiêu tiền làm sách giáo khoa? - Kỳ 3: Không nên áp dụng cơ chế bao cấp
>> Cần bao nhiêu tiền làm sách giáo khoa ? - Kỳ 2: Những cách làm ít tốn kém
>> Cần bao nhiêu tiền làm sách giáo khoa ?

 Vẫn còn nhiều điểm chưa thật hợp lý trong sách giáo khoa ngữ văn hiện hành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Vẫn còn nhiều điểm chưa thật hợp lý trong sách giáo khoa ngữ văn hiện hành
 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Không nhất quán khi tích hợp

Khi chưa thay đổi, 3 phân môn văn học, làm văn và tiếng Việt phải học riêng. Lúc soạn sách cũng có các nhóm soạn giả soạn riêng cho từng phân môn. Mỗi phân môn phải đi theo hệ thống chương trình bài học riêng. Khi tích hợp lại thì 3 phân môn ấy phải có sự thống nhất chung, khoa học, chặt chẽ.

Thế nhưng khi nhìn vào chương trình, vẫn thấy còn một số khập khiễng. Ví dụ như bài làm văn tiểu sử tóm tắt ở chương trình lớp 11 thiếu nhất quán với rất nhiều phần giới thiệu tác giả thuộc tiểu dẫn của bài đọc văn. Trong phần mục đích của bài học tiểu sử tóm tắt, sách giáo khoa (SGK) viết: "Nắm được tiểu sử nhà văn, nhà thơ, chúng ta sẽ có thêm cơ sở để hiểu đúng, hiểu sâu hơn các sáng tác của họ". Cách viết ở phần học sinh phải ghi nhớ cũng có yêu cầu: "Bản tiểu sử tóm tắt thường có các phần: giới thiệu khái quát về nhân thân (...), hoạt động xã hội (...), những đóng góp, thành tựu (...), đánh giá chung". Tuy nhiên, nếu nhìn vào tiểu sử của các nhà thơ, nhà văn được giới thiệu trong chương trình, có thể thấy "thiên hình vạn trạng", trật tự các phần thiếu thống nhất, nhiều tác giả không đầy đủ các phần cần thiết như  Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Puskin, Victor Hugo... Đây chính là sự thiếu ăn ý của hai bộ phận biên soạn. Khi đưa vào dạy và học, nếu giáo viên yêu cầu học sinh dựa vào bài học tiểu sử để tóm tắt các ý chính của tác giả ở phần tiểu dẫn bài đọc văn thì phần lớn học sinh lúng túng.

Nhiều bất cập

Trước đây, học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng cái khó khăn của học sinh ta trong việc học văn là phải học chương trình môn văn theo tiến trình lịch sử dân tộc. Như thế, ở lứa tuổi trình độ còn hạn chế thì phải học phần văn học Hán, Nôm trước rồi sau đó học văn học hiện đại. Mà phần văn học trung đại thì khó tiếp nhận hơn văn học hiện đại vì đòi hỏi nhiều về kiến thức Hán, Nôm. Như thế, khi soạn phần này (chủ yếu chương trình lớp 10 và một phần lớp 11) phải đặc biệt chú ý, chẳng hạn như phải chú giải đầy đủ những từ ngữ khó... Thế nhưng chúng tôi thấy còn nhiều bài học chưa thật thỏa đáng, nhất là sẽ khó cho việc tự học của học sinh, dẫu biết rằng cuối sách có bảng tra cứu từ Hán Việt. Ví dụ như về tác giả Nguyễn Du (SGK Ngữ văn 10), soạn giả đã rất "khiêm tốn" khi chỉ chú giải "tập ấm" mà thôi!

Chủ trương thay đổi SGK các lần đi kèm với giảm tải nội dung. Đó là việc làm đúng. Ví dụ trước đây ở lớp 11, học sinh phải học đến 3 bài thơ của Xuân Diệu thì nay chỉ còn 1 bài. Nhưng nếu giảm tải mà cắt đi yêu cầu tìm hiểu về nội dung rất trọng tâm của tác phẩm thì không hay. Như trường hợp của Nam Cao, từ 2 truyện ngắn (có Đời thừa) đã giảm còn lại Chí Phèo. Nhưng từ hướng dẫn học bài, ghi nhớ SGK đến sách giáo viên đều hướng đến phân tích hình tượng Chí Phèo điển hình cho "bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa", nghĩa là bi kịch tha hóa. Theo chúng tôi, truyện Chí Phèo có hai bi kịch, ngoài bi kịch trên, truyện còn có bi kịch sâu sắc hơn: bi kịch bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người lương thiện.

Ngoài ra, theo như Lời mở đầu SGK Ngữ văn 10 hiện hành, lần thay đổi này chú trọng "hướng vào cuộc sống để vận dụng kiến thức và để sống đúng, sống đẹp". Nghĩa là kéo văn học  gần lại với đời sống hơn. Nhưng rất ít tác phẩm ở phần hướng dẫn học bài và phần luyện tập có câu hỏi cho yêu cầu này.

Thiếu sức hấp dẫn, cập nhật

Về hình thức, SGK ngữ văn trình bày quá đơn giản, giấy đen và chỉ thuần một màu. Nếu so sánh với SGK các môn khác (như sử, địa...) thì thua xa.

Về nội dung, do yêu cầu giảm tải nên quá giản lược, cô đọng. Cần đưa thêm nhiều hơn hình ảnh minh họa, chứ không đơn giản chỉ đa phần là hình tác giả (như từ điển bộ mới đã làm). Cần thêm nhiều bài tham khảo theo chùm đề tài.

Cuối cùng phải kể đến tính cập nhật của nó. Sau nhiều lần tái bản nhưng nội dung vẫn không có gì thay đổi. Ví dụ có tác giả đã mất vài năm vẫn chưa thấy đưa vào tiểu dẫn... 

Nhiều lần thay đổi

Năm 2000 Bộ GD-ĐT chủ trương chỉnh lý, hợp nhất SGK trên cơ sở từ hai bộ sách (miền Bắc, do Trường ĐHSP Hà Nội chủ trì biên soạn, và miền Nam, do Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM chủ trì biên soạn), SGK môn văn của cấp học THPT cũng đã có thêm một lần thay đổi. Lộ trình thực hiện theo hình thức cuốn chiếu của các năm 2006, 2007, 2008 tương ứng với các lớp 10, 11, 12. Đây là lần đổi mới có tính đột phá: môn văn được soạn theo hướng tích hợp của ba phân môn (văn học, làm văn và tiếng Việt) thành một bộ môn có tên gọi chung là Ngữ văn, cùng với chủ trương là phát huy vai trò của người học.

Trần Ngọc Tuấn

>> Phòng học tương tác với sách giáo khoa điện tử thế hệ mới mang niềm vui về với trường làng
>> Sách giáo khoa phớt lờ tác quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.